Báo Mỹ vinh danh Việt Nam là thung lũng Silicon của Đông Nam Á

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 05:00, 07/09/2015

Gần đây, Tạp chí Kỹ thuật số của Mỹ đã viết một bài vinh danh Việt Nam là thung lũng Silicon của Đông Nam Á. Trong bài viết, tạp chí này nhấn mạnh sự bùng nổ về kinh tế và công nghệ thông tin sẽ giúp Việt Nam trở thành thung lũng Silicon của Đông Nam Á

Bài viết cho biết, sau 4 thập kỷ trôi qua, sự bùng nổ của các công ty công nghệ thông tin quốc tế, công ty phần mềm, các nhà sản xuất phần cứng, và các nhà máy cơ sở hạ tầng đang giúp Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ cao trong khu vực. Theo đó, Việt Nam là thung lũng Silicon của Đông Nam Á.

"Việt Nam ngày hôm nay với 93,5 triệu dân, độ tuổi trung bình là 30,3, các tầng lớp sinh viên, doanh nhân, kỹ sư, lập trình viên trẻ tuổi đang là những phần tử thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đổi mới ngành công nghệ đất nước.

Đối với họ, quá khứ về chiến tranh là một bài học lịch sử giúp họ ngày càng vươn xa hơn, bài viết chia sẻ", tạp chí này viết.

Trong 15 năm trước, ở Việt Nam chưa hề xuất hiện bất kỳ công ty công nghệ nào, nhưng hiện nay ở đó có gần 14.000 công ty công nghệ thông tin (CNTT) mở rộng phần cứng, phần mềm và kỹ thuật số. 
Chính phủ Việt Nam xem lĩnh vực công nghệ là công cụ chính để tăng trưởng kinh tế, theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc điều hành của QuangTrung Software City (QTSC) – công viên phần mềm lớn nhất của Việt Nam.

Hiện tại, Việt Nam cũng đang đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và thông qua các chính sách kinh tế để khuyến khích các doanh nghiệp cả trong nước và quốc tế bắt đầu kinh doanh.

Mỗi năm, ở Việt Nam, trong đó bao gồm: TP Hà Nội tới TP Đà Nẵng và TP. HCM, đã đào tạo ra hàng trăm sinh viên tốt nghiệp kỹ sư phần mềm và được đào tạo CNTT một cách chuyên nghiệp. 
Rất nhiều sinh viên sau khi ra trường đã làm việc tại các công ty như: Cisco, Fujitsu, HP, IBM, Intel, LG, Samsung, Sony và Toshiba. Nhiều sinh viên khác thì chọn cách đầu tư mạo hiểm để khởi nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch và nhà đồng sáng lập của tập đoàn LogiGear, cho biết các chuyên gia CNTT trẻ hiện đang đại diện cho thế hệ đầu tiên của tầng lớp trung lưu Việt Nam. Giới trẻ Việt Nam đang vô cùng nhiệt huyết. Vì vậy, thị trường ở đây thực sự nóng. Thế hệ này đã có thể đủ tiền tự mua nhà cho riêng mình. Đó là một sự thay đổi khá lớn của Việt Nam.

Đà Nẵng: Trung tâm đô thị

Đà Nẵng là thành phố lớn thứ tư của Việt Nam. Nơi đây không chỉ nổi tiếng về các điểm du lịch lý tưởng mà còn là một trong số các khu công nghệ cao được thành lập theo dự án công nghệ thông tin năm 2020 của Việt Nam.

Theo nguồn tin từ Bloomberg, Chính phủ Việt Nam đã đầu tư mạnh vào công trình xây dựng một sân bay trị giá 60 triệu USD và một hệ thống đường cao tốc 93 triệu USD. Cơ sở hạ tầng của TP Đà Nẵng hoàn toàn phù hợp với tốc độ tăng trưởng nền kinh tế với quy mô lớn.

