Ba việc cần làm để kinh tế Việt Nam cất cánh trong năm 2016

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 06:10, 01/01/2016

Việc kinh tế Việt Nam quay lại đà tăng trưởng tốc độ cao, với mức tăng trưởng 6,68% GDP trong năm 2015, được xem là một tín hiệu tích cực, đặc biệt là ngay trước giai đoạn hội nhập có quy mô lớn nhất từ trước tới nay..

Các hiệp định thương mại quy mô như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là những cơn gió lớn. Nếu con diều vững chắc thì sẽ bay cao, còn nếu con diều mỏng manh và yếu đuối thì sẽ bị nuốt chửng. Rất may là ngay khi chuẩn bị gia nhập hai hiệp định quan trọng đó, kinh tế Việt Nam đã khởi sắc trở lại. Và để tận dụng tốt nhất hai cơn gió lớn đó để kinh tế Việt Nam cất cánh trong năm 2016, có ba việc rất quan trọng cần làm ngay.

1.   Đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Đây là vấn đề được đánh giá là cần thực hiện nhất ở thời điểm hiện tại, vì nó có tác động tới rất nhiều các vấn đề quan trọng khác của kinh tế Việt Nam. Đó là bội chi ngân sách và nợ công. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số nợ của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã lên tới 1,57 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2013, trong đó hàng năm Chính phủ vẫn phải bảo lãnh nợ cho các DNNN hiện đã lên đến mức 19% tổng nợ công.

Điều này đã ảnh hưởng khá lớn đến mức trần nợ công của Việt Nam đang gia tăng với tốc độ đáng lo ngại. Tính đến hết năm 2015, trần nợ công của Việt Nam đã lên tới 61,3% GDP tức là đã áp sát mức trần nợ công được Quốc hội cho phép là 65%. Theo tính toán, cứ với tốc độ tăng nợ công trong vài năm qua, thì chỉ đến cuối năm 2017 Việt Nam sẽ chạm mốc này với mức nợ công là 64,3%. Ngân hàng thế giới (WB) đã cảnh báo rằng tuy nợ công của Việt Nam vẫn nằm trong giới hạn cho phép nhưng chi phí trả nợ đã bắt đầu ăn vào các khoản chi hỗ trợ sản xuất của nền kinh tế trong dự toán ngân sách. Thực tế là áp lực trả nợ đang là một gánh nặng không nhỏ đè lên ngân sách quốc gia, khi chiếm khoảng 5,6% GDP trong những tháng đầu năm 2015.

Việc đẩy mạnh cổ phần hóa các DNNN vì thế sẽ là một mũi tên trúng ba bốn đích. Trước hết, Chính phủ sẽ không còn phải rót tiền thông qua bảo lãnh chính phủ để hỗ trợ các DNNN nữa, thay vào đó có thể sử dụng để phát triển kinh tế xã hội. Khoản ngân sách thu được từ việc cổ phần hóa này cũng sẽ là một khoản không nhỏ, rất cần thiết cho các hoạt động đầu tư công mà Việt Nam đang có nhu cầu khá lớn. Áp lực trả nợ của Chính phủ cũng sẽ giảm xuống, và cùng với đó là trần nợ công quốc gia cũng sẽ có xu hướng giảm do không còn phải đi vay để hỗ trợ các DNNN nữa. Các doanh nghiệp sau khi được cổ phần hóa cũng được dự đoán sẽ hoạt động hiệu quả và nâng cao năng suất, sẽ là những đối tượng đóng thuế vào ngân sách quốc gia một cách khá dồi dào.

2.   Giảm bội chi ngân sách và tái cơ cấu đầu tư công.

Việc bộ Tài chính công bố thu ngân sách 2015 vượt dự tính gần 46.000 tỷ đồng và bội chi ngân sách được kiểm soát khá tốt trong năm nay là một tín hiệu vui. Nhưng những gốc rễ của một trong những vấn đề lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua vẫn chưa thực sự được giải quyết: bội chi ngân sách. Tỷ lệ bội chi ngân sách Việt Nam trên GDP ở thời điểm hiện tại là khoảng 4,95%. Trong số đó vẫn có rất nhiều khoản chi được cho là còn có thể giảm hơn nữa, và có thể đem lại những khoản ngân sách dôi dư lớn để đầu tư vào phát triển kinh tế xã hội. Điển hình là giảm bộ máy biên chế.

