Cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp tăng cao: Do đâu?
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 16:05, 02/11/2015
2 năm, thất nghiệp tăng gấp 3
Theo một thống kê mới đây, Việt Nam hiện có tới gần 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Điều đang nói hơn, trong khi quá nhiều người có bằng cấp không có việc làm thì rất nhiều doanh nghiệp lại “khát” nhân lực.
Trong độ tuổi lao động theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, ngoại trừ nhóm tốt nghiệp cao đẳng có tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 7,1% xuống 6,6 % so với quý 1, còn lại các nhóm khác đều tăng. Nhóm có trình độ trung cấp tăng từ 3,7% lên hơn 4,4%. Nhóm có trình độ đại học trở lên tăng mạnh nhất, từ 3,9% lên 4,6%, tức là tăng từ 178.000 người lên gần 200.000.
Không chỉ thất nghiệp, năng suất lao động của Việt Nam còn rất thấp. Thống kê của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) về năng suất lao động của lao đông Việt Nam chỉ bằng 1/15 năng suất lao động của Singapore, 1/6 của Malaysia... đã buộc nhiều người phải nhìn thẳng vào thực tế đó.
Trước đó, theo bản tin cập nhật thị trường lao động do Bộ LĐ-TB-XH cùng Tổng cục Thống kê công bố, trong quý 4/2013, cả nước có 900.000 người thất nghiệp, trong đó có tới 72.000 cử nhân, thạc sĩ. Con số này sau gần 2 năm đã tăng gấp 3 lần, tiếp tục làm nóng lên câu chuyện đào tạo – lao động - việc làm trong xã hội.
Lỗi tại ai?
Nguyên nhân của vấn đề thất nghiệp được chỉ ra khá nhiều. Đó là ý thức học tập của sinh viên, do phương pháp đào tạo của nhà trường, do yếu kém trong công tác dự báo thị trường lao động, do khủng hoảng kinh tế, do tham nhũng… Suy xét kỹ, tình trạng thất nghiệp có sự góp phần của tất cả những nguyên nhân này.
Ông Phan Sơn - Giám đốc nhân sự Tập đoàn Vĩnh Tường |
Ngoài ra, ông Sơn cũng cho biết các bạn trẻ khi lựa chọn nghề cần phải trả lời rõ 3 câu hỏi: Mình có thực sự đam mê và yêu thích nghề đó hay không? Mình có năng lực để thực hiện công việc đó hay không? Nghề đó có phù hợp với nhu cầu xã hội và các điều kiện cá nhân hay không?
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Khoa học Lao động và Xã hội, hiện nay số lao động đạt trình độ đại học trở lên chiếm hơn 40% tổng số lao động có trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, thị trường chỉ cần khoảng 20% đối với nhóm này.
Theo bà Lan Hương, cần phân luồng từ ngay trong khi tuyển sinh: khoảng 40% vào giáo dục đại học, còn 60% vào giáo dục nghề nghiệp. Với mức điểm sàn của giáo dục cao đẳng, đại học hiện nay là 12, không có chỗ cho giáo dục nghề nghiệp. Nếu mức điểm sàn khoảng 17 điểm thì những người đủ năng lực có thể vào đại học, ra trường xứng đáng với tấm bằng đào tạo và dễ tìm được việc làm.
Bà Hương cũng nói thêm số người có trình độ đại học trở lên đang làm việc trong hai nhóm ngành chính chiếm tỷ lệ rất lớn: giáo dục - đào tạo (23,4%); trong các tổ chức của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng (19,3%). Trong khi đó, các tổ chức này gần như cố định, ít tuyển mới, thậm chí còn tinh giản biên chế. Điều này một phần lý giải vì sao thất nghiệp ở nhóm trình độ đại học trở lên tăng cao.
Hoàng Long