Hiểu lầm lớn nhất về tăng cường xuất khẩu của Việt Nam: Cẩn thận “cốc mò cò xơi”
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 11:07, 17/02/2016
Có thể nói rằng, về một khía cạnh nhất định, cuộc chiến quan trọng nhất đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2016 và những năm sau đó là cuộc chiến về xuất khẩu.
Hầu hết tất cả mọi hiệp định thương mại quan trọng nhất mà Việt Nam tham gia và được đánh giá là sẽ tác động rất lớn tới nền kinh tế đất nước, đều chủ yếu hướng đến việc tăng cường xuất khẩu. Nếu không thể tăng cường xuất khẩu thì các hiệp định thương mại trên là vô nghĩa.
Có thể nói, mọi nguồn lực và quyết tâm của nền kinh tế Việt Nam trong những năm sắp tới sẽ là làm mọi cách để đẩy mạnh tổng sản lượng và giá trị hàng xuất khẩu lên mức cao nhất có thể. Nhưng, ở ngay trong mặt trận quan trọng nhất này, Việt Nam lại đang mắc phải một hiểu lầm nghiêm trọng và nguy cơ “cốc mò cò xơi” đối với ngành xuất khẩu của Việt Nam đang là rất lớn.
Hiểu lầm lớn nhất về vấn đề xuất khẩu của Việt Nam ở thời điểm hiện tại là đánh đồng tổng kim ngạch và giá trị xuất khẩu của nền kinh tế hàng năm với thực chất lợi nhuận mà nền kinh tế thu được từ xuất khẩu. Chẳng hạn như trong năm 2015 vừa qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 162,4 tỉ USD, tuy nhiên phần lớn trong số đó lại là từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của khối FDI đạt 115,1 tỉ USD, chiếm tới 71% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong khi đó khối doanh nghiệp trong nước chỉ xuất khẩu được 47,3 tỉ USD. Cùng với đó thì FDI cũng là khu vực có mức xuất siêu cao nhất, lên tới 17,1 tỉ USD, còn khu vực doanh nghiệp trong nước lại đang nhập siêu tới 20,3 tỉ USD.
Điều này đang cho thấy một thực tế là các doanh nghiệp FDI đang là người nắm giữ phần lớn lợi nhuận mà nền kinh tế Việt Nam thu được thông qua lĩnh vực xuất khẩu. Tỷ trọng xuất khẩu mà khu vực FDI chiếm lĩnh đang ngày càng tăng lên đáng kể, khi nó mới chỉ đạt khoảng 41% trong năm 2009 thì đến năm 2015 vừa qua nó đã tăng lên tới 71%. Trong bối cảnh mà tỷ trọng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước liên tiếp sụt giảm trong vài năm qua (trong năm 2015 đã sụt khoảng 3,5% so với năm 2014), trong khi các doanh nghiệp nước ngoài đang tràn vào thị trường Việt Nam ngày càng nhiều hơn để thâu tóm lợi ích từ các hiệp định thương mại như TPP hay các FTA, thì sự mất cân bằng trong cán cân xuất khẩu này sẽ còn tăng nhanh hơn nữa. Sẽ không có gì bất ngờ nếu như tỷ trọng xuất khẩu của khối FDI sẽ lên tới 80-85% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong vài năm tới.
Điều này có nghĩa hầu hết lợi ích mà Việt Nam nhận được trong việc đẩy mạnh xuất khẩu từ các hiệp định thương mại như TPP và các FTA sẽ rơi vào túi các doanh nghiệp FDI. Điều này diễn ra kể cả trong những ngành mà tưởng như các doanh nghiệp nội mạnh nhất, chẳng hạn như dệt may. Theo tính toán, sau khi TPP đi vào hoạt động thì các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ nhận được những lợi ích lớn từ việc các dòng thuế đánh vào dệt may sẽ giảm xuống còn 0%. Với mức thuế hiện tại mà Mỹ đang áp cho hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào thị trường nước này là 17%, thì con số mà Mỹ thu được hàng năm từ hàng dệt may Việt Nam là khoảng 1,17 tỉ USD. Điều này có vẻ như đồng nghĩa với việc sau khi TPP đi vào hoạt động thì lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ tăng lên hơn 1 tỉ USD mỗi năm.
