Nồi bánh tét đêm 30
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 14:00, 18/02/2015
Một cơn gió lạnh thổi qualàm những chiếc lá cuối cùng rơi xuống mặt đường. Ở Huế, như một thói quen của trời đất, chiều 30 tết, trời tạnh ráo và đến sáng mùng 1 mới đổ mưa phùn. Những cơn mưa mà sợi mưa mỏng bằng sợi chỉ, và kéo dài đến giữa tháng giêng. Trời mưa không ướt áo, người ta chỉ cần rũ áo như rũ bụi và rung tóc nhẹ nhàng như làm cho hương phấn bay đi. Thật ra, đấy chỉ là một thứ hơi nước vừa đọng lại khi gặp khí trời lạnh giá. Và ởHuế, những thiếu nữ thường chờ đợi mưa phùn như chờ đợi một nỗi lòng.
Tất cả đều đã sẵn sàng: nếp và nhân đậu xanh từ Đà Nẵng mang ra, lá dong được hái từ Tuy Hòa. Phan đi khiêng ba hòn đá để bắc bếp, còn chị Lam mang ra chiếc thùng sắt tây dùng nấu bánh; củi thì đã có sẵn do mẹ ghé mua ở một nhà quen ngay cửa Đông Ba. Tôi nhóm lửa lên, đun củi vào, đổ nước vào thùng chất đầy bánh thế là xong việc. Ba mẹ tôi loay hoay trong nhà lo bữa giỗ và tiệc cúng giao thừa, còn bốn chị em tôi ngồi quây quanh bếp lửa kể chuyện tết và chờ bánh sôi.
Chị Lam mở đầu:
- Nồi bánh chiều 30 tết là một nét văn hóa của gia đình ta, nên mặc dù nhiều việc phải làm, chúng ta vẫn không để mất đi tục lệ nấu bánh tét ngày tết, một nét văn hóa đầy chất Huế của một gia đình thường vẫn sống tha phương của chúng ta. Thôi, bây giờ ai có gì vui đem ra kể. Ta còn mấy tiếng nữa sẽ cúng giao thừa.
Phan hăm hở nhất trong bọn, bắt đầu ngay. Phan nói về màn kịch “Gặp bố ông Táo” ở Trường Quốc học đầy tính chất cập thời, trong đó có việc Phan đóng làm thượng đế, ra lệnh cho quỷ đầu trâu mặt ngựa xuống chỗ khán giả áp giải ông Hiệu trưởng Trường Quốc học lên sân khấu. Cụ Đinh Qui ngày thường rất nghiêm, bây giờ sẵn sàng sắm vai. Ông hiệu trưởng đứng chàng ràng trước mặt Phan, Phan hò hét:
- Quỳ xuống! Quỳ xuống!
Ông hiệu trưởng vâng lời, khán giả cười vang...
Thương thì kể lại chuyện mẹ chăm lo cho ba trong dịp Tết Trung thu. Nguyên là ba theo việc xe lửa ở Đà Nẵng. Mẹ ở nhà coi nhà, lo buổi tiệc trung thu để ba uống trà với bạn, vì tính ba thích làm thơ cổ và xướng họa với bạn. Nhà có trồng mấy chậu tiểu quỳnh nở đúng vào dịp này và cây ngọc lan ở trước cổng nở đầy hoa thơm ngát cả khu sân như thôi thúc mẹ rằng tiết Trung thu sắp đến. Mẹ còn làm bánh trái đào bằng bột đậu xanh nhúng vào đông sương, rồi ghép vào cành đào trông giống hệt để trên bàn. Chính món bánh trái đào này của mẹ đã đoạt giải nhất trong hội thi làm bánh tiết Trung thu của phụ nữ Huế; từ đó, món bánh trở thành món quà được khen ngợi của mẹ dành cho ba đón bạn.
Nồi bánh sôi đã lâu. Chúng tôi vẫn ngồi bên bếp lửa. Một đợt gió thổi qua khiến không khí đêm cuối năm lạnh hơn.
