Sao giá xăng giảm mạnh mà giá cước vận tải, hàng hóa vẫn làm ngơ?
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 05:17, 20/02/2016
Ngay khi giá xăng giảm xuống dưới 14.000 đồng/lít, đã có nhiều câu hỏi đặt ra rằng liệu giá cước vận tải và giá các mặt hàng khác có "mủi lòng" giảm theo?
Vào chiều 18.2, Liên bộ Công thương - Tài chính đã điều chỉnh giá xăng RON 92 giảm 960 đồng/lít, về mức dưới 13.750 đồng/lít, xăng E5 dưới 13.321 đồng/lít. Các mặt hàng dầu thì được giữ nguyên giá. Mức giảm giá xăng lần này được cho là đã gây bất ngờ cho không ít người vì đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 7.2009.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư gần đây cho biết, nếu giá xăng dầu trong nước giảm 10% thì chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được khoảng 0,57%, CPI giảm được 0,55% và GDP sẽ tăng được 0,91%.
Nhiều chuyên gia đánh giá rằng mức giảm giá xăng liên tiếp trong thời gian qua sẽ tác động tương đối tích cực tới nền kinh tế nếu giá cước vận tải và giá cả các mặt hàng giảm theo. Vậy trong thời gian tới, liệu giá cước vận tải và giá các mặt hàng có giảm theo giá xăng hiện nay?
Thực tế cho thấy rằng, dù giá xăng dầu giảm rất nhiều lần từ năm ngoái đến nay, nhưng các doanh nghiệp vận tải vẫn "làm ngơ" đối với giá cước. Theo thông tin từ các hãng vận tải, giá cước vận tải theo tuyến mới chỉ giảm 1 lần trong tháng 1 vừa qua, dù giá xăng dầu đã giảm liên tiếp nhiều lần trước đó.
Nhận định về việc các doanh nghiệp vận tải "chây ì" giảm giá cước trong khi giá xăng liên tiếp giảm, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết: "Việc các đơn vị chậm trễ trong việc giảm giá cước là một thực tế mà nhiều người không đồng tình. Khi giá xăng giảm xuống thấp hơn 14.000 đồng/lít, các đơn vị kinh doanh vận tải buộc phải cân đối, điều chỉnh giá cước càng sớm càng tốt".
Vào ngày 18.2 tại Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã ký công văn về việc rà soát, kê khai lại giá cước vận tải bằng ô tô gửi các doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô theo tuyến cố định, taxi, container trên địa bàn thành phố.
Còn về phía các mặt hàng hóa, nhiều doanh nghiệp vẫn "than khó" trong việc giảm giá các mặt hàng, sản phẩm. Anh Phương, chủ một doanh nghiệp nhỏ trên đường Minh Khai, cho biết: "Giá xăng dầu giảm đã giúp công ty tiết kiệm được một khoản chi phí lớn. Trong suốt lần giảm từ năm ngoái tới năm nay, công ty tôi đã giảm được khoảng 15% số tiền vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, hiện công ty vẫn chưa thể khai thác được những lợi thế trong việc sản xuất, cạnh tranh, tiêu thụ sản phẩm nên vẫn khó lòng giảm giá sản phẩm được".
Trong khi đó, chủ một doanh nghiệp khác tên Thuấn trên đường Láng lại nhận định: "Giá xăng dầu giảm nhưng nhiều chi phí khác vẫn dội lên đầu công ty như phí đường bộ, cao tốc, kho bãi... nên giá các sản phẩm, mặt hàng vẫn khó có thể giảm. Việc giảm giá sản phẩm không phải việc đơn giản, cần có lộ trình cân đối để khách hàng có thể hiểu được".
Tuyết Nhung