Ai là người tạo nên tên tuổi Thanh Nga – Bảo Quốc?

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 17:13, 08/02/2015

Sự nghiệp sân khấu lẫy lừng và cái chết nhuốm màu ly kỳ của Thanh Nga đã được nói tới nhiều, nhưng Lư Hòa Nghĩa là người có công nuôi dạy, dựng nghiệp cho nữ nghệ sĩ tài danh này thì hiếm người biết.

Ngày 4.2.2015, NSƯT Thanh Nga cùng một số văn nghệ sĩ nổi tiếng khác như Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Xuân Quỳnh, Trịnh Công Sơn, Diệp Minh Tuyền, Phạm Trọng Cầu, Út Trà Ôn…được chính thức đặt tên đường tại TP.HCM. 

Từcâu chuyện Thanh Nga... "tự sát"!

Dư luận đang “nổi sóng” vì sự cố của một biên tập viên của một đài truyền hình, khi trong bản tin trực tuyến ngày 28.1 vừa qua lỡ miệng nói rằng nữ hoàng sân khấu Thanh Nga... “tự sát”, thay vì là bị sát hại. Nhiều người giận dữ cho đó là sự xúc phạm đối với một con người đã khuất từng có công lớn trong lịch sử sân khấu cải lương. Mới biết, dù đã 37 năm trôi qua kể từ khi Thanh Nga và gia đình lâm nạn, nhưng hình ảnh nữ nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn này vẫn còn được vô cùng yêu quý trong lòng khán giả ái mộ.

Câu chuyện về Thanh Nga làm tôi nhớ đến một người mà nếu như không có ông thì biết đâu sân khấu cải lương không có được một “nữ hoàng” về sau. Đó chính là Lư Hoà Nghĩa, thường gọi Năm Nghĩa, người nuôi nấng, phát hiện và gây dựng sự nghiệp cho Thanh Nga, nhưng trong khi Thanh Nga luôn được nhớ đến thì cái tên Lư Hoà Nghĩa lại chìm vào quên lãng. Mà không chỉ đối với trường hợp Thanh Nga, Lư Hoà Nghĩa còn có công lao lớn đối với cả lịch sử âm nhạc, ca kịch truyền thống Nam Bộ, có thể sánh ngang với các nghệ sĩ Cao Văn Lầu, Út Trà Ôn, Viễn Châu,... nhưng không hiểu sao ông chẳng được thực sự vinh danh. Đó là chưa kể ông là người trực tiếp sinh thành danh hài Bảo Quốc cùng một số nghệ sĩ khác.