Chị Lam và em Thương lấy thêm áo ra khoác. Những bộ đồ mới may đều để dành “khai mạc” đúng ngày tết, còn bây giờ các cô vẫn mặc đồ cũ. Chị Lam đun thêm củi vào bếp, cho thêm nước vào thùng và hướng câu chuyện bên bếp lửa đêm giao thừa vào chuyên đề chuyện ăn trộm. Tôi bắt đầu:
- Ở Huế, người ta biết có một mẫu trộm, gọi là “trộm tài danh”, rất nổi tiếng, vào nhà nào là nhà ấy sạt nghiệp. Của giữ chặt mấy cũng không thoát khỏi tay trộm tài danh, cả nhà nước cũng phải sợ nó. Tiêu biểu trong vụ này có hai vụ được lưu truyền. Thứ nhất là vụ mất trộm ở tháp chùa Linh Mụ. Tháp Linh Mụ to, đồ sộ, gồm 7 tầng; mỗi tầng thờ một vị cổ Phật (Phật xuất hiện trước Phật Thích Ca) có tượng bằng vàng. Để mở được cửa tháp vào trong, cần đúng ba chiếc chìa khóa: một chiếc do chùa giữ, chiếc thứ hai do bộ Lễ (Nam triều) giữ và chiếc thứ ba do Tòa Khâm chính quyền Pháp giữ. Ấy vậy mà một sáng đẹp trời, tất cả tượng Phật ở 7 tầng không cánh mà bay. Ai có thể mở được cửa tháp để lấy tượng Phật? Dân gian bảo rằng: “Còn ai nữa nếu không phải là ăn trộm tài danh”.
Vụ thứ hai xảy ra ở cửa Ngọ Môn. Đây là cửa chính của hoàng thành, quay mặt về phía nam theo nguyên tắc “Quân tử nam diện” (ý nói vua phải quay mặt về nam để trị thiên hạ).
Trên đỉnh cửa thành này có hai chữ “Ngọ Môn” bằng vàng, luôn được canh gác bởi những toán lính khố vàng đứng trước cửa thành. Thế mà hai chữ “Ngọ Môn” bằng vàng chói lọi cũng biến mất, không biết ai nữa, nếu không là “ăn trộm tài danh”! Có điều, cho đến bây giờ, nước ta đã bắt được rất nhiều ăn trộm, nhưng không ai có dịp nhìn thấy trộm tài danh. Một chốc trở thành thiêng liêng, người ta không dám nói to, thường dọa nhau khi đến nó.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường |
Bếp lửa lắng dần và chị Lam tiếp theo chuyện trộm bằng bài đồng dao mà chị sưu tầm được trên một tờ báo Phong hóa còn sót lại đâu đó trong những đống báo cũ. Bài này được chị chép lại trong cuốn sổ tay dùng làm tài liệu dạy học. Đây là một trò chơi trẻ con rất thích. Thường vào đêm cuối năm, trẻ con năm , bảy đứa trong xóm họp thành một toán đến các nhà gõ cửa và đứa đi đầu đọc bài thơ này bằng một điệu ngâm thơ dân gian, coi như lời chúc tết cuối năm. Chủ nhà hân hạnh cảm ơn cả nhóm, tặng họ một ít tiền rồi cả toán kéo sang nhà khác.
Chúng tôi im lặng nghe Lam đọc:
Xúc xắc xúc xẻ
Còn đèn còn lửa
Mở cửa cho chúng tôi vào
Bước lên giường cao
Có con rồng ấp
Bước xuống giường thấp
Có con rồng chầu
Bước ra nhà sau
Gặp ông Đỗ Thận
Ông còn lận đận
Dạy chị đăng xinh...
Bài khá dài và chị Lam hạ giọng khi đọc những câu cuối: Tôi ngồi xó tối
Tôi đối một câu:
Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Tre nêu tràng pháo bánh chưng xanh.
Nồi bánh sôi lục bục và lửa tàn dần. Đó là dấu hiệu cho biết bánh đã chín. Chị Lam vớt bánh ra rổ, phơi sương cho nguội, đặt mấy chiếc bánh chưng chay vào đĩa để cúng Phật, và chúng tôi cùng sắp đón giao thừa. Tôi cũng đứng lên, vào trong nhà thay quần áo mới, cùng em Phan chắp tay đứng một bên kính cẩn, trong lúc ba chúng tôi làm lễ cúng giao thừa và lễ bái gia tiên.
Đến nay, tuy đã sống gần hết cuộc đời, nhưng buổi chiều cả nhà đoàn tụ sau một năm xa cách, giống như một gánh hát chèo ăn ở tạm bợ, và cái bóng hoa mai vàng trên cỏ bên nhà cậu, vâng, buổi chiều ấy và bóng hoa ấy cứ theo mãi suốt tuổi trẻ của tôi. Ôi! Tuổi trẻ của tôi, nó có gì đâu, cũng chỉ cái nhà tranh nhỏ bé ấy, cái xóm nhà đơn sơ nơi con hẻm trong thành nội; cũng chỉ bếp lửa của nổi bánh tét đêm cuối năm thôi sao mà trở thành những điều sâu thẳm đến thế, luôn vang lên một âm hưởng thân thương, giúp chúng tôi vượt qua bao nỗi sóng gió còn lại của đời người.
Hoàng Phủ Ngọc Tường / Thanh Niên