Mẹ bán rau dành tiền cho con đi giật giải người đẹp thế giới
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 09:14, 01/09/2015
Đoan là con thứ hai trong gia đình 3 chị em gái gốc Hà Nội. Chị cả đã lấy chồng, em út đang học lớp 9. Bố mẹ đều là công nhân, nghỉ việc về trồng trọt, buôn bán rau, củ. Bà Nguyễn Thị Thuyên (52 tuổi, mẹ Đoan) tâm sự: "Khi mang bầu bé Đoan được 3,5 tháng, tôi bị sốt cao, không đi lại được phải nằm viện 25 ngày. Các bác sĩ khuyên nên bỏ thai vì sinh con ra khả năng dị tật rất lớn. Vợ chồng tôi lúc đó rất buồn, bàn với nhau "bỏ" nhưng suy đi nghĩ lại thì thấy thương nên quyết giữ cho bằng được, nếu con bị dị tật mình cũng chấp nhận. Khi sinh Đoan ra thấy tay chân lành lặn, lại xinh xắn, ăn uống bình thường, cả nhà mừng lắm".
Thi đâu đoạt giải đó
Ông Lê Văn Công (57 tuổi) tiếp lời vợ: "Đến lúc Đoan được 4 tháng tuổi, gia đình nhận thấy con không phản ứng được với âm thanh, dù gọi rất to. Đưa đến bệnh viện, bác sĩ chưa khẳng định chắc chắn điều gì, chúng tôi vẫn hi vọng con bình thường. Khi Đoan hơn một tuổi bị bỏng cháo, gia đình đưa đến viện rồi tiện khám tổng quát, lúc đó bác sĩ mới khẳng định cháu bị câm, điếc. Cả nhà chỉ biết ôm nhau khóc. Thương con, đằng đẵng 14 năm trời vợ chồng tôi đưa con đi chữa trị khắp nơi nhưng vẫn không khỏi, đành chấp nhận".
Lớn lên, Đoan đi học tại trường cầm điếc gần nhà. Giáo viên nhận xét, cô bé tiếp thu rất tốt, tính tình ngoan hiền. Ngoài giờ học, Đoan còn giúp cha mẹ việc nhà và sớm thể hiện có đôi bàn tay khéo léo. Thấy con mới 7 tuổi đã thích cắt giấy và cắt rất khéo, người nhà nghĩ Đoan có năng khiếu may vá nên cho học may. Cô bé học ngôn ngữ ký hiệu rất nhanh và may vá cũng giỏi. Học một thời gian ngắn, Đoan vào làm ở một xưởng may gần nhà. Hiện cô là thợ may vest, sơ mi lành nghề. Gia đình muốn nói chuyện với Đoan vẫn phải viết giấy. Chỉ có mình cô em út là hiểu và trao đổi được với chị bằng ngôn ngữ cử chi.
Năm 2013, Đoan dự thi vẻ đẹp vầng trăng khuyết, cuộc thi dành cho người khuyết tật Việt Nam và lọt tốp 10, đạt giải phụ Người có trang phục đẹp nhất. Tháng 4/2015, cô trở thành Á hậu tại cuộc thi "Hoa khôi điếc" Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội.
Bố Đoan tâm sự: "Để được đi thi quốc tế, phía Việt Nam mời tôi cùng hai phụ huynh có con là Hoa hậu, Á hậu trong cuộc thi "Hoa khôi điếc" năm 2015 họp để đăng ký cho con thi ở Praha, Cộng hòa Séc. Vì kinh phí và lo lắng cho con nên hai phụ huynh kia ra về, chỉ mình tôi đồng ý. Ban đầu gia đình tôi cũng không muốn Đoan tham dự. Trước đây vào năm 2010, 2012, con gái tôi cũng từng được mời đi thi nhưng tôi không cho. Năm nay tôi lại khuyên con ở nhà. Đoan khóc suốt, còn viết giấy: "Bố mẹ không cho con đi là con không hạnh phúc. Con muốn chứng minh cho mọi người hiểu được rằng, người khiếm thính cũng làm được những gì mà người bình thường làm được. Năm nay nếu Việt Nam không dự thi nữa thì những năm sau Việt Nam có muốn đi thi cũng không được". Vì thương con nên tôi đành đồng ý. Tiền vé máy bay, tiền visa đã tốn hơn 40 triệu. Vợ chồng tôi đều không có lương, muốn đi cùng lắm nhưng không có tiền nên đành để con đi một mình. Số tiền đó, phải chạy vạy khắp nơi, cộng với khoản mẹ cháu dành tiền bán rau nhiều tháng".
