Kinh tế Việt Nam sẽ bứt phá vào cuối năm?
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 05:18, 27/09/2015
Việt Nam đang được hưởng lợi đáng kể từ việc giá năng lượng xuống thấp, cùng với những triển vọng gần đây cho thấy có thể bứt phá vào cuối năm.
Nền kinh tế Việt Nam đang được hưởng lợi đáng kể từ việc giá năng lượng giảm xuống trong thời gian qua. Điều này đã làm giảm áp lực về lạm phát, từ đó thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Theo chỉ số giá tiêu dùng vừa mới được công bố gần đây, CPI trong tháng 9 giảm 0,21% so với tháng 8, đánh dấu mức CPI thấp nhất trong gần 1 thập kỷ vừa qua.
Theo lý giải của Tổng cục Thống kê, đây là kết quả của việc giá điện đang ở mức thấp, cùng với việc 2 lần điều chỉnh giảm giá xăng dầu vào tháng 8 và tháng 9 khiến cho chi phí vận chuyển giảm. Tác động này ảnh hưởng đến hầu hết toàn bộ hoạt động kinh tế, khiến cho mức giá của rổ hàng hóa chung giảm xuống.
Những số liệu gần đây cũng cho thấy chi phí năng lượng giảm xuống đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp trên thị trường.
Số lượng các doanh nghiệp thành lập mới tăng 29%, lên con số 68.347 doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm.
ADB nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 6,5% trong năm nay và 6,6% trong năm 2016. Theo đó, hoạt động tiêu dùng cá nhân sẽ được hưởng lợi đáng kể từ mức lạm phát thấp, qua đó góp phần cải thiện niềm tin người tiêu dùng và cải thiện tình hình việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng do ANZ-Roy Morgan khảo sát đã tăng lên mức 135,3 trong tháng 9.
Tuy vậy, tình hình lạm phát còn khá phức tạp bởi khi tiền đồng bị mất giá thì sẽ đẩy chi phí nhập khẩu cao hơn. Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đã tăng 9,6%, trong khi kim ngạch nhập khẩu tăng 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đôla Mỹ lần thứ ba trong năm nay, đồng thời điều chỉnh nâng biên độ tỷ giá USD/VND theo sau động thái phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Điều này thể hiện nỗ lực của chính phủ trong việc tìm cách bảo vệ xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2015 lên mức 6,2% – mức cao nhất trong 4 năm – đúng như kế hoạch.
Việc CPI giảm xuống mức cực thấp đã khiến cho nhiều người lo ngại về nguy cơ giảm phát. Một khi các mức giá giảm xuống sẽ kéo theo hoạt động sản xuất thu hẹp lại, từ đó dẫn tới việc mức lương giảm xuống và kết quả là tiêu dùng sụt giảm.
"Một câu hỏi được đặt ra là liệu vòng xoáy giảm phát có đang thực sự tồn tại", đây là vấn đề mà Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đặt ra trong một bản báo cáo ngày hôm qua. Nhận định của SSI là việc tốc độ tăng trưởng doanh số ngành bán lẻ tăng 10% cho thấy chưa có vấn đề về mặt tổng cầu.
Cũng theo SSI, một tín hiệu tốt trong thời gian gần đây là việc nhu cầu của thị trường nước ngoài đối với các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang khá ổn định.
Bên cạnh đó, các dòng vốn đang chảy nhiều hơn vào Việt Nam, cho thấy nhiều nhà đầu tư xem Việt Nam là một lựa chọn thay thế cho Trung Quốc. Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết tổng số vốn FDI cam kết đầu tư vào Việt Nam đã tăng 53% trong 9 tháng qua.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa đưa ra nhận định tăng trưởng Việt Nam có thể có sự bứt phá trong nửa cuối năm nay do được củng cố bởi 3 yếu tố: gia tăng tiêu dùng, công nghiệp sản xuất hướng tới xuất khẩu cũng như dòng vốn FDI tăng trưởng đáng kể.
Đinh Hạnh (theo NCĐT)