Theo tính toán của Chính phủ, khoảng 30% số công chức ở thời điểm hiện tại là thuộc diện không làm được việc, tương đương khoảng 840.000 người. Tính số lương chi trả cho con số gần 1 triệu công chức vô dụng này là một khoản lãng phí khổng lồ, đang đe dọa đến ngân sách quốc gia. Dù đề án tinh giản biên chế đã xác định sẽ giảm khoảng 100.000 vị trí trong vòng 6 năm tới, nhưng đây vẫn là một con số khá khiêm tốn.

Nếu có thể đẩy mạnh tốc độ tinh giản biên chế nhanh hơn nữa, thì sức ép lên ngân sách sẽ giảm đi đáng kể và nguồn lực được dành cho phát triển kinh tế xã hội tăng lên rất nhiều. Đó là chưa kể tinh giản biên chế cũng sẽ khiến bộ máy hành chính hoạt động nhanh và hiệu quả hơn, trực tiếp thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế.

Một vấn đề khác quan trọng không kém là tái cơ cấu đầu tư công. Trong những năm qua, đầu tư công vẫn ở mức khá cao, trên dưới 40% tổng đầu tư toàn xã hội, nhưng hiệu quả lại không đi kèm một cách tương ứng. Tình trạng, số lượng và chất lượng đầu tư công đã được kiểm soát tốt hơn so với cách đây 3, 4 năm, nhưng tình trạng đầu tư dàn trải và thiếu kiểm soát vẫn diễn ra. Sử dụng nguồn vốn đầu tư, mà phần lớn là đi vay nước ngoài, đã gần như trở thành một căn bệnh mãn tính ở các địa phương. Nguyên nhân chủ yếu vẫn xuất phát từ cơ chế phân bổ ngân sách “xin-cho”. Điều này gây ra một sự thất thoát và lãng phí vốn đầu tư ở một quy mô rất lớn, bắt nguồn từ một căn bệnh trầm kha của nền kinh tế Việt Nam là phân bổ nguồn lực một cách thiên lệch và không hiệu quả.

Việc bộ Tài chính đề xuất sửa đổi cơ chế cấp phát kiểu “xin-cho” thiếu hiệu quả sang cơ chế cho vay, trong đó Nhà nước sẽ chuyển nguồn vốn vay từ nước ngoài cho các địa phương theo hình thức vay đang được kỳ vọng sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng này. Khi nguồn vốn khá hữu hạn của nền kinh tế Việt Nam được phân bổ tốt hơn, đúng địa chỉ hơn, thì khi đó mới có thể hy vọng về việc kinh tế Việt Nam sẽ cất cánh.

3.   Hỗ trợ phát triển giới doanh nghiệp tư nhân.

Đây là vấn đề được xem là quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Vì tất cả những cải cách đã kể trên sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu như vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển không được giải quyết. Lý do rất đơn giản, đó là: doanh nghiệp tư nhân đang là mũi nhọn của kinh tế Việt Nam, nếu dựa trên mức đóng góp vào GDP của cả nước, tính đến năm 2014 là trên 40%.

Đây là bộ phận kinh tế năng động và có hiệu suất cao nhất, và cần dồn nhiều nguồn lực phát triển nhất. Đây cũng sẽ là bộ phận chủ lực của nền kinh tế Việt Nam trong cuộc cạnh tranh và hội nhập trong các hiệp định thương mại lớn như TPP hay AEC. Nói cách khác, nền kinh tế Việt Nam có bay cao hay không phụ thuộc vào sự lớn mạnh hay èo uột của khối tư nhân.

Tính đến thời điểm hiện tại, khối tư nhân Việt Nam vẫn đang chịu khá nhiều sức ép và rào cản mà nếu như được tháo gỡ, nó sẽ giúp nhiều cho tăng trưởng. Trong đó rào cản điển hình là chi phí cho bôi trơn và tham nhũng. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng các doanh nghiệp trung bình cứ làm được 1 đồng thì phải mất 0,72 đồng cho bôi trơn và tham nhũng, đôi khi lên tới 1,02 đồng. Rào cản thuế phí cũng đang tác động không kém, khi các doanh nghiệp đang phải gánh chịu mức thuế phí lên tới 40,8% lợi nhuận.

Những rào cản này đang khiến bộ phận kinh tế năng động và hiệu quả nhất Việt Nam chưa phát huy được hết tiềm năng. Việt Nam cần giải quyết những vấn đề này ngay trong năm 2016 nếu như muốn con diều này thực sự có thể nâng nền kinh tế đất nước bay cao không chỉ trong năm 2016.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ Vneconomy, CafeF)

Một Thế Giới