Giám đốc WB: Sắp tới Việt Nam lấy đâu ra tiền để phát triển?
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 14:32, 05/12/2015
Năng suất lao động thấp, vốn ưu đãi cạn dần
Vị đại diện của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra Việt Nam hiện nay, khi các nguồn vốn ưu đãi đã thu hẹp dần, sẽ phải dựa vào nguồn thu trong nước là chính. Nhưng tỷ lệ thu ngân sách nhà nước trên GDP đã thể hiện xu hướng giảm trong 5 năm quá, từ 27% xuống còn 21%.
Bà Victoria Kwakwa cũng đưa ra những thách thức về năng suất lao động của Việt Nam quá thấp, chưa đến 4% và đang có xu thế giảm. Trong khi đó, mức tăng năng suất lao động tại Trung Quốc là trên 7%, Hàn Quốc trên 5% vào thời điểm các nước đó ở cùng trình độ phát triển như Việt Nam hiện nay.
"Tốc độ tăng năng suất lao động hiện nay sẽ không đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững đủ mức để từ đó Việt Nam có thể đi theo quỹ đạo như Hàn Quốc hay Đài Loan", Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam nhấn mạnh.
Ông Jonathan Dunn – đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam cũng nhận định rằng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đang dưới mức mong đợi, thâm hụt ngân sách cao và nợ công, nợ do Chính phủ bảo lãnh đang tăng lên. Chi xây dựng cơ bản giảm đã kiềm chế thâm hụt ngân sách nhưng có nguy cơ làm suy yếu tiềm năng tăng trưởng trung hạn…
Ngoài ra, cải cách cơ cấu kinh tế còn khiêm tốn, giải quyết nợ xấu chậm, triển vọng toàn cầu và khu vực không chắc chắn. Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất có thể làm tính bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu và lan truyền tới kinh tế Việt Nam.
Những giải pháp cho kế hoạch 5 năm tới
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 của Việt Nam là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng cao hơn giai đoạn trước (6,5-7%).
Bên cạnh đó là việc tiếp tục thực hiện đột phá 3 chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào tăng năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm các mục tiêu về an sinh xã hội gắn với chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững.
Bộ trưởng Vinh cũng cho rằng giải pháp chủ yếu để khắc phục tình trạng trên là tiếp tục phát triển kinh tế thị trường, tạo môi trường và động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội. Nâng cao chất lượng tăng trưởng nền kinh tế dựa vào năng suất lao động, đóng góp của khoa học công nghệ. Cần đẩy mạnh, thực chất hơn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tạo môi trường bình đẳng và có cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp tư nhân, đồng thời cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có chất lượng, sức cạnh tranh cao để hướng tới xuất khẩu.
Song song đó là chú ý phát triển bền vững, xây dựng kinh tế xanh, thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng…
Một giải pháp cũng khá quan trọng được Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đưa ra đó là tái cơ cấu Ngân hàng Nhà nước, thị trường tài chính theo hướng đảm bảo an toàn nợ công, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả nguồn lực ngoài ngân sách, chú ý bảo hiểm xã hội.
Quan trọng hơn, phải hoàn thiện nhà nước pháp quyền, đảm bảo dân chủ, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, trách nhiệm, vì dân; xã hội hóa dịch vụ công, huy động nguồn lực từ dân và sự tham gia của người dân vào giải quyết các vấn đề thuộc chính sách xã hội của Nhà nước.
Theo đại diện của WB, vấn đề mấu chốt ở đây là phải có một bộ máy hành chính công chuyên nghiệp. Quá trình cải cách hành chính công kéo dài của Việt Nam cho đến nay vẫn chưa thấy kết quả rõ nét. Có lẽ cần xem xét vấn đề lại và xốc lại quyết tâm thì mới có thể thành công được.
Hoàng Long