Hàn Quốc, Đài Loan (TQ) chuyển hướng sang Việt Nam sau khi thua lỗ tại Trung Quốc

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 07:07, 26/11/2015

Các công ty Đài Loan (TQ), Hàn Quốc đang phải trả một cái giá đắt cho sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc. Nhiều công ty trong số đó hiện đang từ bỏ Trung Quốc và tìm đến thị trường Việt Nam, Ấn Độ.
Hãng tin Nikkei cho biết, trong nhiều năm qua, chính quyền Đài Loan luôn tìm cách đặt quan hệ về mặt kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc. Xuất khẩu ràng buộc đối với đại lục và Hồng Kông (TQ) chiếm khoảng 40% tổng lượng xuất khẩu của Đài Loan. Tuy nhiên, kể từ tháng 10 năm ngoái, các lô hàng xuất khẩu của Đài Loan đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Theo Nikkei, sự chững lại của kinh tế Trung Quốc đã làm suy yếu lượng tiêu thụ các thiết bị điện tử di động, dẫn đến tình trạng tụt giảm về lượng đặt hàng vật liệu bán dẫn, vốn là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành công nghiệp xứ Đài.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu một loạt mặt hàng của Hàn Quốc như: hóa dầu, sản phẩm thép, máy móc nông nghiệp, điện thoại thông minh, thiết bị văn phòng và các thiết bị truyền thông không dây khác,... sang Trung Quốc đã giảm mạnh.
Trong một nỗ lực thoát khỏi tổn thất nhiều hơn, các doanh nghiệp Hàn Quốc và Đài Loan đã chuyển hướng tiếp cận vào thị trường Việt Nam và Ấn Độ, bao gồm cả việc thiết lập cơ sở sản xuất ở hai nước này.
Thất bại vì phải cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc
Một số công ty Đài Loan cho biết, ngoài vấn đề về nhu cầu, thị trường Trung Quốc còn nhiều bất cập khác như: sự nổi lên của nhiều công ty Trung Quốc được sự hậu thuẫn của nhà nước - tình trạng này còn được gọi là "chuỗi cung ứng đỏ" - đã cướp đi nhiều cơ hội của các doanh nghiệp Đài Loan.
Bắc Kinh đã đổ một khoản tiền lớn vào các ngành công nghiệp trên sân nhà như các chất bán dẫn và màn hình tinh thể lỏng. Wintek, nhà sản xuất màn hình cảm hứng số 2 của Đài Loan, nói rằng doanh thu của họ giảm mạnh trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ Trung Quốc. Vào tháng 10 năm 2014, công ty này đã đệ đơn xin tái cơ cấu và đến tháng 7 vừa qua, đã phải ngưng niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.
Doosan Engine, tập đoàn công nghiệp nặng hàng đầu Hàn Quốc, cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Tập đoàn này cho biết: "Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các công ty đóng tàu của nhà nước phải ưu tiên sử dụng các thiết bị động cơ của các nhà sản xuất trong nước. Từ đó, tốc độ xuất khẩu của chúng tôi đã giảm đi đáng kể".
Samsung Electronics, hãng sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, đã từng kiểm soát thị phần lớn nhất tại thị trường Trung Quốc về doanh số bán hàng. Tuy nhiên, từ tháng 4 đến tháng 6 năm ngoái, hãng này đã bị các đối thủ Trung Quốc như Xiaomi và Lenovo lấn át hoàn toàn.
Sau những khó khăn trên thị trường Trung Quốc, Samsung đã chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam trong những năm gần đây. Hãng LG Electronics cũng đã chi ra 1,5 tỉ USD để mở một nhà máy điện tử và điện thoại thông minh mới tại Hải Phòng vào hồi tháng 3 vừa qua.
Các công ty Đài Loan cũng thực hiện những động thái tương tự. Vào tháng 7 vừa qua, công ty Compal Electronics đã tái hoạt động một nhà máy ở Việt Nam.
Tập đoàn Hon Hai, nhà cung cấp linh kiện điện tử lớn nhất thế giới, còn được biết đến với tên gọi Foxconn, đang có kế hoạch xây khoảng 10 đến 12 nhà máy tại Ấn Độ vào năm 2020. Theo dự kiến, các nhà xưởng sẽ tạo ra 1 triệu việc làm.
Tuyết Nhung (Theo Nikkei)

Một Thế Giới