Trung Quốc lại 'đau đầu' vì xuất khẩu giảm thảm hại
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 11:00, 09/08/2015
Cùng với đầu tư trong nước yếu, nhu cầu toàn cầu giảm đang khiến mục tiêu chinh phục mức tăng trưởng 7% trong 2015 của Trung Quốc trở nên bị đe dọa. Chính phủ quốc gia này đã triển khai các biện pháp ủng hộ mở rộng mới, bao gồm bán trái phiếu đặc biệt để tài trợ xây dựng.
“Xuất khẩu không còn là công cụ cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc nữa. Dĩ nhiên, giờ đây, mức độ xuất khẩu không còn được như trước. Hiện nay, xuất khẩu chỉ có ý nghĩa đè nặng lên áp lực suy thoái kinh tế của Trung Quốc và nó đòi hỏi chính phủ phải năng động hơn với thị trường trong nước”, nhà kinh tế Liu Xuezhi của Ngân hàng Truyền thông cho biết.
Nhà kinh tế Liu cho biết Trung Quốc có khả năng mở rộng chi tiêu về cơ sở hạ tầng vì đầu tư tài sản cố định là cách hiệu quả nhất để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Xuất khẩu của Trung Quốc sang Liên minh châu Âu giảm 2,5% trong 7 tháng đầu năm 2015 so với một năm trước đó, trong khi xuất khẩu sang Nhật Bản giảm 10,5%. Riêng xuất khẩu sang Mỹ lại tăng 9,3%.
“Sự sụt giảm trong xuất khẩu đang góp phần vào sự suy thoái kinh tế Trung Quốc và đe dọa tới việc đưa tỷ giá lên bàn đàm phán để khôi phục lại khả năng cạnh tranh”, Tom Orlik, nhà kinh tế trưởng của khu vực châu Á tại Bloomberg Intelligence, cho biết.
Nhu cầu tiêu dùng trong nước chưa phục hồi cộng thêm giá trị đồng Nhân dân tệ của Bắc Kinh tăng mạnh so với đồng tiền của các đối tác thương mại khác khiến hàng hóa xuất – nhập khẩu của Trung Quốc bị chững lại.
Trong khi đó, nhập khẩu của Trung Quốc cũng đã giảm trong tháng 7 do giá cả hàng hóa giảm. Tuy nhiên, nhập khẩu dầu thô lại tăng cao kỷ lục vì các nhà máy lọc dầu tư nhân đã mua nhiều dầu trên thế giới vì giá dầu thế giới rẻ.
Theo đó, các nhà kinh tế cho rằng, Bắc Kinh nên điều chỉnh chính sách đồng Nhân dân tệ để hỗ trợ sức mua trong nước, giúp doanh nghiệp Trung Quốc vay vốn và đầu tư ra nước ngoài, đồng thời khuyến khích các chính phủ và doanh nghiệp nước ngoài tăng cường sử dụng lại đồng Nhân dân tệ.
Hiện tại, Chính phủ Trung Quốc đang đẩy mạnh các bước với nỗ lực tăng trưởng nền kinh tế trong nước. Trung Quốc đang có kế hoạch chi ít nhất 1.000 tỷ Nhân dân tệ (tương đương với 161 tỷ USD) vào trái phiếu, tài trợ cho các dự án xây dựng và mở rộng khả năng cho vay ngân hàng, các nhà chức trách cho biết.
Tuyết Nhung (Theo Bloomberg)