Hoa hậu: Scandal, sắc đẹp, ái tình, mua bán...
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 20:19, 02/01/2015
Đang có thông tin hồ nghi về việc mua vương miện tại một cuộc thi Hoa hậu người Việt ở nước ngoài với giá 30.000 USD. Đó là cuộc thi mà nữ hoàng nội y Ngọc Trinh từng đăng quang, kế vị là cô nàng hot girl Julia Hồ.
Người tổ chức những cuộc thi nhan sắc này, từng bị tố cáo ngã giá hơn 85.000 USD để đảm bảo cho một quý bà đoạt ngôi Hoa hậu người có tuổi. Tất nhiên, vẫn thi ở nước ngoài.
Một kiểu tạo dáng khó coi của Julia Hồ. |
Khi người ta không tìm thấy cơ hội thi thố nhan sắc trong nước, người ta sẽ tìm kiếm một danh hiệu ở nước ngoài.
Làm sao lại vậy(?!).
Cô gái trẻ măng có cái tên trùng tên với người dẫn chương trình nổi danh Nguyễn Cao Kỳ Duyên vừa đăng quang hoa hậu Việt Nam 2014. Ngay khi đăng quang, Kỳ Duyên đã vấp phải sự phản đối của cư dân mạng vì nhan sắc của Kỳ Duyên chưa chắc đã đẹp nhất trong cuộc thi hoa hậu năm nay.
Ban giám khảo lẫn Ban tổ chức vội vã lên tiếng, “Yên tâm, Kỳ Duyên còn đẹp nữa”. Nói vậy mà cũng nói, nếu Kỳ Duyên còn đẹp nữa – tức là nhan sắc của cô ở thời điểm này chưa phát lộ ra hết, thì phải trao giải cho cô ở một cuộc thi triển vọng chứ.
Họ lại bảo, “Thấy hoa hậu Việt Nam 2012 Ngọc Hân không? Ngày xưa cũng đâu có đẹp lắm, bây giờ đẹp long lanh luôn”. Nói buồn cười vô cùng, ngày xưa không đẹp lắm thì trao giải cho Ngọc Hân làm gì(?!). Không nhẽ hoa hậu Việt Nam đã biến thành một cuộc thi nhan sắc tuổi teen, cứ trao cho thí sinh có triển vọng nhan sắc nhất. Mà thật, triển vọng nhan sắc hiện tại thì chẳng biết thế nào mà lần. Giống như khi người ta đọc được cái biển báo trước cửa một thẩm mỹ viện tại Hàn Quốc: “Đừng gọi phụ nữ ở đây là em, biết đâu đấy chính là… bà ngoại bạn”.
Tân Hoa hậu Việt Nam 2014- Nguyễn Cao Kỳ Duyên. |
Lại đã xong đâu, cái cô Á hậu gì gì đấy lộ nghi án ảnh khiêu dâm. Ban tổ chức vội vã triệu tập để hỏi xem: “Có phải ảnh khiêu dâm ấy là của em không?”. Ôi, trời!?
Cô Á hậu ấy là ai(?). Cô Á hậu ấy là người mẫu của một công ty người mẫu. Công ty người mẫu này lại là của một tay trùm người mẫu. Tay trùm người mẫu này tạo được dấu ấn khi “bơm một cô bé nhà quê lên thành biểu tượng sexy”. Vẫn tay trùm người mẫu ấy, suốt ngày dẫn đám chân dài của mình sang nước ngoài biểu diễn. Tôi chưa từng nghe những người mẫu này sang nước ngoài biểu diễn ra sao, tôi chỉ nghe họ sang nước ngoài để chiều khách thế nào.
Vậy nhưng, đâu có sao. Cô người mẫu vẫn có thể biến thành một thí sinh lọt vào vòng chung kết của cuộc thi hoa hậu Việt Nam. Và đoạt giải thưởng chỉ kém hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên một chút.
