Vietnam Airlines quảng bá long bào cổ VN “đạo ý tưởng Nhật” ra thế giới
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 21:16, 26/01/2015
Vài ngày qua, rất nhiều nhà hoạt động nghệ thuật đã lên tiếng phản ứng mạnh về việc tạp chí Heritage đăng tải bộ sưu tập (BST) Sắc màu Malacca trên tạp chí Heritage Fashion lấy tiếng là cảm hứng từ long bào cổ VN nhưng thực chất là đạo ý tưởng từ nét văn hóa xuất xứ từ Nhật Bản. Sự cố này không hề nhỏ bởi Heritage là một tạp chí chuyên quảng bá hình ảnh văn hóa Việt Nam ra nước ngoài trên các chuyến bay của Vietnam Airlines.
Đây là mẫu thiết kế được đánh giá là tinh tế, cầu kỳ và làm nổi bật lên được những đường nét của chiếc áo dài Việt danh tiếng. Sự việc cũng không có gì đáng nói, nếu như họa tiết nổi bật trên chiếc áo dài lại được nhiều người nhận ra được lấy từ những họa tiết cổ Nhật Bản, nhưng ở dòng thông tin chú thích cho BST đó, nội dung được ghi là “lấy cảm hứng từ long bào cổ Việt Nam”.
Nội dung bài viết được dịch qua 2 thứ tiếng Việt Nam và Nhật. Không hiểu người nước ngoài sẽ nghĩ gì về bộ sưu tập này. Đấy là chưa kể tạp chí Heritage còn có ấn phẩm tiếng Nhật chuyên phục vụ các chuyến bay đến Nhật. Người Nhật đọc được hẳn sẽ có điều suy nghĩ thú vị!
Việc "long bào cổ VN mang sắc màu Nhật Bản" đặt ra dấu khỏi khắt khe về vấn đề kiểm duyệt nội dung thông tin miêu tả về BST của các nhà thiết kế (NTK) hiện nay. Chỉ với dòng thông tin không chính xác, BST của 2 NTK Thế Huy và Hải Long bất ngờ rơi vào nghi án vay mượn ý tưởng một cách không chính thức. Nhất là khi bộ hình này lại nằm trong số mới nhất của tạp chí Heritage, với vị trí quảng bá và giới thiệu giá trị văn hoá truyền thống với bạn bè quốc tế.
Điêu khắc gia Đinh Công Đạt
Điêu khắc gia Đinh Công Đạt khá gay gắt về vấn đề này, khi anh cho rằng, thông tin không chính xác đã làm ảnh hưởng đến cách thức giới thiệu văn hoá VN ra thế giới mà chúng ta đang kiên trì làm từng chút một trong nhiều năm nay: “Bức Stunami của Hokusai nổi tiếng đến mức nó trở thành icon (biểu tượng - PV) khi ai đó muốn thể hiện sự dữ dội của biển, nó giống như là đại sứ về văn hóa Nhật, ở đây không thể bào chữa, không thể bao biện rằng đã có sự nhầm lẫn. Cuốn Heritage cũng như một cửa sổ nhỏ cho khách bốn phương trước khi đặt chân vào Việt Nam, có thể tìm hiểu phần nào con người, văn hóa Việt.
Hành động không cẩn trọng của người làm biên tập dễ trở thành một thông báo cho khách bốn phương hiểu rằng một dân tộc vốn có thói quen cóp nhặt, vay mượn văn hóa một cách có truyền thống. Việc này chắc chắn đã là không mới, không phải cá biệt với riêng tờ tạp chí này, nên tôi mong nó sẽ được cải thiện tốt hơn trong tương lai.”
Là người có chuyên môn lâu năm trong nghề, vị giám khảo quyền lực của chương trình Vietnam Next Top Model 2014, nhiếp ảnh gia Samuel Hoàng nhận định: “Việc chiếc váy lấy âm hưởng từ long bào này, tôi không phải là một chuyên gia về sử học nên không thể nhận định về vấn đề này, về những hình ảnh đưa ra mà tôi đã được xem trên tạp chí Heritage, thì đúng nó lấy họa tiết hoa văn từ Nhật Bản, tuy nhiên liệu Nhật Bản có từng lấy của Trung Quốc, hay của Việt Nam hay không thì nghiêm túc mình cần nhờ những chuyên gia về văn hoá, lịch sử thẩm định. Về chuyên môn trong nghề, tôi không thấy những trang phục đó mang tinh thần hay âm hưởng của văn hoá màu sắc việt.
Còn về vấn đề kiểm duyệt, tôi nghĩ thực ra nó là sự nhạy bén của các cơ quan truyền thông, tạp chí. Nếu như người đứng đầu tạp chí là người có thẩm mĩ và hiểu biết về thời trang, họ sẽ từ chối đăng những bộ sưu tập mà theo như đánh giá, có sự vay mượn sao chép về ý tưởng".
Đối với NTK Cao Minh Tiến, anh cho rằng cần sự nhạy cảm hơn: “Tất cả các mẫu áo dài hiện đại đều được sáng tạo và cách điệu, nên mình không đánh giá hay phán xét hoàn toàn được là nó có giống một hoạ tiết nào hay không, vì nếu giống thì còn gì là sáng tạo. Nhưng nếu được nhận xét, thì tôi gọi là cảm hứng từ trang phục cung đình thì chuẩn hơn. Những người biên tập và kiểm duyệt nên tránh nhạy cảm với từ ngữ nếu có kiến thức trong vấn đề này”.
Trả lời phóng viên về việc "long bào cổ VN mang sắc màu Nhật Bản", ông Dương Trí Thành, Tổng biên tập tạp chí Heritage cho rằng, hiện ông cũng đã nhận được thông tin về vụ việc gây tranh cãi này, và đối với mỗi tờ tạp chí, những người biên tập viên phải chịu trách nhiệm với những thông tin và hình ảnh sẽ xuất hiện".
Ở tạp chí Heritage, những người điều hành tạp chí đều là cán bộ của Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Ông Dương Trí Thành ngoài chức danh tổng biên tập hiện đang là Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, chủ tịch HĐQT Jetstar Pacific Airlines và kiêm nhiệm hàng loạt chức danh khác ở Vietnam Airlines. Điều đáng nói là khi được bổ nhiệm vị trí tổng biên tập tạp chí Heritage, ông Thành chưa hề làm báo. Trong khi đó, phó tổng biên tập giúp việc cho ông Thành lại được ông giới thiệu về từ một công ty bán vé máy bay của Vietnam Airlines.
Hiện tạp chí Heritage đang phát hành 2 ấn phẩm: Heritage hàng tháng và Heritage Fashion 2 tháng 1 kỳ. Theo đó, chỉ có bìa của tạp chí Heritage Fashion là đăng ảnh người, còn bìa tạp chí Heritage chỉ đăng ảnh di sản - theo định hướng của tổng biên tập.
Đình Phong