Cố nghệ sĩ Thanh Nga trước năm 1975 qua hồi ức của đạo diễn Lê Dân

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 09:08, 17/01/2015

Trong căn hộ nhỏ tại Q.2, đạo diễn - NSƯT Lê Dân (85 tuổi) cho biết: vào trung tuần tháng 3.2015, ông sẽ trình làng tập sách dày 670 trang có tựa Những người đẹp tôi quen, tập hợp các câu chuyện lý thú và cảm động giữa ông với những nữ nghệ sĩ nổi tiếng thược lĩnh vực giải trí trước và sau năm 1975. 
Cô gái giang hồ trong Loan mắt nhung
Năm 1969, Hãng Cosunam Films mời tôi làm đạo diễn phim Loan mắt nhung, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Thụy Long, kể về cuộc đời của Loan (Huỳnh Thanh Trà) - một thanh niên hiền lành bị xã hội xô đẩy trở thành trùm du đãng. Khi còn là người lương thiện, Loan đã có mối tình rất đẹp với Xuân (Thanh Nga), tới lúc bước chân vào giới giang hồ, Loan gặp Dung "bụi đời" (Kim Xuân). 
Lúc này dưới trướng Loan là những tay đàn em "máu lạnh" như Tài Woòng (Nguyên Hạnh), Hải "cụt" (Tâm Phan), Thanh Itelie (Ngọc Phu), cùng bọn chúng Loan đã thực hiện nhiều phi vụ buôn lậu, cướp giật. Rồi một ngày nọ, Loan hội ngộ Xuân trong tình cảnh trớ trêu khi Xuân bị bọn ma cô "bề hội đồng" đến chết do kiệt sức. Quá xót xa và đau khổ, Loan nổi loạn cùng đàn em ra tay trừ khử bọn ác đã hãm hại Xuân rồi sau đó tự nộp mình cho cảnh sát. Khi đó, Loan mới thấy ân hận rằng mình đã đánh mất cả tuổi trẻ trong sáng. 
Dư luận và báo giới khen ngợi phim này, sau tuần lễ đầu "cháy vé", Loan mắt nhung phải chiếu tiếp tuần thứ hai tại một số rạp lớn. Bên cạnh ngôi sao Thanh Nga, nam diễn viên Huỳnh Thanh Trà chỉ là một gương mặt mới toanh - một nghệ sĩ dân khấu - nhưng sau phim này, anh nhanh chóng nổi lên như một hiện tượng của làng điện ảnh Sài Gòn với thù lao cao ngất ngưởng.
Huỳnh Thanh Trà được tôi chọn vào vai chính nhờ vóc dáng thích hợp, nhất là đôi mắt sắc sảo, dễ gây ấn tượng. Bộ phim đã bị chính quyền Sài Gòn kiểm duyệt rất gắt gao, nhưng sau đó lại nhận được giải thưởng Văn học Nghệ thuật 1970 "Phim truyện hay nhất" theo tôi có lẽ nhờ tính nhân văn của nó.
nghe si Thanh Nga truoc nam 1975
 
