Kỳ 3: Những chuyện đồn thổi về “con ma nhà họ Hứa”
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 05:40, 17/02/2015
Viết về chú Hỏa mà không đề cập tới “huyền thoại” về con ma nhà họ Hứa quả là một thiếu sót lớn. Tương truyền rằng chú Hỏa có nhiều con trai, nhưng chỉ có một cô con gái út duy nhất rất xinh đẹp mà ông rất mực thương yêu. Nhưng định mệnh thật cay nghiệt, cô tiểu thư nhà họ Hứa lại mắc chứng bệnh nan y mà thời đó coi như bó tay, tức bệnh cùi.
Khi bệnh đã đến thời kỳ lở loét, hoại tử cô gái hết sức đau đớn, la hét suốt ngày khiến những người hầu thân cận cũng không dám vào chăm sóc. Chú Hỏa đã che kín cửa, chỉ chừa một khe hở vừa đủ để người hầu đưa cơm nước vào mỗi ngày cho cô tiểu thư đã không còn hình dạng một con người. Chú Hỏa thương con nên đã tìm mọi phương thuốc để chạy chữa, kể cả tìm ngọc ong tận rừng U Minh hòa với vàng cám cho con gái uống nhưng tất cả đều vô vọng.
Trước sức tàn phá của vi trùng bệnh phong, không nỡ nhìn cô con gái yêu quý hàng ngày bị mọi đau đớn hành hạ, rên siết, kêu cứu một cách thảm khốc. Chú Hỏa đã quyết định cách ly cô với bên ngoài, không để lộ thông tin con gái bị bệnh cùi cho dư luận biết và bàn tán nên đã nghĩ ra cách tổ chức một đám ma giả, tung tin cô gái đã chết. Đám ma được tổ chức rất lớn nhưng không cho ai tới viếng quan tài vì lý do người chết vào giờ “trùng” nên phải an táng gấp.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, vì không chống chọi nổi cơn bệnh oái ác, cô tiểu thư cũng chết thật và vì quá thương con gái nên chú Hỏa không nỡ đem chôn, cũng không khâm liệm mà ướp xác con gái rồi đặt cô tiểu thư vào chiếc quan tài bằng đá có nắp đậy bằng kiếng dày 5 cm để ngay trong căn phòng như khi cô còn sống. Mỗi ngày bà vú vẫn phải mang cơm nước vào cúng y như lúc còn sống. Việc này kéo dài suốt một năm trong vòng bí mật, và theo lệnh của chú Hỏa không một ai được tiết lộ thông tin ra ngoài.
Rồi đúng một năm sau ngày mất của cô con gái đáng thương, chú Hỏa tổ chức đám giỗ mời bà con thân thuộc và một số bạn bè trong giới kinh doanh đến dự. Trước đó, chú Hỏa đã đặt may một bộ áo đầm trắng, mua con búp bê nằm xuống biết nhắm mắt, đứng dậy biết mở mắt rồi sai bà vú mang một dĩa cơm gà lên để cúng con gái.
Sau khi kết thúc buổi giỗ, khách khứa ra về, bà vú lên phòng tiểu thư dọn dẹp đã chứng kiến một hiện tượng kinh hoàng: Đĩa cơm ai đã ăn gần hết, nắp quan tài bằng kiếng mở ra, con búp bê khi cúng cô chủ đã đặt nằm, giờ nó đứng lên nhắp nháy mắt với bà vú, còn cô chủ giờ mặc áo đầm trắng, xõa tóc, đứng lơ lửng ở đầu quan tài. Bà vú không còn hồn vía nào nữa, ba chân bốn cẳng chạy xuống nhà, líu lưỡi, vấp té ngay chân cầu thang, mãi lúc sau mới ú ớ nói tiếng được, tiếng mất: C…ô chủ v…ề!
Ít lâu đó chú Hỏa đành phải mang con gái đi chôn một cách bí mật, không ai biết mộ của Hứa tiểu thư ở đâu. Nhưng cô gái rất linh thiêng, thường hiện về trong những đêm khuya đi lại trong phòng, kêu khóc, rồi đi lang thang trong hành lang vắng trước khi biến mất.
Sau năm 1975, ngôi nhà 99 cửa của chú Hỏa được giao cho Sở Văn hóa -Thông tin TP quản lý làm Phòng Thông tin - Cổ động và cũng theo tin đồn thổi người bảo vệ trực ở đây, thỉnh thoảng trong những đêm mưa gió đi tuần tra quanh ngôi nhà cũng đã bắt gặp hình bóng một cô gái mặc toàn đồ trắng, xõa tóc đi lang thang trong hàng lang, thoắt ẩn, thoát hiện rồi biến mất.
