Trong FTA, cam kết xuất khẩu với EU sẽ tốt hơn với Mỹ
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 15:31, 20/12/2015
"Trong Hiệp định thương mại tự do, cam kết xuất khẩu với EU tốt hơn Mỹ rất nhiều, bởi lẽ nhiều mặt hàng EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu cho Việt Nam ngay sau hiệp định có hiệu lực 7 năm. Trong khi đó, Mỹ cam kết xóa bỏ cho Việt Nam sau 12 năm hiệp định có hiệu lực", ông Hà Duy Tung - Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) nhận định.
Trong phần giới thiệu cam kết về thuế trong khuôn khổ Hiệp định TPP, EVFTA tại "Hội nghị phổ biến thông tin về một số hiệp định thương mại tự do mới ký kết hoặc vừa kết thúc đàm phán", ông Hà Duy Tung - Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết: trong TPP, Việt Nam đã cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu tới 65% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Tuy nhiên, mỗi nước trong TPP lại có mức cắt giảm theo lộ trình khác nhau. Nhiều nước sẽ gia hạn cắt giảm cho một số sản phẩm trong khoảng thời gian là 5-10 năm.
Cụ thể, ông Tung cho hay trong cam kết về thuế nhập khẩu với Mỹ ở lĩnh vực nông nghiệp, Mỹ cam kết xóa bỏ 55% thuế nhập khẩu cho Việt Nam, con số này tương đương với 97,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nhìn vào đó có thể thấy mức cắt giảm thuế của Mỹ trong lĩnh vực nông nghiệp là chưa cao. Trong khi đó, chi phí về kỹ thuật xuất sang Mỹ là rất cao. Ví dụ, một ký trái cây là 20.000 đồng, tuy nhiên, để đáp ứng các chi phí kỹ thuật cũng như yêu cầu của Mỹ, Việt Nam phải mất chi phí gấp 2 lần số tiền mua một ký đó.
Về công nghiệp, Mỹ sẽ cắt bỏ 86% thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực. Những mặt hàng trong lĩnh vực công nghiệp mà Việt Nam kỳ vọng nhất như: giày dép với 85% thuế nhập khẩu được xóa bỏ khi hiệp định có hiệu lực, tương đương với khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Trong khi đó, các mặt hàng khác, Mỹ cam kết xóa bỏ 40-55% ngay khi hiệp định có hiệu lực và họ sẽ duy trì mức thuế này sau khoảng 12 năm thì sẽ xuống 0%.
Các mặt hàng thông thường khác như da giày thì mức thuế xuất khẩu mà Mỹ cắt giảm cho Việt Nam là từ 10-30%.
Trên thực tế, thị trường Mỹ hay EU thường chiếm phần lớn hàng nhập từ Trung Quốc. Theo đó, Việt Nam phải "ăn" được thị phần của Trung Quốc trên thị trường Mỹ để nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, việc Mỹ cắt giảm 10% mức thuế là đang tạo thuận lợi cho các mặt hàng từ Trung Quốc trên thị trường Mỹ. Vậy, nếu Mỹ cắt giảm 50% thuế nhập khẩu thì khả năng cao là Việt Nam có thể cạnh tranh được với Trung Quốc trên thị trường Mỹ.
Đối với hàng dệt may, Mỹ cam kết xóa bỏ 73% thuế nhập khẩu cho Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực, chiếm gần 50% tổng số kim ngạch. Mỗi năm, Mỹ nhập khẩu khoảng 110 tỉ USD sản phẩm dệt may, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang chỉ khoảng hơn 9 tỉ USD. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam chưa chiếm đến 10% thị phần dệt may trên thị trường Mỹ.
Ông Tung cho rằng mục tiêu của Việt Nam là làm sao để cạnh tranh được với hàng Trung Quốc vì hàng Việt nam và Trung Quốc rất giống nhau về chất lượng, chủng loại... Theo đó, chúng ta phải cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc.
Hiện nay, Mỹ vẫn là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Nếu không có TPP, Việt Nam sẽ rất khó để có được một hiệp định thương mại tự do với họ nếu là đàm phán song phương.
Về phía EU cam kết sẽ xóa bỏ 86% thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực. Sau 7 năm hiệp định có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99% số lượng thuế, 1% còn lại sẽ dành cho những mặt hàng nào được áp dụng thuế quan. Trong hạn ngạch thuế quan đó, Việt Nam sẽ có một lượng hạn ngạch thuế quan nhất định để xuất khẩu sang thị trường EU, chủ yếu rơi vào mặt hàng thủy sản đông lạnh. Ở đó có một số mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU tương tự với các thị trường ở TPP như: dệt may, da giày, thủy sản, gỗ...
"Theo đó, cam kết xuất khẩu với EU tốt hơn với Mỹ rất nhiều, bởi lẽ nhiều mặt hàng EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu cho Việt Nam ngay sau hiệp định có hiệu lực 7 năm. Trong khi đó, Mỹ cam kết xóa bỏ cho Việt Nam sau 12 năm hiệp định có hiệu lực. Mặt khác, quy tắc xuất xứ trong EU cũng thuận lợi hơn trong TPP", ông Tung nhận định.
Tuyết Nhung