Cháu gái danh họa Picasso và duyên nợ với Việt Nam
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 06:40, 10/02/2015
Mong muốn thoát khỏi bóng của người ông nổi tiếng
Từ khi còn là một đứa trẻ, sống trong ngôi biệt thự của Pháp cùng với cha mình, Marina Picasso đã mang những nỗi niềm và áp lực từ người ông nổi tiếng-danh họa Pablo Picasso. Marina Picasso thừa nhận: “Tôi đã cố gắng mọi thứ để cuộc sống của tôi thoát khỏi những đau khổ tạo ra bởi ông mình”.
“Cha tôi từ lúc còn sống đến khi mất đi, cuộc sống của ông đã bị nghiền nát bởi là con trai của Picasso, cuộc sống của mẹ tôi bị phá hủy. Em trai Pablito tự tử bằng cách uống thuốc tẩy ở tuổi 24. Bà tôi mất trong hôn mê, hai trong số những người bạn gái của ông đã tự tử. Đó là những bằng chứng khách quan rằng hành vi của ông nội tôi đã tác động tiêu cực đến tất cả mọi người xung quanh”.
Marina Picasso thừa kế gần 1/4 tài sản của ông nội, bao gồm 400 bức tranh và vô số những bản vẽ. Nhưng không giống như những người thừa kế khác, bà không muốn tô vẽ những hình tượng tuyệt vời về người ông nổi tiếng bậc nhất của mình để tiếp tục khai thác tên Picasso khi những người thừa kế chỉ được sử dụng độc quyền tên Picasso vào các mục đích khác nhau cho tới năm 2023. Những người thừa kế khác muốn Marina im lặng, nếu không thể nói những điều tốt đẹp về ông mình. Nhưng đối với bà, sự thật mới là điều quan trọng nhất.
Marina Picasso |
Giống như một vị thần Aztec đã nói với Marina, ông nội của bà cần được xoa dịu bởi “sự hi sinh của con người”. Hai lần kết hôn, với nhiều tình nhân, danh họa bậc nhất đã khiến cho nhiều người đau khổ.
“Chưa hết đâu”, Marina nói thêm, “ông sẽ vắng mặt nếu bạn cần bất cứ điều gì. Bức tranh của ông không có chỗ cho những người bình thường. Những người bình thường không thể tồn tại quanh ông, hoặc họ phải trốn chạy, hoặc phải sống ở một vị trí khủng khiếp về sự thấp kém. Không có gì ở giữa cả.” Những đứa trẻ trong gia đình Picasso luôn được gieo vào đầu ý thức về trò chơi quyền lực của người lớn. Nếu bọn trẻ trong gia đình muốn tìm việc làm mùa hè thì đó là sự sỉ nhục, bởi người ta sẽ cười vào việc một đứa trẻ nhà Picasso sẽ muốn làm việc rửa xe hay lau sàn.
Ngày Picasso qua đời, em trai của Marina, Pablito lúc đó 24 tuổi đã gặp khủng hoảng. Người vợ thứ hai của ông nội không cho hai chị em tới gần thi thể của ông, nhưng Pablito đã tìm mọi cách để được đến bên thi thể ông nhưng bất thành. Pablo đã tự uống chai thuốc tẩy để tìm cách kết liễu đời mình, và dù được phát hiện và cấp cứu tại bệnh viện nhưng 3 tháng sau Pablito cũng qua đời. Sự ra đi của danh họa Picasso ngay sau đó cũng khiến một cuộc chiến pháp lý kéo dài gần 10 năm khi ba người con ngoài giá thú của Picasso muốn chứng minh mình cũng là người có quyền thừa kế.
Cuộc chiến trong gia đình Picasso cũng là đề tài bàn tán suốt một thời. Cũng chính vì thế mối quan hệ trong gia đình không thể còn nguyên vẹn. Và cuối cùng sau cuộc chiến, Marina Picasso quyết định sử dụng tiền của mình cho những việc làm nhân đạo và lập ra quỹ từ thiện của mình.
Duyên nợ vớiViệt Nam
“Tôi cảm thấy ở Việt Nam, tôi có thể là chính mình, có thể giải thoát khỏi tất cả những bóng ma của Picasso, và cuối cùng tôi có thể sử dụng tài sản của tôi - tài sản của ông- để làm những gì tôi thực sự muốn”, bà chia sẻ. Vào cuối thập kỷ 90, bà đã sang Việt Nam 4 lần trong 1 năm để tìm hiểu về bệnh viện và trường học, cũng như dự định về một ngôi làng cho trẻ em mồ côi.
Marina Picasso từ lâu đã được biết tới là người chăm chỉ tham gia vào các hoạt động nhân đạo. Tại Việt Nam bà đã lập một ngôi làng dành cho trẻ mồ côi tại quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh với 25 căn nhà nhỏ, một dãy nhà tập thể, một bệnh xá nhỏ, một khu sân chơi và bể bơi. Ngôi làng đã đón nhận 350 trẻ em trong suốt 20 năm hoạt động. Ngoài ra, bà Marina Picasso còn hỗ trợ cho Bệnh viện Nhi đồng ờ thành phố Hồ Chí Minh với những hoạt động như gây quỹ để mua thêm trang thiết bị, hỗ trợ các khóa huấn luyện nghiệp vụ cho y bác sĩ, xây mới, sửa sang một số tòa nhà trong bệnh viện, tặng sữa cho trẻ nhỏ. Bà cũng hỗ trợ các hoạt động vì trẻ em nghèo ở châu Phi, cung cấp các thiết bị phẫu thuật cho nhiều bệnh viện ở châu lục này. Tại Pháp, đất nước mà bà đang sinh sống, đã có một số trung tâm mang tên Marina Picasso được thành lập nhằm giúp đỡ cho trẻ em gặp hoàn cảnh sống khó khăn. Bà còn hỗ trợ tài chính cho Quỹ khuyết tật Foyer ở Geneva (Thụy Sĩ) một trung tâm dành cho những người bại liệt bẩm sinh.
Những đứa trẻ gọi Marina là “Maman”. Kể từ khi thành lập làng trẻ em, Marina nhận thêm 2 đứa trẻ mồ côi, Mai và Dimitri về làm con nuôi. Hiện tại bà có 5 người con, trong đó có 3 người con xuất thân từ Việt Nam. Marina là một người mẹ đơn thân. Bà từng nói: “Các mối quan hệ không phải là dễ dàng bởi tính cách chi phối của tôi và tài sản của tôi”. “Đàn ông cảm thấy không dễ dàng gì khi ở bên cạnh một người phụ nữ nhiều năng lượng. Họ không muốn bị thua kém”, bà chia sẻ thêm, “Quả thật đúng là tồn tại sự cô lập của giàu sang”.
Những người thừa kế khác của Picasso đã tỏ ra rất không hài lòng về việc nhận con nuôi của Marina chứ không phải chỉ là người đỡ đầu. Ở tuổi 65, Marina hài lòng về việc thực hiện thành công sự tồn tại của chính mình. 2 năm trước, bà đã tổ chức đấu giá 2 bức tranh của ông nội mình để góp vào quỹ từ thiện Marina. Trong năm nay bà cho biết sẽ tiếp tục bán 7 bức tranh khác của ông nội với cùng mục đích. Nhưng nhiều người cho rằng, nguyên nhân sâu xa trong việc bán tranh đó chính là những nỗi buồn hận còn ẩn trong lòng người cháu gái của danh họa nổi tiếng này.
Theo Phương Lan ( Đang yêu)