Phút day dứt của Công Vinh giữa ngã rẽ cuộc đời

Thể thao - Ngày đăng : 14:57, 28/03/2016

<p> Giữa sự nổi tiếng và những áp lực khắc nghiệt của bóng đá, danh thủ nổi tiếng Công Vinh không khỏi có những phút giây chơi vơi, day dứt. Công Vinh bảo nhiều khi thấy suy tư bởi những câu hỏi khó từ chính con gái. <br></p>

- 12 năm theo đuổi và đam mê bóng đá. Nhìn lại chặng đường qua Công Vinh thấy điều gì ấn tượng, ghi nhớ và muốn nhắc tới nhất?

12 năm mọi người nghĩ rất dài nhưng với Vinh nó như vừa thoáng qua vậy. Sự nghiệp của Vinh có nhiều thăng trầm, cung bậc cảm xúc khác nhau. Thành công cũng có nhưng thất bại cũng nhiều. Để nói khoảnh khắc đáng nhớ nhất có lẽ là chức vô định AFF Cup 2008 tại sân Mỹ Đình. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của tất cả các cầu thủ, ban huấn luyện cũng như những người làm bóng đá Việt Nam và những người hâm mộ trên khắp cả nước. Hình ảnh tiêu biểu ấy khiến mình phải nhớ về như một kỷ niệm đẹp để sau này bỏ nghề mình cũng luôn nhớ về nó.

- Vậy có điều gì bạn muốn quên đi?

Điều đáng quên nhất là chấn thương. Vì khi chấn thương cầu thủ không được ra sân hàng ngày, không được thi đấu hàng tuần, điều đó rất thiệt thòi. Chấn thương có thể khiến cầu thủ phải giải nghệ và không được tiếp tục niềm đam mê với trái bóng.

Biết là vậy nhưng cầu thủ luôn phải đối diện với điều đó, chấn thương trong tập luyện và chấn thương trong thi đấu. Nhưng những chấn thương giúp cho cầu thủ mạnh mẽ lên để họ hiểu bóng đá chỉ là một nghề và một khoảng thời gian ngắn.

Nhiều người nghĩ bóng đá chuyên nghiệp khoảng 10 năm, 12 năm là quá nhiều nhưng có khi bóng đá chỉ là một quãng thời gian ngắn, một hoặc hai năm. Khi không đá bóng họ phải định hướng một tương lai khác và chúng ta phải sống với những điều không bóng đá.

- Bạn đã có một sự nghiệp đáng tự hào với bóng đá Việt Nam. Hiện tại bạn vẫn đang là trụ cột chính của đội tuyển bóng đá quốc gia. 31 tuổi, vẫn đam mê muốn thể hiện mình ở lĩnh vực bóng đá. Bạn có tham lam quá không?

Vinh nghĩ rằng cuộc sống này không có một khuôn mẫu nhất định nào cả. Vinh được lên đội tuyển quốc gia không phải phụ thuộc vào bản thân Vinh mình muốn mà do sự đánh giá về chuyên môn của HLV trưởng đội tuyển quốc gia.

Khi Vinh còn thi đấu là cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, thi đấu hàng tuần ở V-league và kể cả những cấp độ Châu lục, HLV trưởng của đội tuyển quốc gia sẽ đánh giá Vinh còn khả năng để cống hiến cho đội tuyển quốc gia hay không mới gọi lên đội tuyển quốc gia.

Việc Vinh được ra sân ở trong trận đấu của đội tuyển quốc gia hay không đó cũng là đánh giá của HLV trưởng chứ Vinh không thể quyết định chuyện ấy được. Vinh có khả năng sẽ được ra sân thi đấu còn không có khả năng và không phù hợp với chiến thuật của HLV thì sẽ không được ra thi đấu.

Ở đội tuyển, gần 30 con người, cầu thủ nào cũng có năng lực giống nhau và HLV sẽ nhận ra cầu thủ nào phù hợp với chiến thuật và có khả năng hơn sẽ đưa ra quyết định để cầu thủ ấy ra sân thi đấu.

Vinh nghĩ rằng không phải bóng đá mà tất cả các ngành nghề khác cũng thế. Khi làm việc phải có đam mê, phải sống chết với nghề nghiệp của mình. Vinh còn yêu bóng đá, còn những hoài bão và khát vọng thì đương nhiên phải làm tốt công việc của mình.

- Bạn nhận xét gì về cựu cầu thủ Hữu Thắng, tân HLV đội tuyển quốc gia Việt Nam?

Anh Thắng là cầu thủ thế hệ 7x, cùng lứa với Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Sơn, Hoàng Bửu, Triệu Quang Hà. Đó là thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam và được rất nhiều người hâm mộ biết đến.

Anh Thắng được vinh dự là đội trưởng đội tuyển quốc gia ở những thời điểm ấy và sau đó chuyển sang công tác huấn luyện cho các CLB như Hà Nội T&T và Sông Lam Nghệ An cũng đã gặt hái được rất nhiều thành công như chức vô địch V-League, cúp quốc gia, siêu cúp và anh cũng đã có nhiều cái đóng góp cho bóng đá Việt Nam ở cấp CLB và đội tuyển quốc gia là cầu thủ.

