Giá dầu thô giảm khiến Việt Nam chịu thiệt nặng ra sao?
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 06:00, 19/02/2016
Trong thời gian qua, giá dầu thế giới giảm luôn là mối quan tâm hàng đầu đối với nhiều quốc gia trong khu vực châu Á vì đây là khu vực nhập khẩu dầu thô lớn nhất trên toàn cầu. Đối với Việt Nam, việc giá dầu giảm đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực trông thấy.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, giá dầu giảm sẽ kéo theo GDP của Việt Nam giảm theo vì xuất khẩu dầu thô đang là một trong những lĩnh vực xuất khẩu trụ cột của Việt Nam. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2015, lượng dầu thô xuất khẩu của Việt Nam đạt 5,44 triệu tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, do đơn giá dầu thô bình quân giảm 47,8% khiến trị giá xuất khẩu dầu thô của cả nước chỉ đạt 2,46 tỉ USD, giảm 47,1% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương với mức giảm 2,18 tỉ USD.
Về mặt nhập khẩu, lũy kế 7 tháng đầu năm, cả nước đã nhập khẩu 5,93 triệu tấn xăng dầu với giá trị đạt 3,42 tỉ USD, tăng 8,4% về lượng và giảm 34% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, giá xăng dầu thành phẩm giảm đã khiến số thu thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng này cũng bị hụt hàng nghìn tỉ đồng.
Một số chuyên gia kinh tế nước ngoài trước đó đã từng đánh giá rằng nếu giá dầu giảm xuống 40 USD/thùng, nền kinh tế Việt Nam có thể hao hụt tới 110.000 tỉ đồng trong năm 2015 từ sự suy giảm hoạt động khai thác và xuất nhập khẩu dầu khí.
Bất lợi gần đây nhất mà giá dầu giảm gây ra cho nền kinh tế Việt Nam chính là làm suy giảm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Úc. Cụ thể, theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong năm 2015, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Úc đạt 4,93 tỉ USD, giảm 19% so với năm 2014, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Úc đạt 2,91 tỉ USD, giảm 27,2%, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Úc đạt 2,02 tỉ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ. Việt Nam xuất siêu khoảng 900 triệu USD sang Úc.
Tổng cục Hải quan đánh giá kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Úc giảm chủ yếu là do giá dầu thô giảm mạnh. Kim ngạch xuất khẩu dầu thô giảm tới 69,4% (giảm gần 1,3 tỉ USD) và lần đầu tiên xuất khẩu dầu thô của Việt Nam chỉ đứng thứ 2 trong các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Úc.
Trong những năm gần đây, xuất khẩu dầu thô chiếm khoảng 1/2 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Úc, do vậy, kim ngạch dầu thô giảm mạnh sẽ kéo tổng kim ngạch xuất khẩu giảm. Nếu không tính dầu thô, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng phi dầu thô vẫn tăng 9,5% so với năm 2014.
Theo đánh giá của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings, dầu thô lao dốc, Việt Nam sẽ là nước chịu thiệt nặng nề nhất trong khu vực châu Á bởi lẽ Việt Nam là nước phải chứng kiến chi phí nhập khẩu ròng tăng với mức tăng 1% GDP do lượng xuất khẩu sụt giảm mạnh. Kể từ năm 2013, cán cân vãng lai của Việt Nam đã suy giảm, một trong những nguyên nhân này chính là do kim ngạch xuất khẩu dầu thô giảm.
Trước đó, trao đổi với báo chí về bối cảnh giá dầu thô suy giảm ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam, TS Lương Văn Khôi, Trưởng ban Kinh tế thế giới thuộc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định các nền kinh tế xuất khẩu dầu mỏ sẽ chịu tác động tiêu cực và rất nặng nề trong năm 2016 và tăng trưởng kinh tế thế giới giảm. Riêng GDP của Việt Nam có thể sẽ sụt giảm mạnh.
Tuy nhiên, trước bối cảnh giá dầu thô hiện nay, nhiều chuyên gia cũng cho rằng Việt Nam nên thích ứng và coi giá dầu giảm là cơ hội thúc đẩy tái cơ cấu, tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm và cân nhắc kỹ lưỡng các tác động sâu rộng hơn trong giai đoạn tới.
Tuyết Nhung