Vẫn biết, hiện tại các cuộc thi nhan sắc ở nước ta đã cạn nguồn người đẹp. Năm xưa, Đệ nhất hoa hậu Quý bà Thế giới Đoàn Thị Kim Hồng từng nói: “Người đẹp khó kiếm lắm, như cuộc thi hoa hậu các Dân tộc Việt Nam, Ban tổ chức phải cho người vào tận thôn bản để tìm các mỹ nhân dân tộc”. Suýt nữa tôi đã hỏi: “Khổ vậy thì cố làm chi cho nhọc công?”. Hoa hậu Dân tộc cũng nhiều loại, xưa có cô Trương Thị May, bố người Việt, mẹ người Việt mà kiên quyết một hai: “Tôi là người dân tộc Khmer”(!). Cuối cùng, cũng đoạt được một giải thưởng khá cao ở hoa hậu các Dân tộc Việt Nam. Bây giờ thì cô May đã trở thành: “Người ăn chay quyến rũ nhất châu Á”. Chán, cái gì cũng phải hơn thiên hạ mới chịu.
Hoa hậu Việt Nam 2008 - Trần Thị Thùy Dung. |
Trở lại chuyện thi thố nhan sắc đã cạn người đẹp. Đừng nghĩ là cứ tổ chức cuộc thi hoa hậu thì thí sinh sẽ ùn ùn kéo đến. Nếu dễ vậy thì đâu cần các nhà tuyển chọn thí sinh chuyên nghiệp.
Có những thí sinh chỉ chuyên đi thi nhan sắc, nghĩa là Ban tổ chức thông qua mối quan hệ của mình, mời một vài người mẫu hay thí sinh đã thi nhan sắc nhiều năm liên tiếp và trở thành thí sinh dự thi nhan sắc chuyên nghiệp tham gia vào cuộc thi. Tất nhiên, những thí sinh chuyên nghiệp này không có giải. Nhưng, họ sẽ đảm nhận vai trò đầu tàu để kéo các thí sinh non tơ mới tham gia thi nhan sắc lần đầu còn đỡ bỡ ngỡ.
Mà có thí sinh nào thi hoa hậu lại non tơ không(?!). Điều này không chắc lắm, vì tôi chưa từng thấy tiểu thư con nhà khuê môn đi thi hoa hậu bao giờ. Tay đại gia nửa mùa quyết định tổ chức cuộc thi Người đẹp hay Nữ hoàng gì đấy, ban đầu tuyên bố: “Anh làm cú này là sạch sẽ luôn. Tuyệt đối không tì vết hay mua bán giải gì luôn”. Cuộc thi diễn ra đến vòng bán kết, các thí sinh phải tập trung tại một địa điểm để cùng sinh hoạt thì chỉ còn mỗi ông trang điểm cho thí sinh là không bị tay đại gia nửa mùa và lũ bạn quấy rối hay tán tỉnh. Còn lại, đa phần những thí sinh có nhan sắc đều nhận được điện thoại: “Đi dạo phố khuya với anh, em rất có triển vọng đoạt giải”. Số ít thí sinh còn lại chủ động hơn: “Anh có thể dạo phố khuya với em không, em ở trong phòng cô đơn quá”.
Danh giá nhất trong các giải hoa hậu chắc chắn là hoa hậu Việt Nam. Thế nhưng từ khi hoa hậu Việt Nam Mai Phương Thúy sỗ sàng trên mức cần thiết với dư luận, còn hoa hậu Trần Thị Thùy Dung lại đội vương miện để thi lại phổ thông trung học thì người ta đã bắt đầu chan chán hoa hậu Việt Nam. Rồi như một vệt dài, ngay cả hoa hậu Việt Nam cứ kết thúc là lại nảy nòi… scandal. Có điều lần scandal lần này, là do Ban tổ chức cuộc thi chủ động tạo ra.
