Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc tưng bừng khai hội
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 14:54, 03/03/2015
Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2015 sẽ được UBND tỉnh Hải Dương tổ chức từ ngày 4 – 7.3.2015 (tức ngày 14 - 17 tháng Giêng Ất Mùi).
Đây cũng chính là dịp kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ về thăm Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương). Lễ hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc là một nét văn hóa đặc sắc, đa dạng, thể hiện sự sáng tạo, tâm nguyện của hàng triệu đồng bào từ mọi miền đất nước về đây cùng thành kính bày tỏ ước vọng bồi đắp tinh thần yêu nước, tự lực tự cường, ý chí bảo vệ nền độc lập dân tộc của cha ông trao truyền lại mà tiêu biểu là các anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Tam Tổ Trúc Lâm, Nhà giáo Chu Văn An...
Theo Ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, để chuẩn bị cho Lễ hội Ban quản lý đã tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá. Các tuyến đường từ quốc lộ 18 vào đến khu di tích được cắm nhiều cờ lễ, băng rôn giới thiệu sơ lược về lễ hội được treo ở các trục đường chính và tại thành phố Hải Dương, trên tuyến đường 18 từ Phả Lại, Đông Triều đến khu di tích. Tuyến đường vào đền Kiếp Bạc dài 5,1 km với tổng đầu tư trên 700 tỷ đồng cũng đã hoàn thiện để đón du khách.
Lễ hội mùa xuân Côn Sơn hàng năm
Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã được Nhà nước xếp hạng Di tích quốc gia năm 1962, năm 2012 được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Trong Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc mùa xuân 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức công nhận Lễ hội mùa xuân Côn Sơn và Lễ hội mùa thu Kiếp Bạc là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn liền với tưởng niệm 681 năm ngày viên tịch của Đệ tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả (1334-2015). Huyền Quang tên thật là Lý Đạo Tái, sinh năm 1254, tại hương Vạn Tư (nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), thuộc dòng dõi quan lại nhà Lý. Ông cùng Phật hoàng Trần Nhân Tông và Pháp Loa đi khắp nơi trong nước thuyết pháp, giảng kinh và trở thành vị Tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm. Những năm cuối đời, ông về trụ trì tại chùa Côn Sơn, xây dựng tòa Cửu Phẩm liên hoa, biên soạn kinh sách truyền lại cho đời sau. Ngày 23 tháng Giêng năm 1334, ông viên tịch tại chùa Côn Sơn, thọ 80 tuổi. Hàng năm, ngày mất của ông trở thành ngày giỗ Tổ của chùa Côn Sơn. Từ đó, di tích Côn Sơn luôn giữ vai trò là trung tâm Phật giáo xứ Đông xưa.
Dạ Thảo