Vai nữ chính là Thanh Nga một nghệ sĩ cải lương tài sắc vẹn toàn, chính nhà sản xuất phim Gilberte Lợi đã giới thiệu với tôi cô em gái của mình, hai người là chị em con một cha - ông hội đồng Nguyễn Văn Lợi - cùng quê Tây Ninh với tôi. 
Thanh Nga tên thật là Juliette Nguyễn Thị Nga, mẹ cô là Nguyễn Thị Thơ tức bà bầu Thơ - trưởng đoàn cải lương Thanh Minh. Khi hội ngộ nhau lần đầu tại trụ sở Hãng Cosunam Films, tôi khen xã giao nhưng thật tình: "Thanh Nga có nét đẹp trong sáng, chân thật, không màu mè, dễ tạo cảm tình với khán giả: Thanh Nga hồn nhiên đáp lại: "Xin cám ơn lời nhận xét của anh". Bà Gilberte Lợi cười vui: "Vậy là hai người bằng lòng hợp tác với nhau rồi phải không?", tôi nói: "Chưa vội đâu, Thanh Nga cầm cuốn kịch bản phim này về đọc kỹ rồi cho tôi biết có thích đóng vai Xuân trong phim không, sau đó chúng ta sẽ quyết định!".
Thanh Nga về trước còn lại hai người, tôi hỏi Gilberte về đời sống tình cảm của Thanh Nga. Nhìn thẳng vào mặt tôi như dò xét Gilberte hỏi lại tôi: "Tại sao anh lại hỏi về Thanh Nga? Hỏi về tôi, có phải tôi dễ trả lời hơn không?", tôi mỉm cười, nửa đùa nửa thật: "Về Gilberte, để tôi tìm hiểu lấy, thú vị hơn... Còn về Thanh Nga, tôi muốn biết rõ hơn tính cách cô ấy là vì sự thành công của bộ phim chúng ta!". 
Gilberte vui vẻ gật đầu: "Vậy thì được!". Qua lời kể của người chị Gilberte, tôi được biết thêm về cô em diễn viên sắp vào vai chính bộ phim hành động - tâm lý xã hội Loan mắt nhung
Thanh Nga sinh ngày 31.7.1942, mới 28 tuổi đời mà đã trải qua nhiều sóng gió trong tình yêu. Năm 1958, khi Thanh Nga nhận được huy chương vàng giải Thanh Tâm (vai sơn nữ Phà Ca trong vở cải lương Người vợ không bao giờ cưới), đúng lúc ấy, mối tình đầu đến với người nghệ sĩ trẻ. 
Có một chàng trai mỗi ngày đều âm thầm đến trụ sở cải lương Thanh Minh ở rạp hát Quốc Thanh gửi tặng một đóa hoa hồng đỏ thắm cho người mình ái mộ. Thân mẫu Thanh Nga là bà bầu Thơ cho người theo dõi và biết được chàng trai ấy là Nguyễn Văn Tài, "cách mạng nằm vùng" đang hoạt động bí mật trong nội đô Sài Gòn. Bà bầu Thơ thấy Thanh Nga có cảm tình với Tài nên đã tạo mọi điều kiện cho hai trẻ gặp nhau thường xuyên. Đùng một cái, mấy tháng sau, Tài bị mật vụ bắt giam rồi tra khảo đến chết. 
Những cuộc tình dang dở
Nỗi đau của Thanh Nga nhiều năm sau nguôi dần, trong lúc ấy nhiều công tử và đại gia có quyền thế tìm cách tiếp cận cô nghệ sĩ trẻ có vẻ đẹp đài các ở ngoài đời cũng như trên sân khấu. 
Những văn nghệ sĩ nổi tiếng lúc ấy cũng quan tâm đặc biệt đến Thanh Nga và họ không ngại thú nhận điều đó như nhạc sĩ Huỳnh Anh, soạn giả Hà Triều, nhà văn Ngọc Linh... và cô đào trẻ đẹp đoàn Thanh Minh khó tránh khỏi những giây phút xao lòng. 
Với sự chấp thuận của bà bầu Thơ, Thanh Nga đã sống công khai một thời gian như vợ chồng với Thành Được - kép mùi của đoàn hát. "Tốt mã rã đám", chẳng bao lâu sau, mối tình duyên này tan rã bởi tính Thành Được hay bốc đồng, luôn đi tập tuồng trễ trong khi Thanh Nga rất nghiêm túc trong nghề nghiệp, nhiều khi cô giận đến phát khóc. 
Lúc bấy giờ, nhiều tướng tá Sài Gòn luôn vây quanh Thanh Nga, nhưng rồi kẻ trước người sau lần lượt rút lui, chỉ còn một người quyết theo bám đến cùng đó là đại úy Mẫn - phụ trách an ninh kho quân nhu Long Bình (Đồng Nai). 
Khi Thanh Nga tuyên bố làm đám cưới với đại úy Mẫn, ai nấy đều sững sờ cứ tưởng cô đào hát chỉ nói lẫy trong lúc giận Thành Được. Đám cưới của Thanh Nga và đại úy Mẫn được tổ chức tại nhà hàng Đại La Thiên trong Chợ Lớn vào cuối tháng 11.1967. 
Sau Tết Mậu Thân 1968, bất ngờ đại úy Mẫn bị quân cảnh bắt quả tang lấy đồ trong kho Long Bình tuồn ra bán bên ngoài, bị giam vào quân lao. Do không có sự ràng buộc về tờ hôn thú, không phải vì tình yêu mà thành vợ chồng do đó cuộc hôn nhân ngắn ngủi này chấm dứt. 
Hai năm sau, Thanh Nga bắt đầu một cuộc tình mới với luật sư Phạm Duy Lân, lần này hạnh phúc hay không là điều rất quan trọng với Thanh Nga. Riêng với tôi, qua những trải nghiệm đau khổ trong tình trường, tôi vó nhiềm tin rằng Thanh Nga sẽ lấy được nước mắt của khán giả qua vai Xuân - cô gái giang hồ - người yêu của trùm du đãng Loan mắt nhung và niềm tin ấy đã được đền đáp khi bộ phim thành công ngoài sự mong đợi. 
Thanh Nga với Tình Lan và Điệp 
Câu chuyện xuất hiện từ năm 1933 qua tiểu thuyết Tắt lửa lòng của nhà văn Nguyễn Công Hoan, kể lại mối tình lãng mạn nhưng trắc trở của cô gái tên Lan và người yêu là Điệp. Năm 1936, soạn giả Trần Hữu Trang đã chuyển thể thành kịch bản cải lương Lan và Điệp. Đến năm 1948, Hãng đĩa Aisa cho thu âm vở cải lương này với tựa Hoa rơi cửa Phật. Cho đến nay, kịch bản cải lương Chuyện tình Lan và Điệp của Loan Thảo và Thế Châu được thu và thành trở thành bản ghi âm chuẩn mực nhất. Đến 1970, ban nhạc kịch Kim Cương trình diễn vở Lan và Điệp thu hút khán giả trên truyền hình. 
Năm 1972, ông Diệp Nam Thắng (tức bầu Xuân) đã mời tôi đạo diễn bộ phim đầu tiên của Dạ Lý Hương vào phim Tình Lan và Điệp, tôi nhận lời nhưng yêu cầu ông ấy cho tôi thoát khỏi hình thức cải lương tạo ra một tác phẩm bằng ngôn ngữ điện ảnh. Bầu Xuân chấp thuận phim dài 1 giờ 30 phút, quy tụ các nghệ sĩ gạo cội của sân khấu cải lương lúc bấy giờ: Thanh Nga (Lan), Thanh Tú (Điệp), Bạch Tuyết (Thúy Liễu), Ba Vân (ông phủ), Ngọc Giàu (bà phủ), Năm Châu (ông giáo), Kim Cúc (bà giáo), Út Bạch Lan, Dụng Thanh Lâm, Tùng Lâm... 
Tôi không quên Thanh Nga đã lấy nước mắt của nhiều khán giả trong câu chuyện tình éo le trắc trở của Lan, hơn nữa tôi cố ý gặp lại Thanh Nga nhằm giúp cho cô ấy rõ thêm từ sân khấu qua điện ảnh phải diễn xuất khác nhau như thế nào. (còn nữa...)
Đạo diễn - NSƯT Lê Dân/ Theo Công an TP.HCM

Một Thế Giới