"Cấp tốc" học trang điểm một mình xuất ngoại
Qua sự "phiên dịch" của người em, Đoan chia sẻ: "Em được bố mẹ đồng ý cho đi thi thì vui mừng bắt tay chuẩn bị luôn. Một người bạn đã giới thiệu em với nhà thiết kế Lý Minh Tuấn. Anh Tuấn đã tài trợ trang phục áo dài, áo dạ hội, hướng dẫn em đi lại trên sân khấu. Còn có thầy Thế Anh (cũng là người câm điếc) dạy cho em một số câu giao tiếp tiếng Anh thông dụng để ra nước ngoài còn biết hỏi đường và đi máy bay. Em cũng may mắn khi được "cây kéo vàng" Thành Nguyễn hướng dẫn "cấp tốc" cách làm tóc, trang điểm".
Ngày 12/7, Thúy Đoan bay sang Séc, có bố và 5 người bạn thân đưa ra sân bay Nội Bài. Bố Đoan định nhờ khách Việt giúp đỡ con trên đường nhưng không có ai cùng sang Séc. Cô gái một mình xuất ngoại, tới nơi có người của BTC đón. Đoan tiếp tục: "Qua đó, em dự thi trang phục dạ hội, trang phục truyền thống và phần thi tài năng. Khi thi trang phục, em thấy họ trang điểm không hợp với mình nên khi chỉ còn 5 phút, em ra ngoài và tự trang điểm". Cô gái cũng hồn nhiên khoe: "Phần thi khiến em tâm huyết nhất là thi tài năng, em múa bài "Bèo dạt mây trôi". Bài này em tự lên mạng tập và nhờ em gái sửa một số động tác khó. Ban giám khảo đánh giá bài múa dân gian đẹp mắt, các động tác thuần thục, được điểm gần như tuyệt đối".
Cuộc thi diễn ra vào ngày 17/7/2015 có tất cả 70 thí sinh tham dự đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Lê Thị Thúy Đoan đạt Á hậu 2; Á hậu 1 đến từ Belarus; Hoa hậu đến từ Ukraine. Nhớ lại cảm giác được xướng tên, Đoan xúc động: "Em đã khóc và rất tự hào vì là người Việt Nam, là người câm điếc nhưng không vô dụng. Em biết người khuyết tật rất nhiều thiệt thòi nhưng vẫn có thể làm những điều người bình thường làm được. Từ cuộc thi, em học hỏi được nhiều điều, chia sẻ cho các bạn cùng hoàn cảnh cách tự chăm sóc bản thân"
Đẹp người, đẹp nết
Về nước với vương miện Á hậu, cuộc sống của cô gái trẻ có nhiều xáo trộn nhưng vẫn giữ nghề may. Anh Dương Thanh Hải (chủ nhà may Phương Hải, quận Long Biên, nơi Đoan làm) cho biết: "Đoan đi may từ năm 2008. Những trang phục nào khó nhất thì em đều làm được. Đoan là cô gái cẩn thận, từng đường kim, mũi chỉ rất đẹp khiến những sản phẩm thời trang do cô làm đều được khách hàng chọn lựa. Rất nhiều sản phẩm khó, kỳ công nhất, tôi đều giao cho em bằng sự tin tưởng tuyệt đối. Đoan rất yêu nghề, thời gian rảnh còn đem về nhà may thêm, thu nhập cũng tạm ổn. Em thiệt thòi không nói, không nghe được nhưng luôn vui vẻ, hòa đồng nên mọi người đều quý mến".
Đoan hiện là thành viên CLB Người khiếm thính Hà Nội, Phó chủ tịch CLB Người khiếm thính quận Long Biên. Hàng tuần, cô còn đi dạy cho trẻ em cùng cảnh ngộ của trường khuyết tật Hy Vọng và trường PTCS Xã Đàn 2. Ngoài ra, người đẹp đang tham gia Dự án can thiệp sớm đối với trẻ khiếm thính tận nhà của trẻ và chuẩn bị tham gia một lớp học thiết kế thời trang.
Cô Trần Thị Minh Thảo (Hiệu trưởng trường khuyết tật Hy Vọng) cho biết: "Đoan trước đây là học sinh của trường, hiền lành, đặc biệt rất tích cực tham gia các hoạt động tập thể. Em mong ước được trở thành giáo viên và hiện tại đã là một cô giáo tốt, nhiệt tình hay giúp đỡ đồng nghiệp, hết lòng thương yêu học sinh. Đoan trở thành Á hậu toàn cầu khiến nhà trường rất tự hào, mong em sẽ thành công hơn nữa".
Lê Tám Bảy / Theo Pháp luật & Thời đại