Bloomberg: Vượt mặt những nước láng giềng, kinh tế VN tăng mạnh quý III
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 05:00, 30/09/2015
Vào ngày 29.9, trang Bloomberg đã đăng tải một bài viết nhận định: "Kinh tế Việt Nam vượt mặt những nước láng giềng và tăng mạnh trong quý III".
Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng trong quý III nhờ vào các khoản đầu tư nước ngoài và tốc độ gia tăng xuất khẩu, vượt mặt nhiều nước láng giềng.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam đã tăng lên 6,81% trong quý III, so với mức tăng 6,47% trong quý II năm nay, theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam.
Việt Nam thường xuyên đưa ra những ước tính về tốc độ tăng trưởng trước khi kết thúc quý. Trong quý III năm nay, vượt qua nhiều nước trong khu khu vực, kinh tế Việt Nam đã khởi sắc nhanh chóng.
"Trong bối cảnh các nước trong khu vực giảm xuất khẩu thì Việt Nam là nước duy nhất gia tăng xuất khẩu mạnh", theo một ghi chú trong nghiên cứu của Australia & New Zealand Banking Group Ltd trong đầu tuần nay.
So với một năm trước, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 9,6%, lên tới 120,7 tỷ USD, trong đó có 71% đến từ các công ty ngoại. Nhập khẩu tăng 15,9% trong cùng thời kỳ.
Trong 9 tháng đầu năm nay, doanh số bán lẻ của Việt Nam đã tăng 9,8%, đầu tư nước ngoài được cam kết tăng 53,4%. Sản xuất công nghiệp tăng 10,1% trong cùng khoảng thời gian.
Trong một nỗ lực đảm bảo tốc độ xuất khẩu gia tăng ổn định và hỗ trợ những nỗ lực của chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã lần thứ 3 hạ thấp tỷ giá đồng tiền trong năm nay, mở rộng biên độ giao dịch của đồng tiền này sau khi đồng NDT của Trung Quốc suy giảm.
Hơn nữa, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng là do được hưởng lợi từ chi phí năng lượng rẻ, Bloomberg cho biết.
Trong 9 tháng qua, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 6,5% so với ước tính trung bình 6,4% trong một cuộc khảo sát của Bloomberg.
Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng kinh tế mạnh nhất trong số 6 quốc gia lớn nhất của Đông Nam Á trong năm nay. Tăng trưởng của Việt Nam được dự kiến sẽ tăng tốc trong nửa năm cuối do nhu cầu tiêu dùng cá nhân, sản xuất theo định hướng xuất khẩu và FDI gia tăng, Ngân hàng Phát triển Châu Á cho biết trong một báo cáo gần đây.
Tuyết Nhung (Theo Bloomberg)