Đi thi "ao làng" có nhất thiết phải xin cấp phép?

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 05:51, 15/03/2015

Thí sinh tham dự các cuộc thi được tổ chức ở nước ngoài thuộc nhiều lĩnh vực nghệ thuật như âm nhạc, mỹ thuật... không cần phải xin cấp phép, trong khi để tham gia bất cứ cuộc thi sắc đẹp nào tại nước ngoài, thí sinh lại phải có giấy thông hành", nếu không muốn mang tiếng... thi chui.
Vừa được trao danh hiệu Nam vương tại cuộc thi Mister Global 2015, Nguyễn Văn Sơn chuẩn bị phải đối mặt với “bản án” thi chui và có thể sẽ phải nộp phạt vài chục triệu đồng. Cũng giống như chàng vận động viên taekwondo này, năm ngoái, nhiều người đẹp nhận danh hiệu tại cuộc thi nhan sắc ở nước ngoài khi về nước đã chấp nhận chịu phạt vì đi thi mà chưa được cấp giấy phép.

Người đại diện của Nguyễn Văn Sơn cho biết, ê kíp của mình không ngại thủ tục xin cấp phép, mà đơn giản chỉ là vì bị đặt vào tình thế quá gấp. “Đến ngày 29 tết chúng tôi mới nhận được giấy mời, trong khi bắt đầu từ ngày mùng 7 tết cuộc thi đã diễn ra. Hơn nữa, ban tổ chức cũng không yêu cầu thí sinh phải có giấy phép dự thi” vị này cho biết.

Bi hài là thí sinh đi thi chui lại hay “rinh” giải về, trong khi đi thi đàng hoàng lại thường về tay trắng. Một ‘Ông bầu” có tiếng trong việc đưa người mẫu tham dự các cuộc thi nói: “Những người trong nghề như chúng tôi hiểu tại sao, nhưng không ai dám nói công khai về câu chuyện tế nhị này”. 
Thực tế, nhiều cuộc thi sắc đẹp mà thí sinh dự thi chui được gọi với những cái tên rất kêu mang cấp “toàn cầu” “thế giới” “quốc tế” nhưng nhanh chóng bị “lật tẩy” chỉ là những cuộc thi ao làng, được dựng lên như một cuộc vui. Thậm chí ông Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) còn chép miệng: “Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết có cuộc thi tổ chức chỉ có 7 thí sinh tham dự”.

Chỉ nên quản các cuộc thi chính thống

Trong khi thí sinh tham dự các cuộc thi nghệ thuật tại nước ngoài thuộc nhiều lĩnh vực không phải qua “cửa" cấp phép, thì quy định đó lại bị “áp” với thí sinh tham dự các cuộc thi sắc đẹp. Đại diện Cục NTBD giải thích ngắn gọn rằng, điều này được quy định tại Nghị định 79/2012/NĐ-CP (quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu). Một nhà quản lý trong lĩnh vực âm nhạc lý giải: “Sở dĩ những thí sinh thi các cuộc thi nhan sắc phải qua cấp phép vì liên quan đến những vấn đề nhạy cảm như ăn mặc hay phát ngôn. Trong khi không ít người đẹp thiếu trình độ văn hóa”.

Theo đại diện của Cục NTBD, thí sinh thi chui là vi phạm pháp luật, đồng nghĩa với việc danh hiệu không được công nhận. Như vậy, thí sinh qua cấp phép giành giải thưởng tại bất cứ cuộc thi sắc đẹp nào cũng đều được công nhận? Cách đây vài năm, một người mẫu nội y đã được cấp phép đại diện VN tham dự cuộc thi nhan sắc có tên Miss Vietnam International tại Mỹ và giành vương miện hoa hậu. Dù gắn với cấp “quốc tế” nhưng cuộc thi bị lên tiếng chỉ là cuộc thi ao làng do “ông bầu” quản lý một công ty giải trí đứng ra tổ chức. Không chỉ vậy, người ta còn đặt ra nhiều nghi vấn xung quanh kết quả cuộc thi.

Từ thực tế đó cộng với việc nhiều thí sinh sẵn sàng chịu phạt để thi chui (cho thấy sự bất lực của cơ quan quản lý), có ý kiến cho rằng việc cấp giấy phép cho người đẹp tham dự cuộc thi sắc đẹp là cần thiết, nhưng chỉ cần với những cuộc thi chính thống có danh tiếng, uy tín trong khu vực và thế giới, trong đó tiêu chí và tính chất của cuộc thi là dành cho đại diện sắc đẹp của các quốc gia. 
Còn những cuộc thi kiểu “ao làng”, không có tiếng tăm gì trong hệ thống các cuộc thi sắc đẹp uy tín của thế giới, cơ quan quản lý không cần cấp phép. “Chính việc yêu cầu phải có giấy phép mới được đi thi đã vô tình “nâng tầm” cho những cuộc thi được dựng lên, có khi chỉ để bán giải thưởng là chính” vị này nói.

Ngọc An (Thanh Niên)

Một Thế Giới