Thoái vốn ở 5 lĩnh vực nhạy cảm mới chỉ đạt 1/4 kế hoạch
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 10:00, 31/12/2015
Tại buổi họp tổng kết năm 2015 của Bộ Tài chính diễn ra vào chiều 30.12, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận định rằng, kế hoạch thoái vốn nhà nước ngoài ngành vẫn chậm so với kế hoạch đề ra khi cả năm 2015, các đơn vị mới thoái được gần 5.000 tỉ đồng trên tổng số hơn 20.000 tỉ đồng cần thoái.
Theo bộ trưởng, số vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, ngân hàng tài chính, bảo hiểm, bất động sản và quỹ đầu tư) cần phải thoái khoảng 15.600 tỉ đồng. Trong đó, lĩnh vực chứng khoán còn gần 118,2 tỉ đồng, lĩnh vực ngân hàng tài chính hơn 8.722 tỉ đồng, lĩnh vực bảo hiểm gần 546,5 tỉ đồng, lĩnh vực bất động sản gần 6.079 tỉ đồng và quỹ đầu tư là 212,1 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo công bố, mới chỉ có 4.975 tỉ đồng được thoái vốn trong năm qua ở các lĩnh vực nhạy cảm này. Tuy nhiện, bên cạnh thoái vốn thì lại đầu tư thêm khoảng 1.401 tỉ đồng.
Về công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, theo Bộ Tài chính, tính tới hết tháng 11, số lượng doanh nghiệp đã cổ phần hóa là 173 đơn vị trên tổng số 289 đơn vị chưa cổ phần hóa trong năm 2015. Tính chung trong giai đoạn từ năm 2011 tới năm 2015, số doanh nghiệp đã thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa là 422 đơn vị, đạt khoảng 78% kế hoạch.
Trong khi trước đó, Bộ Tài chính dự kiến năm 2015 cả nước sẽ cổ phần hóa được 210 doanh nghiệp, đưa số doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2011-2015 lên 459 doanh nghiệp, đạt khoảng 90% kế hoạch, còn 79 doanh nghiệp dự kiến sẽ được chuyển sang cổ phần hóa trong giai đoạn 2016-2020.
Lý giải cho việc thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm so với kế hoạch đề ra, Bộ Tài chính cho rằng nguyên nhân là do tác động của kinh tế thế giới và trong nước khiến tỷ lệ bán cổ phần nhà nước thành công thấp.
Bên cạnh đó, một số bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển khai phương án sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn. Đồng thời, một bộ phận cán bộ thực thi chưa hiểu đúng tầm quan trọng của việc tái cơ cấu doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội, còn băn khoăn về vai trò lãnh đạo sau khi cổ phần.
Ngoài ra, đối tượng sắp xếp, cổ phần hóa hiện nay hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, tài chính phức tạp… nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý, cần có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có đủ năng lực tài chính và tiềm lực.
Hoàng Long