Tôi là người ngoại đạo nhưng từ lâu yêu thích đờn ca tài tử, vọng cổ, cải lương và có nhiều cảm tình với những nghệ sĩ đã sáng tạo, nâng tầm các loại hình nghệ thuật dân tộc đặc sắc này của Nam Bộ. Vì vậy, tôi rất thích thú khi nghe tin mới đây những người đẹp dự thi Hoa hậu Việt Nam được ban tổ chức đưa về tìm hiểu và tranh tài ở Bạc Liêu quê hương của đờn ca tài tử, loại hình âm nhạc được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. 
Dịp này, báo chí nhắc nhiều tới nghệ sĩ Cao Văn Lầu, tức Sáu Lầu, tác giả bản Dạ cổ hoài lang. Đó là điều đương nhiên. Thế nhưng, Bạc Liêu đâu chỉ có Cao Văn Lầu mà còn có nhiều nghệ sĩ dân gian tài năng khác, đặc biệt là nghệ sĩ Lư Hoà Nghĩa, người có đóng góp quan trọng đổi mới, nâng tầm cũng như phổ biến vọng cổ từ Bạc Liêu lên tận Sài Gòn và lan toả khắp trong lẫn ngoài nước bằng bản Vì tiền lỗi đạo hay còn gọi bài Văng vẳng tiếng chuông chùa do ông sáng tác, mở ra thời kì ca vọng cổ và thu đĩa hát.
Trở về một chút với lịch sử vọng cổ mà giới chuyên nghiệp gọi là “bản” chứ không gọi là “bài”. Đó là khoảng năm 1918, do cám cảnh chuyện nợ duyên trắc trở của mình, nghệ sĩ dân gian Cao Văn Lầu sáng tác nên bản nhạc Dạ cổ hoài lang (Đêm khuya nghe tiếng trống nhớ chồng), nhờ sự hướng dẫn của thầy là nhạc sư Lê Tài Khí (Nhạc Khị), với những câu mở đầu: “Từ là từ phu tướng/ Báu kiếm sắc phán lên đàng/ Vào ra luống trông tin nhạn/ Năm canh mơ màng...”. 
Đất Bạc Liêu chẳng những sinh ra “tay chơi” công tử khét tiếng mà còn xuất hiện “dân chơi” nghệ sĩ tài hoa Sáu Lầu cùng nhiều bậc tài tử khác giàu tâm hồn nghệ sĩ. Bản Dạ c hoài lang của cụ Sáu Lầu được lan truyền khắp miền sông rạch Nam Kỳ lục tỉnh, nhất là trong những dịp lễ lạc hội hè, đặt cột mốc đầu tiên cho sự ra đời của nghệ thuật vọng cổ, giống như bài thơ Tình già của cụ Phan Khôi mờ đầu phong trào Thơ mới.
Bản Dạ cổ hoài lang lúc ấy nhịp 4, được nhiều người ca, nhưng nổi tiếng ca hay nhất là nghệ sĩ Năm Nghĩa, tên thật là Lư Hoà Nghĩa, cũng người Bạc Liêu, ông có giọng hát cao, thanh tao, làn hơi đặc biệt. Tuy nhiên, vì nhịp 4 quá ngắn nên bản Dạ cổ hoài lang làm cho làn hơi thiên phú của Năm Nghĩa bị chặn lại, không thể hiện hết tài năng và sự truyền cảm của mình. 
Sau một thời gian trăn trở, mày mò sáng tác, vào một đêm nọ nghệ sĩ Năm Nghĩa đã hoàn thành một bản 20 câu dựa theo Dạ cổ hoài lang, đó là Vì tiền lỗi đạo mà sau này hay được gọi là Văng vẳng tiếng chuông chùa dựa theo câu mở đầu của bài hát: “Văng vẳng tiếng chuông chùa xa đưa/ Giọng công phu của đoàn sư vãi/ Ba tiếng chuông ngân/ Giọng chuông thức tỉnh dường như khêu gợi/ Nỗi bi tình trên cõi tạm trần ai...”.
Tôn trọng người đi trước, nghệ sĩ Năm Nghĩa đã mang bản nhạc Vì tiền lỗi đạo của mình đến diện kiến và hát cho nghệ sĩ Sáu Lầu nghe. Năm Nghĩa đề nghị bậc thầy thêm chữ “đờn” vào mỗi câu trong bản Dạ cổ hoài lang, tức là kéo dài mỗi câu ra gấp đôi bằng những tiếng “hơ hơ hơ” cho dễ hát. Thấy đàn em Năm Nghĩa nói có lý, Sáu Lầu bèn cho người mời thêm hai thầy đờn giỏi khác của Bạc Liêu là nhạc sĩ Ba Chột và nhạc sĩ Mười Khói đến bàn bạc. 
Cả ba ông đã nhất trí đưa bản Dạ cổ hoài lang tăng lên nhịp 8, tức gấp đôi nhịp 4 trước đây, cho phù hợp với giọng ca và bản nhạc của Năm Nghĩa mới sáng tác. Thời điểm đáng nhớ ấy là năm 1934. Chỉ gần một năm sau, nhờ tài năng giọng ca của Năm Nghĩa, bản Dạ cổ hoài lang nhịp 8, tức Vì tiền lỗi đạo, đã phổ biến lên tận Sài Gòn và khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Hãng đĩa Asia ở Sài Gòn đã tiến hành thu đĩa làm cho giọng hát Năm Nghĩa và bản nhạc càng có sức lan toả. Kề từ ấy, cái tên “Dạ cổ” cũng được người Sài Gòn và Nam Bộ nói trại thành “Vọng cổ” cho tới ngày nay.

