Hà Tĩnh bắt uống bia Sài Gòn: Vi phạm nghiêm trọng luật cạnh tranh, có dấu hiệu tư lợi cá nhân!
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 17:47, 24/09/2015
"Tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu sở, ngành, doanh nghiệp sử dụng bia Sài Gòn là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật cạnh tranh. Bên cạnh đó, tôi cho rằng chắc chắn có dấu hiệu của việc tư lợi, lợi ích nhóm...", luật sư Trương Thanh Đức nhận định.
Liên quan đến hàng loạt động thái "ưu ái" bia Sài Gòn của tỉnh Hà Tĩnh đã được báo chí phản ánh trong thời gian gần đây, Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật Basico xoay quanh câu chuyện: Có hay không việc vi phạm Luật Cạnh tranh của tỉnh Hà Tĩnh?
Vừa qua, Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có giấy mời ‘hỏa tốc’ mời lãnh đạo toàn tỉnh đi dự lễ hội bia. Ngay sau đó là Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) ra công văn về việc đẩy mạnh sử dụng, tiêu thụ sản phẩm bia Sài Gòn trên địa bàn huyện . Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng phản ánh là bị ép ký cam kết chỉ bán bia Sài Gòn.
Đứng dưới góc độ pháp lý, những hành động này của tỉnh Hà Tĩnh có vi phạm pháp luật không, thưa ông?
Tôi cho rằng, việc tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu sử dụng bia Sài Gòn không những vi phạm Luật Cạnh tranh mà còn vi phạm cực kỳ trắng trợn, rõ ràng và nghiêm trọng. Chỉ cần cơ quan Nhà nước có một gợi ý hay một hành động nào đó ưu ái sản phẩm của doanh nghiệp là đã vi phạm rồi, đằng này còn bắt các sở ngành, doanh nghiệp sử dụng sản phẩm bia Sài Gòn rồi kỷ luật cá nhân không thực hiện thì không thể tưởng tượng nổi.
Còn theo quy định của Luật Cạnh tranh (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2005) thì tại Điều 6, Chương I của Luật này quy định các hành vi bị cấm đối với cơ quan quản lý nhà nước.
Theo đó, cơ quan quản lý Nhà nước không được thực hiện những hành vi sau đây để cản trở cạnh tranh trên thị trường:
1. Buộc doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp được cơ quan này chỉ định, trừ hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
2. Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp;
3. Ép buộc các hiệp hội ngành nghề hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm loại trừ, hạn chế, cản trở các doanh nghiệp khác cạnh tranh trên thị trường;
4. Các hành vi khác cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp.
Như vậy, rõ ràng là tỉnh Hà Tĩnh đã vi phạm Luật Cạnh tranh vô cùng nghiêm trọng
Đối với hành vi vi phạm của tỉnh Hà Tĩnh như ông vừa phân tích sẽ bị xử phạt như thế nào, thưa ông?
Đối với hành vi vi phạm Luật cạnh tranh thì chỉ có hình thức xử phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền, chứ không có xử lý hình sự. Tùy theo mức độ vi phạm, có thể nhẹ là chính quyền tỉnh Hà Tĩnh phải lên tiếng xin lỗi nhân dân, xin lỗi dư luận cũng như các hãng bia khác về hành động này.
Còn với hình thức phạt tiền thì theo Điều 118, Mục 8, Chương V, Luật Cạnh tranh quy định:
1. Đối với hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền hoặc tập trung kinh tế, cơ quan có thẩm quyền xử phạt có thể phạt tiền tối đa đến 10% tổng doanh thu của tổ chức, cá nhân vi phạm trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm.
2. Đối với hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi khác vi phạm quy định của Luật này không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan có thẩm quyền xử phạt tiến hành phạt tiền theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.
Đặc biệt, đối với cán bộ, công chức nhà nước có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây ra thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên tôi cho rằng, xử phạt hành chính là chuyện nhỏ, nhưng vấn đề là ai sẽ phạt? Ai dám phạt?
Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật Basico |
Một số ý kiến cho rằng, công văn của UBND tỉnh Hà Tĩnh là góp phần khuyến khích người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, và bản thân tỉnh Hà Tĩnh cũng có quan điểm như vậy. Ông đánh giá sao về việc này?
Tôi cho rằng đây không phải là hành động kêu gọi người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Có thể nói, cơ quan ra văn bản yêu cầu sử dụng bia Sài Gòn không hiểu biết gì về Luật nên mới nói vậy.
Đây là sự vi phạm, bất chấp từ dưới lên trên, từ người tham mưu cho đến người quyết định. Cơ quan quản lý cũng thiếu trách nhiệm trong việc điều tra, xử lý.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng chắc chắn có dấu hiệu của việc tư lợi, lợi ích nhóm chứ không phải chuyện đơn thuần.
Như ông nói, mặc dù sự việc đã xảy ra gần 1 tháng nay và có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh rất rõ ràng nhưng vẫn chưa có cơ quan quản lý nào vào cuộc. Ông có suy nghĩ gì về việc này?
Đối với những vi phạm nghiêm trọng của tỉnh Hà Tĩnh mà tất cả các bộ, ngành Trung ương đều không có phản ứng gì thì tôi thấy rất lạ.
Đáng lẽ ra, chỉ cần có thông tin về sự việc là 15 phút sau các đơn vị như Cục Quản lý Cạnh tranh hay Hội đồng Cạnh tranh phải vào cuộc xử lý ngay lập tức. Về phía các cơ quan Trung ương có liên quan cũng phải có ý kiến về việc này, nhưng tôi thấy tất cả đều im lặng.
Cũng cần phải nói rằng đây không phải là trường hợp đầu tiên hay duy nhất. Vừa qua, UBND TP. Hải Phòng cũng ký công văn yêu cầu sử dụng dịch vụ của một Ngân hàng, nhưng báo chí cứ phản ánh vậy thôi, còn không có cơ quan Nhà nước nào nói năng gì cả, xong rồi hòa cả làng.
Từ chuyện không có xử phạt, không có sự vào cuộc cơ quan chức năng sẽ tạo ra một tiền lệ xấu, và nếu các tỉnh khác cũng thi nhau ra văn bản như vậy thì quản lý làm sao?
Đây mới là ở Hà Tĩnh - một trong những tỉnh còn nghèo, còn nếu Hà Nội, TP. HCM, Bình Dương, Đà Nẵng... cũng ra văn bản như vậy thì ai dám xử phạt? Và các doanh nghiệp khác phải kinh doanh, hoạt động như thế nào?
Xin cảm ơn ông!
Duyên Duyên (thực hiện)