Những điều này sẽ là lợi thế để anh Thắng khi làm việc ở đội tuyển quốc gia bây giờ vì cũng từng là cầu thủ anh Thắng sẽ nắm bắt được tâm sinh lý cầu thủ và giúp họ có được trạng thái tốt nhất và truyền đạt ý đồ chiến thuật sẽ tốt hơn.

- Miền Trung là vùng đất có nhiều sự khắc nghiệt. Bạn đã từng có một đời sống gặp nhiều khó khăn vậy bằng nghị lực gì để thành công như ngày hôm nay?

Vinh sinh ra ở một mảnh đất mà người ta nói rằng rất khó khăn, nhưng điều đó lại cho mình nghị lực và ý chí. Ví dụ Vinh sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh tốt hơn chưa chắc đã theo nghiệp bóng đá.

Nghệ An có đội bóng bề dày thành tích cao và niềm tự hào của người dân Nghệ rất lớn. Những cậu bé chăn trâu ở vùng quê luôn ước mơ được một lần vào SVĐ xem các cầu thủ thần tượng bằng xương bằng thịt thi đấu. Và quan trọng hơn là được ngồi lên chiếc xe buýt của Sông Lam Nghệ An, mặc chiếc áo vàng truyền thống. Điều ấy cực kỳ thiêng liêng mà tất cả các cầu thủ đều ao ước, trong đó có Vinh.

Môi trường ở CLB khi Vinh phải xa gia đình từ lúc 13 tuổi không phải là điều dễ dàng. Vì đã có rất nhiều những cầu thủ vào cùng lứa với Vinh không tồn tại và tiếp tục sự nghiệp bóng đá của mình được. Năm 1999 khi Vinh vào đội bóng, lúc ấy có 25 người nhưng hiện tại để đá bóng chuyên nghiệp chỉ còn 4 người, sự đào thải là 21 người. Vinh nghĩ rằng môi trường, khả năng cộng thêm một chút thiên thời, địa lợi và may mắn giúp cho cầu thủ có thể đứng vững và trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.

Điều quan trọng hơn là gia đình, luôn là động lực lớn để mình trở thành một người tốt, một người con hiếu thảo, không làm gì có lỗi với gia đình của mình. Dù mình không trở thành một cầu thủ giỏi nhưng trước hết mình phải trở thành người tốt lúc đó bố mẹ mới tự hào về mình.

- Bạn từng thổ lộ bóng đá là niềm đam mê lớn nhất nhưng mới đây lại quyết định trở thành tân sinh viên của ĐH Luật. Bạn nói sao về điều này?

Bóng đá là đam mê, kể cả khi không còn đá bóng nữa mình vẫn phải đam mê với nó. Như Vinh đã nói đời cầu thủ rất ngắn, có khi chỉ 1, 2 năm, có khi 10 năm và có thể nhiều hơn một chút nữa. Cũng chả giấu gì chị Vinh chỉ còn thi đấu năm nay và năm sau là sẽ không còn thi đấu bóng đá nữa. Vinh sẽ giã từ sự nghiệp bóng đá của mình và có một hướng cho tương lai. ĐH Luật là một hướng đi mới để Vinh nghĩ về tương lai nhiều hơn, chuẩn bị một cuộc sống không bóng đá.

- Đến thời điểm bây giờ, bóng đá có phải là mấu chốt giúp bạn giàu có về tiền bạc?

Nhiều người nghĩ rằng đời cầu thủ sướng, được nhận tiền chuyển nhượng nhiều, đi đây đi đó, lên báo nhiều nhưng ẩn sau đấy họ đâu biết cầu thủ ngày nào cũng phải tập luyện, tập sáng, tập chiều, tập năm này qua năm khác, ngày này qua ngày khác, nắng mưa cũng phải tập và xa gia đình thường xuyên, không có thời gian dành cho gia đình.

Nhiều lúc vợ con muốn thời gian nghỉ ngơi đi du lịch, mình cũng không có. Sau này có con, con biết nói nhiều lúc hỏi mẹ: "Ba đi đâu thế?". Mẹ nói: "Ba đi làm việc để mua sữa cho con" thì con lại hỏi: "Sao ba đi hoài vậy?''.

Là một người bố của gia đình khi thấy con nói như vậy mình cảm thấy cần dành cho nó nhiều hơn. Người phụ nữ của mình cũng vậy, gần như phải làm thiên chức của cả người mẹ và người bố trong gia đình. Có những lúc gia đình xảy chuyện gì, mình cũng không thể lo được, vợ phải lo hết. Vinh nghĩ đó là một cái điều mà người đàn ông cần phải có trách nhiệm.

Cầu thủ không phải như mọi người nghĩ là ai cũng có nhiều tiền. Cầu thủ đa số xuất thân từ những gia đình có hoàn cảnh và khi họ kiếm được tiền thì phải báo hiếu gia đình. Khi báo hiếu gia đình xong nhìn ra xã hội có những hoàn cảnh khó hơn thì giúp đỡ phần nào đó trong khả năng. Còn rất nhiều cầu thủ khó khăn...

Hiện tại Việt Nam có hàng nghìn cầu thủ, nhưng để có thu nhập, cuộc sống tốt để sau này giải nghệ bóng đá thì không quá 50 người. Vinh nghĩ rằng đời cầu thủ rất ngắn và những gì các cầu thủ đã làm, đã cống hiến họ cũng xứng đáng nhận được số tiền tương xứng với những gì lao động bỏ ra.

Theo VietNamNet

VNN