GS Đặng Hùng Võ: Người dân chưa ý thức được quyền giám sát của mình
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 11:16, 29/12/2015
Người dân cần nhận thức được quyền của mình
Thông tin trên được nhấn mạnh tại hội thảo tham vấn góp ý cho nội dung tài liệu Sổ tay hướng dẫn giám sát thực thi Luật Đất đai 2013 do Liên minh Đất đai (LANDA) tổ chức ngày 29.12 tại Hà Nội.
Theo GS Đặng Hùng Võ, giám sát của người dân là yếu tố cốt lõi của quản trị tham gia vào quản lý. Nhà nước phải công khai, minh bạch thông tin, người dân cần nhận thức được quyền tham gia và được trợ giúp thực hiện tham gia giám sát. Đồng thời, cơ quan quản lý thực hiện trách nhiệm giải trình và xử lý theo đúng ý kiến giải trình.
“Một trong những “khuyết tật” của các cơ quan độc quyền là không thể giám sát theo chiều ngang giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhau mà chỉ có thể giám sát theo chiều dọc. Đó là Nhà nước làm thì nhân dân giám sát, để Nhà nước không làm sai, không trục lợi”, GS Đặng Hùng Võ cho hay.
GS Đặng Hùng Võ nói thêm: giám sát trực tiếp của người dân về đất đai thể hiện qua việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; việc thu, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuế đất, thuế liên quan đến đất đai, định giá đất đai; việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dân.
Theo ông Đỗ Đức Khôi – Phó chủ tịch LANDA, Hiến pháp năm 2013 sửa đổi đã hiến định quyền giám sát của người dân và Mặt trận Tổ quốc (MTTQ). Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 đã quy định cụ thể quyền giám sát của người dân và MTTQ tại các điều 198, 199 và 200. Đồng thời, Đảng, Nhà nước cũng đã có nhiều văn bản triển khai công tác giám sát cộng đồng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng thừa nhận rằng hiện nay việc tham gia giám sát của người dân, ban giám sát, MTTQ vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế.
Công cụ giám sát của người dân
Theo GS Đặng Hùng Võ, các công cụ sử dụng cho người dân tham gia giám sát gồm có nâng cao nhận thức cho người dân về quyền tham gia của mình, về nội dung công việc quản lý mà người dân sẽ tham gia.
Bên cạnh đó, cần thống nhất chính quyền cấp xã, trưởng các điểm dân cư, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở, các tổ chức xã hội tại địa phương để phối hợp tổ chức giúp người dân thực hiện quyền tham gia của mình.
Ngoài ra, cần phải xây dựng quy trình, nội dung, phương thức với sự tham gia của người dân để người dân có quyền chủ động tham gia. Người dân cần được tiếp cận các thông tin cần thiết phục vụ cho sự tham gia giám sát. Chính quyền cần tổ chức hệ thống tiếp nhận ý kiến và tổ chức họp dân để tiếp cận ý kiến, phân loại ý kiến.
“Người tiếp nhận thông tin cần có trình độ và hiểu biết, nhã nhặn với người dân thì mới có thể tiếp nhận, tư vấn và cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân”, GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Song song với đó, cần tổng hợp ý kiến về sự tham gia của người dân và tổ chức hội nghị thảo luận ý kiến của cộng đồng dân cư và đề xuất các kiến nghị gửi các cơ quan chức năng, tổ chức có thẩm quyền xử lý và giải trình.
Các tổ chức phi chính phủ, cơ quan thông tin đại chúng cần động viên người dân tham gia giám sát và phải mở rộng cơ chế giám sát ở cấp cao hơn với sự tham gia phản biện của các chuyên gia.
“Phát triển được cơ chế người dân tham gia giám sát cũng là cách để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế và hạn chế tham nhũng”, GS Đặng Hùng Võ cho hay.
Hoàng Long