Như vậy, cảm hứng từ cái khuôn Dạ cổ hoài Lang của nghệ sĩ Cao Văn Lầu, nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa bằng tài năng của mình đã tiên phong mở ra một hướng đi mới đúng đắn cho bản vọng cổ. Chính bài Vì tiền lỗi đạo hay Văng vẳng tiếng chuông chùa của Năm Nghĩa cũng đã mở đầu cho kỉ nguyên vọng cổ, để dần dần chiếm lĩnh vị trí hết sức quan trọng trong nền cổ nhạc Nam Bộ, làm nền tảng cho sự hình thành, phát triển ca kịch cải lương.

Cần vinh danh nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa

Khi trò chuyện với tôi, NSND Viễn Châu cũng khẳng định rằng, nếu như nghệ sĩ Sáu Lầu là người khai mở với bản Dạ cổ hoài lang thì nghệ sĩ Năm Nghĩa là người đầu tiên có công phổ biến rộng rãi bản vọng cổ với Vì tiền lỗi đạo, còn nghệ sĩ Út Trà Ôn là người đưa bản vọng cổ lên đỉnh cao với bản Tôn Tẩn giả điên do vị Yết Ma Hoà thượng sáng tác riêng cho ông hát, với nhịp 16, tức tiếp tục tăng gấp đôi so với nhịp 8 bản của Năm Nghĩa. 
Sinh thời NSND Út Trà Ôn cũng ca ngợi công lao ấy của nghệ sĩ Năm Nghĩa. Tất nhiên, không thể quên Viễn Châu, “ông vua” soạn lời vọng cổ đã có công phát triển bản vọng cổ, sáng tạo ra tân cổ giao duyên.
Không chỉ có giọng ca thiên phú, khả năng sáng tác nhạc và soạn tuồng, Lư Hoà Nghĩa còn là người giỏi tổ chức biểu diễn và phát hiện tài năng nghệ thuật. Vào năm 1948, ông đã kết hôn với bà Nguyễn Thị Thơ, tức Bầu Thơ nổi danh sau này. 
Vốn người ở Tây Ninh, bà Bầu Thơ trước đó đã có một đời chồng, giàu có và rất say mê vọng cổ, cải lương. Thanh Nga là con riêng của bà. Khi Năm Nghĩa về sống với bà thì Thanh Nga mới 6 tuổi, được ông yêu thương dạy dỗ như con ruột. 
Mối tình của người đẹp Tây Ninh với Năm Nghĩa rất tâm đầu ý hợp, trong vòng 10 năm đã sinh hạ 5 người con là Bảo Quốc, Chí Bình, Ánh Đào, Ánh Mai, Chí Tiên. Đồng thời họ cùng sánh vai nhau gánh hát Thanh Minh năm 1949 ở Sài Gòn, quy tụ nhiều nghệ sĩ tài năng của Nam Bộ bấy giờ. Nhìn thấy hai đứa con nhỏ là Thanh Nga và Bảo Quốc có năng khiếu ca hát, diễn xuất, Năm Nghĩa chú tâm dạy dỗ, hướng dẫn và còn nhờ nghệ sĩ Út Trong kèm cặp dạy thêm. Bệ phóng quan trọng đó đã giúp Thanh Nga và Bảo Quốc từng bước trưởng thành.

