Trung Quốc lại ‘thua’ Việt Nam, Mỹ trong ngành công nghiệp dệt may
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 05:00, 05/08/2015
Việc gia tăng chi phí sản xuất tại Trung Quốc trong ngành công nghiệp dệt may đang gây ra một sự di chuyển của một số doanh nghiệp, công ty sang các thị trường có chi phí thấp hơn như: Mỹ, Bangladesh, Ấn Độ và Việt Nam.
20 năm trước, chị Ni Meijuan chỉ kiếm được 19 USD/tháng tại một nhà máy dệt may lớn ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc.
Bây giờ, với vị trí quản lý tại nhà máy bông của công ty Keer ở miền Nam Carolina, chị Ni đang đào tạo những người lao động Mỹ làm công việc mà chị đã từng làm.
Đây chính là một ví dụ điển hình cho những nhà máy dệt may giá rẻ. Các nhà sản xuất dệt may có chi phí thấp trước đây đã chuyển hướng sang thành lập các cơ sở ở Mỹ. Đây cũng được xem là một cách cắt giảm ranh giới giữa các quốc gia có chi phí sản xuất cao và các quốc gia có chi phí sản xuất thấp.
Lĩnh vực sản xuất dệt may của Trung Quốc đang ngày càng trở nên không có lợi nhuận sau nhiều năm tăng tiền công, chi phí năng lượng cao hơn và chi phí lớn về hậu cần, cũng như hạn ngạch mới của chính phủ về việc nhập khẩu bông.
Trong khi đó, chi phí sản xuất tại Mỹ đang trở nên cạnh tranh hơn. Ở Lancaster County, công ty Keer đã phát hiện thấy tỷ lệ thất nghiệp cao, mức lương thấp, đất đai rẻ, nguồn năng lượng dồi dào và nguyên liệu bông nặng tính bao cấp.
Các chính trị gia từ khắp nơi trong cả nước Mỹ đã săn đón công ty Keer và các doanh nghiệp với các khoản trợ cấp và giảm thuế để mang lại nhiều công việc hơn.
Đặc biệt, triển vọng về một thỏa thuận thương mại Thái Bình Dương được dẫn đầu bởi Mỹ, không bao gồm Trung Quốc, đang giúp cho các công ty sợi Trung Quốc đạt được một chỗ đứng ở đây để tránh những lo ngại về việc mất khả năng cạnh tranh.
Công ty Keer, nơi mà chị Ni làm việc, trước đây từng quay sợi tại Trung Quốc từ nguyên liệu bông của Mỹ và bán cho các nhà sản xuất dệt may trên toàn châu Á. Nhưng tình hình này đã thay đổi vì nhiều nhà máy đã được xây dựng ở Mỹ như: miền Nam Carolina và Lancaster County-Indian Land.
“Lý do gì khiến Keer ở đây? Ưu đãi, đất đai, môi trường, công nhân," Zhu Shanqing, Chủ tịch của Keer, phát biểu trong chuyến đi gần đây tới Mỹ.
"Ở Trung Quốc, toàn bộ ngành công nghiệp sản xuất sợi rất tốn tiền. Ở Mỹ thì rất khác”, ông cho biết.
Kể từ khi Bắc Kinh và Washington tiếp tục quan hệ thương mại trong năm 1970, Mỹ đã đạt mức thâm hụt thương mại khổng lồ, bởi lẽ người Mỹ thường tiêu thụ hàng tỷ đô la vào đồ điện tử, may mặc và hàng hóa Trung Quốc giá rẻ.
Tuy nhiên, chi phí năng lương tăng cao ở Trung Quốc đang làm xói mòn khả năng cạnh tranh của quốc gia này. Theo tư vấn Boston, mức lương được điều chỉnh cho sản xuất ở Trung Quốc đã tăng gần gấp ba trong một thập kỷ qua, ước tính tăng lên 12,47 USD/giờ vào năm ngoái từ 4,35 USD/giờ năm 2004.
Trong khi đó, mức lương nhân công tại Mỹ tăng chưa đến 30%, đạt 22,32 USD/giờ, kể từ năm 2004. Thêm vào đó, các doanh nghiệp còn được hưởng lợi từ chi phí nguyên liệu thấp và các khoản ưu đãi về thuế địa phương.
Giờ đây, cứ 1 USD sản xuất tại Mỹ sẽ tương đương với 96 cent tại Trung Quốc. Dù khoảng cách không quá lớn nhưng Liên đoàn sản xuất dệt may quốc tế nhận định chi phí sản xuất sợi tại Trung Quốc hiện cao hơn 30% so với ở Mỹ.
Trên thực tế, từ trước đến nay, mọi người luôn nghĩ rằng sản xuất tại Trùng Quốc rẻ nhưng tình hình này đang thay đổi.
