Hạn mặn gây thiếu mía, hàng loạt nhà máy đường đóng cửa
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 10:28, 30/03/2016
Theo báo cáo của Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT), tính đến ngày 15.3, các nhà máy đã ép được trên 10 triệu tấn mía, sản xuất được 802.580 tấn đường. So với cùng kỳ năm trước, lượng mía ép giảm 1,25 triệu tấn, lượng đường sản xuất ra giảm 163.780 tấn.
Hiện tại, có 4 nhà máy đã ngừng sản xuất là Kiên Giang, Cà Mau, Hiệp Hòa và Long Mỹ Phát do hết mía nguyên liệu. Trong vụ mía 2015-2016, đã có hai nhà máy tạm ngừng sản xuất là Hòa Bình đang trong quá trình xây dựng, thực hiện kế hoạch di chuyển; MK Sugar đang được rao bán.
Theo thống kê, lượng đường tồn kho tại các nhà máy đến ngày 15.3 là 350.095 tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước 60.085 tấn. Lượng đường các nhà máy bán ra từ ngày 15.2 đến 15.3 là 106.629 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 23.774 tấn.
Một trong những vùng mía thiệt hại nặng nhất là Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện này, có 6.500 hecta bị ảnh hưởng bởi hạn mặn từ 50% trở lên, gần 700 hecta và hơn 1.200 hecta bị thiệt hại từ 30 - 50%. Theo đó, năng suất dự tính giảm gần 30%, tương đương 34 tấn/hecta, trữ đường xuống thấp.
Huyện Cù Lao Dung nằm giữa sông Hậu, giáp với Biển Đông, chịu ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và phải hứng chịu tác động của biến đổi khí hậu nặng nề nhất ở Sóc Trăng.
Năm nay, do mưa kết thúc sớm lại không có lũ về từ thượng nguồn, hệ thống cống ngăn mặn, trữ ngọt chưa được khép kín đồng bộ nên huyện Cù Lao Dung đã không còn nước ngọt tưới tiêu cho cây trồng từ nhiều tháng qua. Hiện nay, phần lớn kênh rạch tại Cù Lao Dung đều bị nhiễm mặn nặng, nơi độ mặn thấp nhất cũng lên tới hơn 12‰.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, địa phương này cần hơn 20 tỉđồng hỗ trợ cho người dân có diện tích sản xuất bị thiệt hại. Trong đó, thiệt hại về mía sẽ được hỗ trợ cao hơn vì chi phí gấp đôi lúa. Trong lúc chờ những chính sáchhỗ trợ từ Nhà nước, một số địa phương đã trích quỹ ngân sách dự phòng hỗ trợ cho người dân khắc phục khó khăn.
Hiện nay,8 tỉnh thành tại miền Tâyđã công bố tình trạng thiên tai. Trên các sông chính trong khu vực, mặn vào sâu vài chục đến gần 100km. Theo thống kê, gần 600.000 người thiếu nước sinh hoạt, hàng trăm nghìn hecta lúa đông xuân, vườn cây ăn trái, rau màu, vùng nuôi thủy sản… bị thiệt hại nghiêm trọng.
Theo nhận định của ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ mía đường 2014-2015, cả nước chỉ sản xuất được hơn 1,4 triệu tấn đường từ mía, sụt giảm gần 11% so với niên vụ trước, do một phần bị giảm diện tích, phần khác do khô hạn.
“Trong niên vụ 2015-2016, có nơi tăng, có nơi giảm diện tích, nhưng tổng hợp lại diện tích có giảm và vẫn bị khô hạn nên sản lượng dự báo cũng sẽ kém hoặc cao nhất là chỉ đạt như vụ trước” – ông Hải nói.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng đã nêu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ rằng do hạn hán, hiện đã có hơn 1 triệu người dân đang thiếu nước sản xuất và sinh hoạt, chờ được tiếp trợ nước, như Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là gần 30.000 hộ; đồng bằng sông Cửu Long gần 200.000 hộ. Theo dự báo của Bộ NN-PTNT, con số này tới đây sẽ tăng mạnh.
Trí Lâm