Bài viết cũng đã đề cập đến Tập đoàn công nghệ hàng đầu IBM mở văn phòng tại Đà Nẵng từ năm 1992 và sau đó mở tại Hà Nội, TP. HCM năm 1994. Trong năm 2012, Tập đoàn này đã lựa chọn Đà Nẵng là một trong 33 thành phố năng động nhất trên toàn thế giới và được tập đoàn này trao tặng 50 triệu USD theo chương trình hỗ trợ cải tạo cơ sở hạ tầng trong thời gian 3 năm.

“Đà Nẵng đang nổi lên như một thành phố phát triển nhanh, tôi nghĩ rằng thành phố này là một nơi hoàn hảo để thực hiện các sáng kiến ​​phát triển kinh tế mới", ông Tan Jee Toon, Tổng Giám đốc IBM Việt Nam cho biết.

Thêm vào đó, ông Toon cũng cho biết, Đà Nẵng là thành phố thích hợp nhất cho việc mở rộng lĩnh vực công nghệ thông tin quốc tế.

Ngoài sáng kiến về ​​cơ sở hạ tầng, IBM đã đặt cược vào Đà Nẵng và tương lai của Việt Nam bằng cách khai thác vào lĩnh vực giáo dục của quốc gia này. Cùng với LogiGear và hàng chục công ty khác hoạt động tại Đà Nẵng, Hà Nội hoặc TP. HCM, IBM cũng đào tạo nghề nghiệp và các chương trình thực tập như là một phần trong quan hệ đối tác với các trường đại học CNTT.

Bài viết cũng đề cập tới 3 trường đại học về công nghệ thông tin lớn nhất của Việt Nam là Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Khoa học và Công nghệ TP. HCM và Đại học Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng. Đây là 3 trường đại học đào tạo lực lượng lao động chính cho các khu công nghệ cao với hàng trăm sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp ra trường mỗi năm.

TP.HCM: Trung tâm công nghệ miền nam Việt Nam

Vào thời điểm hiện nay, TP.HCM đang tập trung vào các thị trường địa phương và đưa ra các ứng dụng thu hút người dùng Việt Nam để cải thiện chất lượng cuộc sống. Hiện nay, các doanh nhân và các nhà phát triển ứng dụng trẻ của Việt Nam đang cố gắng khai thác hết tiềm năng công nghệ, văn hóa và kinh tế của quốc gia.

"Việt Nam đang nhanh chóng trở thành một trung tâm đầu tư và công nghệ cho các doanh nghiệp địa phương và quốc tế, và TP. HCM là trung tâm của sự chuyển đổi. 
Bản thân tôi nghĩ rằng thị trường Việt Nam vẫn còn khá non trẻ, nhưng chúng tôi đang nhìn thấy thị trường này trưởng thành từ một phần mềm đóng gói và gia công phần mềm trong một sản phẩm. Điều này có thể dẫn đến sự gia tăng một loạt các startup tập trung vào thương mại điện tử và phát triển sản phẩm”, Jeff Diana, Giám đốc nhân sự tại công ty phần mềm Atlassian nhận định.

Bài viết này một lần nữa nhấn mạnh lĩnh vực công nghệ đang bùng nổ của Việt Nam.

Theo kế hoạch, tháng 10 tới, tại TP.HCM sẽ diễn ra Hội nghị Phát triển Gia công Công nghệ thông tin Việt Nam (VNITO) với sự tham dự của các đại diện đến từ hơn 150 công ty công nghệ đa quốc gia, cùng hơn 200 công ty công nghệ thông tin Việt Nam và 20 trường đại học.

VNITO lần này được tổ chức bởi QuangTrung Software City và Hiệp hội máy tính TP. Hồ Chí Minh. VNITO được xem là cơ hội để ngành công nghệ Việt Nam thể hiện trước thế giới.

Tuyết Nhung (PC Magazine)

Một Thế Giới