Lạm phát thấp nhất trong vòng 14 năm: mừng hay lo?
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 10:27, 31/12/2015
Trong đó, một tin tức đáng suy ngẫm là lạm phát trong năm 2015 đạt mức thấp nhất trong vòng 14 năm qua. Theo đó, Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12.2015 chỉ tăng một mức 0,02% so với tháng 11, và tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức 5% được Chính phủ dự kiến từ đầu năm, và là mức thấp nhất trong vòng 14 năm qua.
Với một quốc gia đã từng trải qua giai đoạn lạm phát tăng cao chóng mặt và gây ra những hệ quả kinh tế không nhỏ chỉ mới cách đây khoảng hơn 5 năm như Việt Nam, thì mức lạm phát thấp này có thể được xem là một dấu hiệu của sự ổn định nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn vào vấn đề, thì câu chuyện lại không hề đơn giản như thế.
Lý giải cho việc lạm phát năm 2015 đạt mức thấp nhất trong vòng 14 năm qua, Vụ trưởng vụ thống kê giá là bà Vũ Thị Thu Thủy khẳng định nguyên nhân chủ yếu là do giá các mặt hàng thiết yếu tăng thấp do sự quản lý hiệu quả của chính phủ, và thứ hai là do giá dầu thế giới giảm mạnh khiến CPI cả năm tăng thấp, chứ không phải do sức mua của thị trường suy giảm.
Trên thực tế, đây là điều đã được các chuyên gia dự báo trước, khi nền kinh tế thế giới vẫn suy trầm và giá dầu giảm mạnh nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây, sẽ tác động tới tất cả mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tác động chủ yếu là làm giảm khá mạnh chỉ số CPI.
Trên thực tế, việc giá dầu thế giới sụt giảm mạnh được cho là làm giảm CPI của Việt Nam chỉ khoảng 1,2%, một con số khá khiêm tốn. Nếu tính thêm cả tác động từ nỗ lực của Chính phủ trong việc kiểm soát giá cả các mặt hàng chủ yếu như y tế hay giáo dục, thì chỉ số lạm phát quá thấp trong năm 2015 cũng có nhiều điều đáng nói.
Trước hết, nó chỉ ra rằng sức mua của thị trường không được cải thiện nhiều, dù sức mua không giảm sút nhưng mức tăng lên cũng không cao. Điều này cho thấy, dù đã trải qua tới năm thứ 4 của quá trình kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô từ đầu năm 2012, thì sức khỏe của nền kinh tế cũng chưa có những bước tiến rõ rệt, biểu hiện qua mức tăng sức mua của thị trường không cao.
Nếu nhìn rộng hơn, thì năm 2015 là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam có mức lạm phát thấp và vừa phải. Sau khi lạm phát tăng vọt hồi năm 2011 đạt mức 18,58%, thì kể từ năm 2012 lạm phát đã được kiểm soát tương đối hiệu quả. Năm 2012, lạm phát được kiềm chế ở mức an toàn là 6,81%; năm 2013 tiếp tục ổn định ở mức 6,04%. Nhưng đến năm 2014 thì chỉ số này giảm mạnh, chỉ còn khoảng 1,85%, và năm 2015 cũng thấp không kém.
Thực tế này đang chỉ ra nhiều vấn đề đáng quan tâm. Thông thường, với một nước đang phát triển như Việt Nam, mức lạm phát chuẩn hàng năm được cho vào khoảng trên dưới 7%. Mức lạm phát 7% này cho thấy nền kinh tế tăng trưởng ổn định, và lạm phát được kiềm chế tốt. Vì thế, mức lạm phát quá thấp trong năm 2014 và giờ đây là năm 2015 quả thực gây lo ngại không ít.
Lẽ ra, sau thời kỳ lạm phát bùng phát dữ dội mà năm 2011 là giai đoạn cuối, thì nền kinh tế Việt Nam phải trải qua hai giai đoạn: kiềm chế lạm phát và hồi phục nền kinh tế. Mức lạm phát lý tưởng trong hai năm 2012 và 2013 cho thấy Việt Nam đã làm rất tốt, và lẽ ra hai năm 2014 và 2015 phải là giai đoạn kinh tế hồi phục mạnh sau khủng hoảng. Nhưng thực tế lại rất khác.
Mức lạm phát quá thấp của hai năm 2014 và 2015 dĩ nhiên bị tác động nhiều từ bên ngoài do kinh tế thế giới suy trầm, nhưng nó cũng chỉ ra rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa bước vào giai đoạn hồi phục thực sự. Các chỉ số vĩ mô của nền kinh tế vẫn có mức tăng thấp, mà điển hình là sức mua của thị trường.
So với giai đoạn năm 2012 vốn được đánh giá là có sức mua của thị trường bị sụt giảm mạnh do khủng hoảng và lạm phát trước năm 2011, thì sức mua thị trường của năm 2014 và 2015 không tăng lên là bao. Có thể giải thích điều này bởi nguyên nhân Việt Nam vẫn chưa thu được nhiều thành quả từ việc tái cơ cấu nền kinh tế, vì cỗ máy kinh tế Việt Nam còn dở dang và chưa vào guồng khiến cho tăng trưởng vẫn chưa ổn định, dù lạm phát và khủng hoảng đã được kiềm chế.
Ngoài ra, lạm phát năm 2015 thấp như vậy cũng là một dấu hiệu chỉ ra rằng: Việt Nam vẫn chưa thực sự kiểm soát tốt được tất cả các nguyên nhân chủ đạo gây ra lạm phát. Các yếu tố gây ra lạm phát cao vẫn còn nguyên gốc rễ. Điển hình là những yếu tố gây áp lực lạm phát và đẩy chi phí nền kinh tế lên cao, như tỷ lệ nhập khẩu/GDP cao gần 80% của Việt Nam sẽ rất dễ bị tác động bởi việc giá cả hàng hóa trên thế giới tăng cao, từ đó sinh ra lạm phát. Cùng với đó là việc các yếu tố khác như chi phí sản xuất tăng lên do cơ cấu kinh tế, quản lý kém hiệu quả và áp lực tăng lương cũng góp phần vào việc có thể đẩy lạm phát tăng cao.
Thành công chủ yếu duy nhất của Chính phủ trong việc kiểm soát các yếu tố chủ đạo gây lạm phát cao, là sự thành công trong việc kiểm soát chặt chẽ giá cả các mặt hàng thiết yếu trong năm 2015. Điển hình là y tế, giáo dục. Nói cách khác, mức lạm phát thấp trong năm 2015 đang chỉ ra rằng kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, và còn nhiều vấn đề và thách thức cần giải quyết.
Kinh tế Việt Nam vẫn chưa thực sự đi vào giai đoạn ổn định sau khoảng thời gian khủng hoảng trước năm 2011. Con thuyền kinh tế Việt Nam vẫn cần nỗ lực để đi được vào vùng biển bình yên.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng các thông tin từ Vneconomy, CafeF)