Việc gia tăng chi phí sản xuất tại Trung Quốc đang gây ra một sự di chuyển của một số ngành sản xuất sang các thị trường có chi phí thấp hơn như: Mỹ, Bangladesh, Ấn Độ và Việt Nam. Trong nhiều trường hợp, chính người Trung Quốc đã khởi xướng di chuyển cơ sở sản xuất sang quốc gia có chi phí thấp hơn.
Trong những năm gần đây, Mỹ đang thu hút mạnh các công ty sản xuất của Trung Quốc. Trong năm 2004 -2014, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư 46 tỷ USD vào các dự án mới hoặc M&A tại Mỹ, và điều này đã được thực hiện chủ yếu trong 5 năm qua.
Hiện nay, có khoảng 20 nhà máy Trung Quốc hoạt động tại miền Nam Carolina. Ở Khu vực Lancaster County, phía Mỹ đang đàm phán với hai nhà máy dệt may khác từ Đài Loan và Đại Lục.
Chủ tịch hiệp hội phát triển kinh tế Keith Tunnell vùng Lancaster County nhận định rằng ông chưa bao giờ nghĩ rằng Trung Quốc lại thiết lập cơ sở sản xuất dệt may tại Mỹ.
Thêm vào những ưu đãi trong chi phí sản xuất, thì việc tự động hóa sẽ khiến thị trường Mỹ cạnh tranh hơn Trung Quốc và đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, yếu tố thị trường cũng là một lợi thế cho các doanh nghiệp. Ngoài thị trường châu Á, các doanh nghiệp có thể bán sản phẩm cho các công ty ở Mexico, Trung Mỹ và vùng Caribean, ba khu vực này đều có Hiệp định thương mại song phương với Mỹ nên được hưởng những ưu đãi về thuế quan. Và dĩ nhiên điều này không thể có khi sản xuất tại Trung Quốc.
Giờ đây, Mỹ không chỉ thu hút các công ty Trung Quốc mà còn rất nhiều công ty, doanh nghiệp khác trên toàn thế giới.
Công ty ShriVallabh Pittie của Ấn Độ đã bắt đầu xây dựng một nhà máy trị giá 70 triệu USD tại Sylvania. Doanh nghiệp Santana Textiles của Brazil tuyên bố sẽ mở một nhà máy tại Edinburg.
"Toàn bộ cơ sở dệt may đang hướng tới chúng ta", Vinod Pittie, Chủ tịch ShriVallabh Pittie Group, cho biết tại buổi lễ động thổ của nhà máy, dự đoán rằng sự thành công của liên doanh sẽ thu hút các doanh nghiệp khác để mở nhà máy ở Georgia.
Đối với cư dân miền Nam Carolina, thì sự xuất hiện của Keer có lẽ chưa đủ sớm. Bởi lẽ, đã có một thế hệ thợ dệt may đã bị mất việc làm trước đó khi nhà máy lớn nhất thế giới tại vùng Lancaster một thời, đó là nhà máy Springs Industries đã đóng cửa vào cuối năm 2007.
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động ngay sau đó. Vào tháng 6 năm 2009, tỷ lệ thất nghiệp ở vùng Lancaster County đã đạt 18,6%.
Theo đó, khi Keer chuyển đến đây, công ty này cũng đã gặp không ít khó khăn. Đồng USD gia tăng khiến tất cả các chi phí gia tăng. Tình trạng thiếu nước ở Arizona và California cũng có thể đe dọa sản xuất bông, cũng như gây nguy hiểm cho việc trợ cấp bông.
Đặc biêt, các nhà đàm phán Mỹ đang đẩy mạnh quy tắc đó là yêu cầu các nhà sản xuất dệt may ở các nước thành viên sử dụng sợi từ bên trong khu thương mại để hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế quan. Theo đó, việc sản xuất sợi ở Mỹ, Keer sẽ có được những bảo đảm tốt nhất và có thể chuyển hướng tập trung vào những thị trường thành viên TPP như Việt Nam.
Ngoài ra, sự bất đồng về phong cách làm việc cũng được xem là một khó khăn mà các doanh nghiệp Trung Quốc gặp phải ở Mỹ. Theo chị Ni, nhà quản lý của Keer, chị cảm thấy bất lực khi không thể phạt những công nhân đi làm trễ hay cắt lương của họ như ở Trung Quốc.
Thêm vào đó, theo như yêu cầu lao động của Trung Quốc, thì công nhân Mỹ vẫn chưa đạt được hiệu suất lao động. Bởi lẽ, khi chị nhìn vào đồng hồ kỹ thuật số với hiệu suất 100 ở cuối mỗi dây chuyền kéo sợi, chị nhận ra rằng, người Trung Quốc hiếm khi để con số xuống dưới 97, trong khi người Mỹ thường xuyên để con số đạt mức khoảng 76, 85, 90.
"Họ vẫn đang phải học tập và tôi phải kiên nhẫn", chị Ni cho biết.
Tuyết Nhung (Theo CNBC)
Một Thế Giới