Nhưng thực ra không phải thế. Con số 1,17 tỉ USD này trên thực tế không phải do các doanh nghiệp dệt may chi trả như nhiều người đã hiểu lầm. Con số này là do các doanh nghiệp Mỹ nhập khẩu hàng dệt may từ Việt Nam phải trả. Nó có nghĩa là khi các hàng rào thuế giảm về 0%, thì người được hưởng hơn 1 tỉ USD đó không phải là các doanh nghiệp Việt Nam mà là các doanh nghiệp Mỹ. Dĩ nhiên, khi lợi nhuận mà các công ty nhập khẩu ở Mỹ tăng lên do tiết kiệm được hơn 1 tỉ USD tiền thuế này, thì nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may từ Việt Nam sẽ tăng lên. Lợi ích thực sự đối với ngành dệt may Việt Nam từ sự thúc đẩy xuất khẩu của TPP là ở đó. Tuy nhiên, nó không hẳn là một tin tức đáng mừng, khi mà theo thống kê, hiện khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đang nằm trong tay các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp dệt may nội địa chỉ chiếm 30% mà thôi. Nó có nghĩa là trong tổng giá trị xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam trong năm 2015 là khoảng 23 tỉ USD, thì các doanh nghiệp nội địa chỉ nhận được 7 tỉ USD.
Đó là chưa kể đến một thực tế, 85% doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện vẫn đang dừng ở mức độ gia công vốn có lợi nhuận rất thấp, chỉ chiếm khoảng 25% giá thành sản phẩm. Điều này có nghĩa là, trong 7 tỉ USD mà về lý thuyết các doanh nghiệp nội địa nhận được từ xuất khẩu hàng dệt may trong năm 2015, thì thực tế các doanh nghiệp này chỉ nhận được 1,5 tỉ USD. Nói cách khác, số lợi nhuận thực mà các doanh nghiệp dệt may trong nước nhận được hàng năm chỉ chiếm chưa đầy 10% tổng lợi nhuận từ xuất khẩu mà toàn ngành đem lại, và hơn 90% lợi nhuận đã chảy vào túi các doanh nghiệp FDI. Có lẽ cũng chẳng ai biết được có bao nhiêu % trong số đó được chuyển khỏi thị trường Việt Nam để ra nước ngoài.
Chiếm chưa đầy 10% tổng lợi nhuận từ xuất khẩu như ngành dệt may vẫn còn khá khẩm, vì dù sao ngành này vẫn được xem là một trong những lĩnh vực mạnh nhất trong nền kinh tế Việt Nam. Trong hàng loạt các ngành khác thì tình hình còn bi đát hơn nhiều. Trong số các lĩnh vực xuất khẩu có giá trị lớn nhất, như điện thoại và linh kiện máy móc, tổng cộng chiếm khoảng 45% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2015, thì tỷ trọng của khối FDI còn lớn hơn rất nhiều. Theo thống kê, khối FDI chiếm 99% tổng giá trị lợi nhuận trong lĩnh vực xuất khẩu máy tính và linh kiện điện tử, mà lĩnh vực xuất khẩu này trong năm 2015 đã lên tới khoảng 60 tỉ USD. Nói cách khác, khối doanh nghiệp trong nước chỉ thu được 1% lợi nhuận từ xuất khẩu của ngành này.
Với tình trạng hiện tại, không khó để đưa ra kịch bản cho ngành xuất khẩu Việt Nam trong tương lai sau khi TPP và các FTA đi vào hoạt động. Đó là miếng bánh xuất khẩu mà Việt Nam đang cố gắng tăng kích cỡ thông qua việc ký các hiệp định thương mại sẽ ngày càng rơi nhiều hơn vào tay khối doanh nghiệp FDI hơn là các doanh nghiệp trong nước. Dĩ nhiên điều này cũng không có vấn đề gì, khi mà chỉ số tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn sẽ tăng nhanh, nhưng rõ ràng việc phần lớn lợi nhuận từ xuất khẩu rơi vào tay khối FDI sẽ khác rất nhiều so với việc rơi vào tay khối doanh nghiệp trong nước vì mức độ tái đầu tư số lợi nhuận đó vào nền kinh tế Việt Nam sẽ rất khác biệt. Dĩ nhiên là khi mà "cốc mò cò xơi", thì chỉ có cò là béo lên, còn cốc thì rõ ràng là chưa chắc.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, The Saigon Times, Dantri, Vneconomy)