Năng suất lao động Việt Nam thấp nhất khu vực: Đâu là lối thoát?
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 05:31, 07/12/2015
Thứ nhất, yếu tố thị trường: Nếu nhu cầu về hàng hóa trong nước cũng như xuất khẩu tăng lên, tăng các cơ hội tiêu thụ hàng hóa, từ đó tăng được đầu ra và kích thích được sản xuất hàng hóa và dịch vụ, các nguồn lực được sử dụng và khai thác đầy đủ, tận dụng được lợi ích kinh tế theo quy mô và theo phạm vi, tăng được năng suất.
Thứ hai, yếu tố môi trường kinh doanh: Chính sách và thể chế có tác động dưới dạng tạo những điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy sản xuất. Hoặc môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh và thuận lợi dẫn đến tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực, hiệu quả hoạt động, giảm những hoạt động không tạo giá trị gia tăng để tập trung vào hoạt động tạo giá trị gia tăng cao hơn.
Thứ ba, tái cơ cấu kinh tế (phân bổ vốn và lao động của nền kinh tế) sẽ giúp phân bổ lại các nguồn lực. Do đó, Việt Nam sẽ có được ngành và thành phần kinh tế có năng suất cao hơn dẫn đến sử dụng có hiệu quả các nguồn lực dẫn đến TFP tăng cao. Thông qua cơ cấu lại vốn và lao động các ngành sẽ hoạch định tốt hơn nhằm tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Thứ tư, yếu tố về cải tiến đổi mới công nghệ và sản phẩm: Tiến bộ trong công nghệ có tác động đến tăng TFP dưới nhiều cách. Ví dụ, việc tạo ra sản phẩm mới giúp xâm nhập vào thị trường tốt hơn, hoặc thay đổi quá trình sản xuất bằng một công nghệ mới có thể làm giảm bớt cường độ lao động, thời gian lao động, tiết kiệm được các chi phí về nhân công, vật liệu và tạo ra đầu ra tốt hơn.
Bên cạnh đó, thay đổi công nghệ quản lý cũng có tác động rất tích cực. Thông qua thiết kế được hệ thống sản xuất linh hoạt, hiệu quả và cải tiến quá trình hiện tại bằng cách giảm bớt những hoạt động không tạo giá trị gia tăng, giảm thiểu các lãng phí cũng như thao tác thừa có thể đẩy mạnh được năng suất.
“Một lao động thay vì thực hiện hoạt động rườm rà, không có giá trị, họ tập trung vào các hoạt động thực sự tạo giá trị gia tăng. Như vậy, một lao động sẽ tạo ra được nhiều giá trị gia tăng hơn, nghĩa là tăng năng suất” – báo cáo nhận định.
Thứ năm, yếu tố về chất lượng lao động: Rõ ràng nền kinh tế hoặc một doanh nghiệp không thể có năng suất cao nếu chất lượng lao động thấp. Chất lượng lao động thể hiện dưới hai hình thái là trình độ lao động và thái độ làm việc.
Việc đầu tư thiết bị, ứng dụng công nghệ mới sẽ không có hiệu quả nếu như người lao động không biết vận hành, sử dụng, khai thác để tạo ra được những sản phẩm tốt.
Bên cạnh trình độ lao động, yếu tố thái độ làm việc cũng rất quan trọng. Chỉ có thái độ làm việc tích cực mới phát huy hết khả năng lao động, đem lại được hiệu quả tổng thể về mặt kinh tế và xã hội.
Trong các yếu tố kể trên, yếu tố khoa học công nghệ bao hàm hoạt động đổi mới công nghệ và sản phẩm, hệ thống quản lý, quá trình sản xuất ra sản phẩm và trình độ lao động khoa học công nghệ để cho ra đời các phương pháp mới, quá trình mới và sản phẩm mới.
Theo báo cáo nghiên cứu của Gordon Reikard - một nhà thống kê tại Leap Wireless có tựa đề “Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tiến bộ công nghệ” cho rằng, một trong những phát hiện quan trọng nhất trong 50 năm qua là một phần lớn (hơn 1/3) của sự phát triển kinh tế có được từ đóng góp của tiến bộ công nghệ.
Điều này bắt nguồn từ một chuyên đề nghiên cứu năm 1957 bởi Robert Solow có tựa đề “Thay đổi kỹ thuật và phương thức sản xuất tổng hợp - Technical Change and the Aggregate Production Function” đã được xuất bản trong Tạp chí Kinh tế và Thống kê.
Solow đã chứng minh rằng vốn và lao động chiếm ít hơn hai phần ba của tăng trưởng. Phần còn lại là công nghệ. Như vậy, khoa học và công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao TFP và qua đó, nâng cao năng suất lao động, đặc biệt đối với tăng trưởng và phát triển bền vững.
Hoàng Long