Đề xuất Ngày áo dài ở TPHCM
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 06:07, 17/03/2015
Lễ hội áo dài lần 2 tại TPHCM vừa khép nhưng lại mở ra một câu chuyện mới trong dư luận. Đó là đề xuất của Sở Du lịch TPHCM nên có một ngày toàn thành phố đều mặc áo dài. Cộng đồng dư luận ủng hộ cũng nhiều, nhưng không phải là không có những băn khoăn...
Tín hiệu ban đầu
Theo Ban tổ chức (BTC) Lễ hội áo dài lần 2 tại TPHCM, trong hai ngày diễn ra lễ hội (7 và 8-3-2015), đã có hơn 18.000 lượt khách (cả nữ lẫn nam) cùng mặc áo dài trên tổng số hơn 40.000 lượt khách đến tham gia. Con số này phần nào cho thấy tình cảm của người dân đối với lễ hội áo dài nói riêng và áo dài nói chung.
Trước đó, trong khuôn khổ lễ hội, bà Văn Thị Bạch Tuyết (Giám đốc sở Du lịch TPHCM) thông báo với báo chí về việc sở này đã trình đề án lên UBND thành phố đề xuất nên có một “Ngày áo dài” cho thành phố. Điều này không những tạo điểm nhấn đối với sự phát triển du lịch của thành phố mà còn là một nét rất riêng để gìn giữ, bảo tồn và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống.
Có thể là ngày 8-3, sẽ tạo cơ hội để tất cả phụ nữ đi làm, đi học, đi chơi đều dịu dàng trong tà áo dài.
Bà Tuyết cũng cho biết, trước khi Lễ hội áo dài lần 2 diễn ra, BTC đã vận động toàn thể cán bộ nữ của các sở, ban, ngành tại TPHCM cùng các nữ viên chức đang hoạt động, làm việc trong lĩnh vực dịch vụ du lịch trên địa bàn mặc áo dài đi làm trong hai tuần. Nhiều ý kiến ủng hộ đề án này cho rằng cũng như Hội An mỗi tháng có một ngày thắp sáng đèn lồng thì TPHCM cũng sẽ có một ngày người dân toàn thành phố đều mặc áo dài.
Và nỗi băn khoăn
Sắp tới đây, vào dịp lễ kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước, sẽ có cuộc diễu hành của hàng ngàn người mặc áo dài nhằm tạo nên sự lan tỏa và ủng hộ trong cộng đồng. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, khá nhiều băn khoăn về ngày áo dài đã được mọi người chia sẻ. Mặc dù khẳng định việc tôn vinh chiếc áo dài là điều cần thiết, đã có sẵn trong ý thức của người dân nhiều thế hệ nhưng TS Hoàng Kim Oanh (nguyên Phó trưởng Khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sài Gòn) vẫn không khỏi băn khoăn với ý nghĩ sắm một bộ áo dài vừa ý không hề ít tiền.
Công may một bộ áo dài bây giờ thấp nhất khoảng 500.000 đồng (lương một cô giáo tiểu học mới ra trường chỉ gấp bốn năm lần con số ấy). Đó là chưa kể, áo dài còn phải đi với giày cao, guốc cao, túi xách, khăn nón... phù hợp. Cũng có tâm tư từ góc độ nhà giáo, chị Phạm Hương (giáo viên mầm non tại Q6) cho biết, đối với những cô giáo mầm non như chị, việc mặc áo dài sẽ gặp nhiều bất tiện khi chăm sóc các bé.
Còn chị Hằng (tiểu thương tại chợ Hòa Hưng, Q10) cho rằng, điều này khó áp dụng, nhất là đối với những người buôn bán như chị. “Nếu mặc áo dài thì chúng tôi ở nhà hoặc đi chơi chứ sao ra chợ mà ngồi buôn bán được?”.
Thực tế cho thấy, nhiều ngành nghề đặc thù khác cũng rất khó để diện áo dài khi đi làm như lực lượng vũ trang, công an, công nhân nhà máy xí nghiệp, bác sĩ, thợ điện, công nhân xây dựng... Chị Phượng, công nhân vệ sinh trên tuyến đường Thành Thái (Q10), cảm thấy đề án này quá xa vời đối với những người làm công việc như chị.
Trong khi đó, Minh Sang (sinh viên trường ĐH Sư phạm TPHCM) lại trăn trở với câu hỏi, việc mọi người mặc áo dài khắp nơi vào cùng một ngày liệu có làm giảm giá trị của áo dài hay không? “Cũng như nhiều loại trang phục khác, áo dài cần được mặc đúng không gian, đúng thời điểm. Chứ bạ đâu cũng mặc, tôi sợ sẽ tạo ra những tình huống dở khóc dở cười”, Minh Sang lập luận.
Ở góc độ khác, TS Hoàng Kim Oanh cho rằng, tâm lý người dân nói chung không ai thích sự bắt buộc, gò bó. Nếu đưa việc mặc áo dài vào quy định, trước hết sẽ gây tâm lý khó chịu, thậm chí sẽ có phản ứng ngược. Áo dài đã tự nó xuất hiện trong các dịp lễ, Tết, cưới hỏi, trong các sự kiện trọng đại của gia đình hay xã hội. Bà con ở nước ngoài không ai vận động, cũng đã tự chọn mặc áo dài trong các sự kiện quan trọng của cuộc đời và luôn tự hào vì mình là người Việt Nam trước bạn bè năm châu bốn bể. “Xin hãy để hữu xạ tự nhiên hương”, TS Oanh nhấn mạnh.
Xuân Tiến / Công an TPHCM