Vào năm 1952, khi Thanh Nga mới 10 tuổi, được Năm Nghĩa đưa lên sân khấu ca bản vọng cổ Văng vẳng tiếng chuông chùa trước khi mở màn hát chính thức mỗi đêm của đoàn Thanh Minh. Sang năm 12 tuổi, Thanh Nga đã được Năm Nghĩa cho vào vai diễn đầu tiên là cô bé Nghi Xuân trong vở tuồng Phạm Công - Cúc Hoa. Đến năm 16 tuổi, Thanh Nga đã trở thành một ngôi sao sáng sân khấu cải lương qua vai diễn xuất sắc Sơn nữ Phà Ca trong vở Người vợ không bao giờ cưới của thi sĩ - soạn giả Kiên Giang - Hà Huy Hà và Qui Sắc, giúp cô đoạt Huy chương vàng giải thưởng Thanh Tâm danh giá cho diễn viên triển vọng xuất sắc nhất trong năm 1958. Từ ấy, tên tuổi Thanh Nga thực sự bắt đầu đi vào lòng người hâm mộ. Đoàn hát Thanh Minh cũng đổi tên thành Thanh Minh - Thanh Nga.

Nếu như Thanh Nga có giọng ca và phong cách diễn xuất đặc biệt, thì Năm Nghĩa phát hiện ờ người con trai Bảo Quốc năng khiếu gây cười còn những vai kép con thì không khá. Vì vậy, Bảo Quốc được cha hướng dẫn, sắp vào những vai hề chọc cười, trau dồi bản lĩnh nghệ thuật qua từng vai diễn, để trở thành danh hài hàng đầu Việt Nam sau này. Thời hưng thịnh của bà Bầu Thơ, có lúc đoàn Thanh Minh tách thành hai đoàn, bên cạnh Thanh Minh - Thanh Nga là Thanh Minh - Bảo Quốc để thay nhau đi biểu diễn khắp nơi.

Trong 10 năm thành lập và phát triển đoàn Thanh Minh, nghệ sĩ Lưu Hoà Nghĩa vừa quản lý, đạo diễn, đóng tuồng và còn vừa soạn nhiều vở tuồng để đời như: Tiếng trống hoà bình (1954), Chén cơm đô thành (1953), Thầy cai Tổng Bồi (1954), Anh hùng trên chiến mã (1956)... Năm 1959, Năm Nghĩa đột ngột qua đời để lại cho người vợ giỏi giang là bà Bầu Thơ một gia sản nghệ thuật lớn, và điều đáng quý là bà và các con đã biết cách tiếp tục phát huy những giá trị mà ngượi chồng, người cha để lại.

Tôi nghĩ không ai bị lãng quên trên cõi đời này, nhất là những người có tâm có tài đã đóng góp cho sự phát triển của nền văn hoá truyền thống dân tộc như bậc tiền bối Năm Nghĩa. Cùng với nghệ sĩ Cao Văn Lầu và nhiều bậc tài tử sinh trưởng ở xứ Bạc Liêu, nghệ sĩ Lư Hoà Nghĩa xứng đáng được nhớ đến và tôn vinh vì công lao của ông đối với nghệ thuật đờn ca tài tử, vọng cổ, cải lương Nam Bộ. Và thật là sự trùng hợp thú vị, khi năm qua các người đẹp dự thi Hoa hậu Việt Nam về Bạc Liêu cũng đúng vào dịp kỉ niệm 80 năm bản Văng vẳng tiếng chuông chùa nổi tiếng của nghệ sĩ Lư Hoà Nghĩa chào đời, mở đầu cho sự phát triển sâu rộng của vọng cổ ở vùng đất mới phương Nam.

Từ những đóng góp lớn lao của nghệ sĩ Lư Hoà Nghĩa đối với nghệ thuật Nam Bộ, tôi nghĩ tên ông cũng xứng đáng lưu danh cho một con đường ở TP.HCM hoặc Bạc Liêu quê hương như bao nghệ sĩ tài danh khác, trong đó có con ông là nữ hoàng sân khấu Thanh Nga.

Theo Phan Hoàng (Pháp luật & Cuộc sống)

Một Thế Giới