Đại khái là cuộc thi hoa hậu kết thúc xong hết rồi, ai làm hoa hậu thì đã làm hoa hậu rồi, ai làm á hậu thì đã nhận giải thưởng á hậu rồi, ai không có giải gì thì cũng đã về nhà trùm chăn ngủ kỹ rồi, nhà báo đến Phú Quốc tham dự vòng chung kết cuộc thi hoa hậu cũng đã viết bài báo với đề tài khác rồi, đám đông thì đang đau đớn vì đội tuyển bóng đá Việt Nam phơi áo trước đội tuyển Malaysia rồi… thì bất ngờ Ban tổ chức hoa hậu Việt Nam phát đi thông báo: “Chúng tôi quyết định trao thêm giải thưởng hậu hoa hậu”.
Lạ, mấy anh mấy chị trong Ban tổ chức tự mình biến cuộc thi do lớp người lãnh đạo trước dày công gầy nên thành một “sân khấu hội chợ” ngay. Chỉ có “sân khấu hội chợ” mới ngẫu hứng vậy, chứ thi cử nghiêm túc nào lại không phải minh định và chấm dứt ngay khi cuộc thi kết thúc. Cũng như bóng đá vậy, thắng là thắng, thua là thua, có tiêu cực thì hạ hồi phân giải. Chứ làm sao có chuyện: “A, tại do các cầu thủ bán độ nên chúng tôi quyết định tổ chức lại trận đấu”. Lại càng không có chuyện: “Quên mất, hôm trước chưa trao giải Cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu nên giờ trao lại”.
Hoa hậu Việt Nam 2012 – Đặng Thu Thảo. |
Ban tổ chức hoa hậu Việt Nam tự dưng làm cái việc vô cùng khó hiểu, lại càng khó hiểu hơn khi mà giải thưởng của thí sinh được bổ sung ấy không biết là giải gì, chỉ biết cô được đi miễn phí một năm trên các chuyến bay của một hãng hàng không. Hãng hàng không này là trùm trễ chuyến. Vậy đó, chỉ cần một ông đại gia xuất hiện thì cuộc chơi khác ngay.
Nhân đây chúng tôi nói thêm một chút về đại gia và danh hiệu nhan sắc. Cái tay Việt kiều hay tổ chức các cuộc thi nhan sắc ở nước ngoài nắm rất rõ về tâm lý này của các nữ đại gia. Phụ nữ mà, đụng đến nhan sắc hay chuyện “tui xấu hơn ai cũng được, chứ xấu hơn bà này thì tuyệt đối không được”. Nói về các nữ đại gia thôi, còn các em kiếm danh hiệu để nâng giá trị thì không bàn đến.
Có hai quý bà ngày xưa rất thân thiết, một quý bà tổ chức thi nhan sắc, quý bà còn lại đã đoạt giải trong một cuộc thi do quý bà kia tổ chức. Đương nhiên thì để đoạt giải, quý bà phải tài trợ cho cuộc thi rất nhiều tiền. Sau cuộc thi, quý bà đoạt giải đi đâu cũng có biểu hiện “Tôi là một người có đẳng cấp, vì tôi đã đoạt giải thưởng trong cuộc thi nhan sắc dành cho người đứng tuổi ấy”. Quý bà tổ chức cuộc thi nghe người ta khen quý bà đoạt giải mãi, cáu lên bèn bảo: “Cái gì chứ, đó chỉ là giải thưởng phụ thôi. Chứ cái bà ấy mà đòi giải thưởng chính, đừng có mơ”.
Tuyên bố xong, bằng cách nào đó, quý bà tổ chức cuộc thi lấy được chứng nhận “Bang chủ Bang Quý bà Thế giới”. Quý bà đoạt giải nhận được hung tin, đập bàn thét “Lần này thì không nhịn được nữa, có tốn bao nhiêu tiền cũng phải lấy bằng được một giải thưởng chính. Chứ không thể để cho bà ấy muốn nói gì thì nói, muốn giễu gì thì giễu”. Tiếc rằng, chưa kịp báo thù thì kinh tế suy thoái, quý bà đoạt giải đành gác cái hận lại về sau.