Chính vì ngôi nhà chú Hỏa ẩn chứa những huyền thoại mang tính chất ly kỳ, ma quái nên trước năm 1975, hãng phim Dạ Lý Hương đã thực hiện bộ phim hài kinh dị lấy ý tưởng từ câu chuyện có tính chất hoang đường này để viết kịch bản Con ma nhà họ Hứa với các diễn viên: Năm Châu, Ba Vân, Bà Năm Sa Đéc, Bạch Tuyết, Dũng Thanh Lâm, Tâm Phan, Khả Năng, Thanh Việt, Tùng Lâm, Minh Ngọc, Bé Thy Mai. Phim do Lê Hoàng Hoa đạo diễn.
Phim “Con ma nhà họ Hứa” rất ăn khách, khi chiếu rạp đã thu hút một lượng khán giả khổng lồ, người ta ùn ùn mua vé vào xem và cũng chính vì bộ phim này mà lời đồn thổi về cô con gái út của chú Hỏa chết rất linh thiêng thường hiện về trong ngôi nhà 99 cửa càng lan tỏa rộng khắp, khiến không chỉ người Sài Gòn mà hầu như khắp Nam Bộ đều biết đến huyền thoại “Con ma nhà họ Hứa” Tức cô con gái độc nhất của Hỏa tên là Hứa Tiểu Lan.
Sự thật được phơi bày
Tháng 7-2006, một nhóm người thuộc họ hàng của ông Hứa Bổn Hỏa hiện đang sống và làm ăn ở Mỹ, Pháp, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore đã về Việt Nam, tất nhiên họ tìm tới ngôi nhà của chú Hỏa để tham quan, nắm thêm thông tin về dòng họ. Lúc bấy giờ cơ ngơi này đã được sử dụng làm Nhà Bảo tàng Mỹ thuật TP và bà Mã Thanh Cao làm Giám đốc. Chính bà Cao, một người làm công tác bảo tàng cũng muốn liên lạc với các thành viên trong dòng tộc họ Hứa để mong nắm thêm thông tin về chú Hỏa và gia đình của ông, cũng như những bản thiết kế, sơ đồ hoàn công ngôi nhà 99 cửa độc đáo nhằm giới thiệu với khách tham quan một cách tương đối đầy đủ về quá khứ lịch sử của ngôi nhà nhiều huyền thoại.
Một người cháu nội của chú Hỏa cung cấp thông tin về gia phả họ Hứa đã cho bà Cao xem cả danh mục gia phả dòng tộc họ Hứa thì sự thật được phơi bày, chú Hỏa chỉ có 3 người con trai, không có cô con gái nào. Như vậy chứng tỏ suốt 50 câu chuyện về cô con gái út của chú Hỏa bị bệnh cùi, chết hiển linh trong tòa nhà chú Hỏa ở số 97 đường Phó Đức Chính Q1 thành “Con ma nhà họ Hứa” hoàn toàn do dư luận dựng lên. Và cũng chính từ các thành viên này một vấn đề bí mật khác cũng được phơi bày ra ánh sáng, đó là ngôi mộ thật sự của chú Hỏa khi chết được chôn ở đâu?
Bởi lẽ theo tương truyền, chú Hỏa là người rất tin vào phong thủy và giỏi về phong thủy nên đã chọn nơi chôn cất mình ở địa phận gần núi Châu Thới, Biên Hòa. Khu vực này có hai ngọn núi thấp Bửu Long và Long Ân là nơi rồng ngủ. Quả thật, nếu nhìn từ trên cao núi Long Ân là đầu rồng, chuỗi gò đống lồi lõm uốn quanh khu Bửu Long cổ tự kéo dài nằm vắt ngang qua lưu vực sông Phước Long xã Tân Thành về hướng nam núi Châu Thới có hình dáng cái đuôi rồng vểnh lên cao.
Song song đó, cũng có tin đồn là mộ chú Hỏa nằm đâu đó trên địa bàn quận Thủ Đức, nhưng cũng có thông tin hài cốt của chú Hỏa đã mang về Pháp cải táng. Đồng thời, cũng có nguồn tin chú Hỏa vốn đa nghi sợ sau này nằm dưới ba tấc đất trong chiếc quan tài bằng gỗ quý cũng không được yên vì bọn trộm đào mộ sẽ khai quật ông lên tìm của quý chôn theo lúc chết, do đó chú Hỏa đã cho xây rất nhiều lăng mộ giả để đánh lừa kẻ trộm còn lăng mộ thật thì ở một nơi rất bí mật.
Cuối cùng thì cho đến hôm nay không ai biết ngôi mộ thật của chú Hỏa thực sự chôn ở đâu. Và có lẽ trong nhiều huyền thoại liên quan tới nhân vật Hui Bổn Hỏa một trong “Tứ đại phú hào” Sài Gòn xưa chỉ có huyền thoại về “Con ma nhà họ Hứa” đã được giải mã. Riêng về ngôi mộ thật sự chôn thi hài của nhân vật nổi tiếng này đã, đang và sẽ còn trong bí mật chưa được vén lên. Và biết đâu nó sẽ chìm dần vào quên lãng như cát bụi thời gian cũng sẽ lấp đầy phía sau lưng quá khứ về một người Minh Hương nổi tiếng ở đất Sài Gòn.
Từ Kế Tường