Xuất khẩu sắn 'lội ngược dòng', vượt mức 1 tỉ USD

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 11:13, 10/11/2015

Theo thông tin từ Hiệp hội sắn Việt Nam, XK sắn 10 tháng đầu năm 2015 tăng vọt. Theo đó, lượng XK đạt 3,42 triệu tấn với kim ngạch 1,09 tỉ USD, tăng 22,6% về lượng và tăng 19,1% về giá trị so cùng kỳ năm 2014.

Trong tình hình nhiều mặt hàng nông sản khác có sự giảm sút về xuất khẩu thì mặt hàng sắn lại có sự gia tăng. Tháng 9 và tháng 10 là thời gian mặt hàng này có sự gia tăng trong xuất khẩu nhiều nhất.

Về thị trường, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính, chiếm tới 89,17% thị phần, tăng 37,1% về khối lượng và 33,03% về giá trị so với cùng kỳ 2014. Thị phần các thị trường chính khác đều nhỏ hơn 2%. Ngoài ra, thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất là Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc).

Theo Hiệp hội sắn Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ Thông tư số 141/2015/TT- BTC của Bộ Tài chính và việc chỉ đạo dừng thực hiện Thông tư số 63/2015/TT- BTC ngày 6.5.2015 về việc sửa đổi mức thuế xuất khẩu (XK) sắn.

Cụ thể mức thuế XK hàng sắn lát từ 5% được đưa về mức cũ 0%, áp dụng từ ngày 5.9.2015, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) XK sắn.

Theo Hiệp hội sắn Việt Nam, dự kiến cả năm 2015, XK sắn đạt khoảng 1,5 tỉ USD bao gồm cả sắn lát và sắn bột.

Ngoài ra, để tập trung cho chiến lược xuất khẩu dài hạn, mở rộng thị trường, tránh lệ thuộc vào một thị trường, Hiệp hội Sắn Việt Nam đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng tiêu chuẩn chất lượng bột sắn Việt Nam và công bố rộng rãi.

Tiêu chuẩn này xây dựng trên cơ sở có những tiêu chí tương đồng với tiêu chuẩn của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO). Theo đó, chỉ cần sản phẩm của doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chuẩn này thì có thể xuất khẩu vào các thị trường khó tính trên thế giới.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, TS Nguyễn Văn Lạng - Chủ tịch Hiệp hội sắn Việt Nam cho hay, mức xuất khẩu 1 tỉ USD không phải bây giờ mới đạt được mà Việt Nam đã đạt được từ năm 2012 và đang ngày càng gia tăng. Dự kiến hết năm 2015 sẽ đạt 1,5 tỉ USD.
Theo TS Nguyễn Văn Lạng, mặt hàng sắn có được thành quả đó là nhờ Việt Nam tập trung vào chế biến sâu sản phẩm này, thị trường tinh bột sắn phát triển. Vì giá sắn cao nên đảm bảo được nguồn thu kinh tế cho người nông dân hơn nhiều loại cây trồng khác. Vì thế, nguồn nguyên liệu cho các nhà máy sắn hoạt động được đảm bảo.
"Mặt hàng này không giống như những nông sản khác. Các nông sản khác chủ yếu xuất đi dưới dạng nguyên liệu, còn sắn xuất đi dưới dạng tinh bột. Tinh bột sắn là sản phẩm đã qua chế biến, có thể sử dụng ngay. Hơn nữa, nhu cầu trên thế giới về mặt hàng này ngày càng cao nên tinh bột sắn không lo thiếu đầu ra", TS Nguyễn Văn Lạng cho hay.
Cũng theo TS Lạng, Việt Nam hiện nay có 70 nhà máy chế biến tinh bột sắn, nguồn nguyên liệu dồi dào nên có thể đảm bảo được nguồn cung trong nước cũng như xuất khẩu. Nếu tiếp tục chế biến sâu mặt hàng này sẽ còn tạo ra được hàng trăm sản phẩm từ tinh bột sắn, thị trường xuất khẩu vì thế sẽ còn nhiều hơn nữa.
Theo TS Lạng dự đoán, đến năm 2020, xuất khẩu sắn có thể đạt 2,5 tỉ USD.
Hoàng Long

Một Thế Giới