Tôi không biết phải dùng từ nào để diễn tả cảm xúc đó. Ai đi thi đều có ước mơ, vợ chồng tôi cũng mong chờ từng ngày đến đêm chung kết. Chúng tôi đồng hành với Kỳ Duyên từ những vòng đầu tiên, khách quan mà nói thì ngoài ngoại hình và khuôn mặt khả ái, Duyên còn có nền tảng kiến thức. Trong quá trình thi, Duyên rất thân thiện với tất cả bạn bè. Việc đăng quang hoa hậu như là nhân duyên của Kỳ Duyên. Khi Kỳ Duyên đăng quang tôi rất phấn khởi nhưng nhìn hình ảnh của con lúc đó, tôi biết con đang nghĩ gì. Khi ấy, tôi thấy thương con vô cùng.
Nữ hoàng nội y Ngọc Trinh từng đoạt giải Hoa hậu Quốc tế Việt Nam năm 2011. |
Trước đêm chung kết, tôi nói với Kỳ Duyên, con cứ vô tư, thoải mái, đừng áp lực gì. Duyên đi thi nhưng chỉ nghĩ vào được đến đâu hay đến đó, hoàn toàn không chuẩn bị tâm lý trở thành hoa hậu nên con bé rất áp lực khi đăng quang. Duyên biết trách nhiệm của hoa hậu sẽ rất nặng nề. Vì vậy, khoảnh khắc đó con bé rất bối rối, gương mặt không có cảm xúc gì”, bố của tân hoa hậu Việt Nam Nguyễn Cao Kỳ Duyên tâm sự.
Không ai rảnh đến mức tự dưng đi nói khơi khơi, cũng có ý kiến cho rằng Kỳ Duyên biết trước giải thưởng sẽ dành cho mình nên trên gương mặt của cô không có biểu cảm nào thể hiện sự bất ngờ?
Tình thật mà viết, thì khi cá nhân quá bất ngờ họ sẽ có những biểu hiện cứ như không còn bất ngờ nữa. Nên khi bố Kỳ Duyên bảo: “Duyên không chuẩn bị tâm lý làm hoa hậu”, nghĩa là ngay chính bản thân của thí sinh này và gia đình đều không tin con mình đủ khả năng cạnh tranh cùng những thí sinh khác, nhưng Ban giám khảo cuộc thi đã nghĩ khác. Với lại, nhiều lúc nói vậy mà không phải vậy. Về phần mình, tôi thì không tin rằng thí sinh không có kênh để biết mình sẽ có giải thưởng gì, danh hiệu gì trong cuộc thi nhan sắc mà thí sinh có tham gia.
Bố của Nguyễn Cao Kỳ Duyên còn nói: “Duyên biết trách nhiệm hoa hậu sẽ rất nặng nề”. Một ông bố thương con thì hay lo xa thôi, trách nhiệm hoa hậu không quá nặng nề như ông bố của cô đã nghĩ đâu. Nhưng, giữ được danh dự cho mình khi đã đeo vương miện mới là điều khó. Xưa nay, chỉ thấy hoa hậu gây nên scandal chứ có ai thấy trách nhiệm của hoa hậu như thế nào đâu.
Mấy cái công tác cộng đồng hay trách nhiệm bắt buộc theo hợp đồng đã ký gì đó của hoa hậu (thí sinh đoạt giải thưởng khác trong cuộc thi) ở nước mình vừa diễn, vừa hình thức đến mức phản cảm. Chỉ đì đùng về truyền thông là giỏi, còn lại thì nhàn nhạt. Không ai làm từ thiện hay thực hiện công tác cộng đồng với mấy dải ruy-băng trưng danh hiệu, vương miện đội trên đầu, còn khuôn mặt thì trang điểm còn đậm hơn cả nghệ sĩ hát bội.
Lại bảo: “Trách nhiệm rất nặng nề”, mà có ai lại muốn từ bỏ trách nhiệm bằng cách trả lại vương miện hoa hậu đâu. Từ trước đến nay, chỉ có mỗi cô Triệu Thị Hà trả lại vương miện Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam mà cho đến giờ cũng không biết Ban Tổ chức đã chịu nhận lại hay chưa(?!).
(Theo CAND)