Người đẹp Lan Phương than từng bị các nam diễn viên lợi dụng khi đóng cảnh hôn
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 06:58, 18/07/2015
PV: Chị nghĩ sao khi nhắc đến Lan Phương, khán giả thường nghĩ ngay đến cô diễn viên “chuyên trị” những vai ngây thơ?
Diễn viên Lan Phương: Không hẳn như vậy đâu! Tôi đã từng đóng vai một cô gái chẳng khác gì “con rắn”, một “con rắn” thực thụ; rồi có phim tôi vào vai một cô gái bị điên; cũng có phim tôi “độc ác” khủng khiếp; rồi có cả... hôn nữa.
PV: Chị bén duyên với nghiệp diễn viên được bao lâu?
Lan Phương: Khoảng 9-10 năm gì đấy.
PV: 9-10 năm đóng phim, chị đã phải hôn bao nhiêu bạn diễn trên phim?
Lan Phương: Cũng khá nhiều, nhưng nụ hôn gần đây nhất là với Bình Minh.
PV: Với những trải nghiệm trên phim theo chị, một nữ diễn viên khi hôn sẽ như thế nào? Từ cảm xúc, đến động tác, sự chai sạn, nếu có?
Lan Phương: Nói về hôn ở trên phim trước tiên nó là tính nghề nghiệp bởi khi mình nhận một kịch bản, nhận một vại diễn, mình phải hiểu vai diễn đó đồng thời mình cũng phải nắm rõ trong vai diễn đến lúc nào cô gái cần phải hôn. Với người khác tôi không rõ nhưng bản thân tôi, tôi xét nó trên góc độ hoàn toàn chuyên nghiệp: mình cảm thấy à đúng rồi, đến lúc đó phải hôn, với tính cách và tâm lý của cô ấy (vai diễn -PV) thì cô ấy sẽ hôn như thế nào và cứ thế là hôn thôi.
Tất nhiên, ban đầu khi mới vào nghề thì đến cảnh diễn ấy, tôi rất ngượng ngượng từ khi tới cảnh hai người ôm nhau ở phần trên, nhưng còn ở phần dưới thì khoảng cách giữa hai cái bụng đang còn tới 20cm. Nhưng sau này có kinh nghiệm và chuyên nghiệp hơn thì mình có thể chấp nhận những cái ôm sát hơn… bắt đầu hôn.
Nụ hôn trên phim đầu tiên của tôi, nếu tôi nhớ không lầm là với anh Chi Bảo. Lúc đó tôi còn là một cô bé “ngớ ngẩn” mới ra đời, đóng phim này tôi vẫn ngượng lắm, có thể xem phim khán giả sẽ cảm nhận nó nồng nhiệt, nhưng thực ra phần hình thể nhiều hơn. Môi thì có chạm nhưng phần cử động của hình thể đầu, tóc, tay... nhiều khi cả tiếng thở của mình cũng làm cho khán giả tưởng tượng mình đang hôn say đắm lắm nhưng thực tế lại không vậy.
Bình Minh, Lan Phương hôn nhau đắm đuối trong một cảnh phim |
PV: Theo chị, có sự khác nhau nào không giữa những cảnh hôn trên phim và hôn trên sân khấu kịch?
Lan Phương: Với những cảnh diễn hôn ở trên sân khấu, thông thường, sân khâu nước mình sẽ mặc định cảnh hôn là không hôn thật, tất cả chỉ mang tính ước lệ, bằng hình ảnh thôi. Nhất là với những cảnh giường chiếu, đều mô tả bằng hình ảnh, những động tác có thể là múa, có thể là nhạc hoặc những cử động của hai người thôi, hoàn toàn không có những đụng chạm tế nhị thực sự.
Nụ hôn đầu tiên của tôi trên sân khấu kịch là khi tôi làm việc với đạo diễn người Mỹ trong vở diễn Romeo và Juliet. Với người Mỹ, chuyện diễn hôn là rất bình thường nên họ thấy ngạc nhiên khi thấy chúng tôi tại sao lại không thể, không dám hôn bạn diễn trên sân khấu? Chính vì thế mà tôi bị “cướp” mất nụ hôn đầu đời ngay trên sân khấu trong vai Juliet (cười).
PV: Vai nam chính trong vở kịch ấy là ai?
Lan Phương: Hồi đó là Tấn Phát.
PV: Tấn Phát chả phải là nam diễn viên điển trai sao?
Lan Phương: Đẹp trai, nhưng với một cô gái Á Đông mới ra trường, phải hôn một người không yêu trước mặt nhiều người, đó là một vấn đề khá khó khăn.
PV: Trên phim Việt hiện nay, theo chị, các cảnh hôn đang tăng, hay giảm, hay vẫn giữ nguyên như cũ?
Lan Phương: Theo tôi nghĩ là tăng.
PV: Tăng về số lượng hay chất lượng?
Lan Phương: Hình như tất tần tật mọi thứ đều tăng (cười). Vì cái thời tôi còn đang đi học, rồi đến khi mới ra trường, mọi thứ tôi vẫn thấy còn tế nhị lắm, ở mức độ vừa phải. Ví dụ trong phim Cô gái xấu xí, cảnh hôn nhau giữa tôi với anh Chi Bảo là thật, nhưng giữa Chi Bảo với “cô gái xấu xí” Ngọc Hiệp (diễn viên Ngọc Hiệp - PV) toàn là những cảnh quay đèn, đèn chớp tắt... rồi quạt trần quay vù vù là hết cảnh.
PV: Với chị, những cảnh này ngày càng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. Vậy sự tăng ấy có đáng vui hay không?
Lan Phượng: Tôi thì tôi không cho mình ở vị thế nào để nhận xét về toàn bộ cục diện, nhưng tôi chỉ đang nói về cá nhân của tôi thôi. Tôi chỉ cảm thấy cảnh hôn rất cần thiết, bởi nó thể hiện tình cảm, tính cách của nhân vật, nó khiến cho bộ phim thêm phần sống động và mang đến những cung bậc cảm xúc cần thiết hơn.
Tuy nhiên, bản thân tôi lại cho rằng, cũng không nhất thiết phải như thế, những cái cần thiết thực sự thì tôi hoàn toàn đồng ý. Ví dụ, khi tôi đóng những cảnh trong phim truyền hình, thực ra nó chẳng cần thiết đến mức độ như thế, mình không thích là một chuyện, nhưng nhiều khi bạn diễn lại thích những cảnh đấy, làm cho nụ hôn trở nên quá mức...
Thế nên tôi mới bảo tại sao không cần như thế, bởi vì phim truyền hình, trẻ con xem cũng khá đông, nhưng hình như mọi người vẫn nghĩ mọi thứ cần phải thật, cũng có thể họ xem phim nước ngoài nhiều quá cho nên họ nghĩ đã hôn là phải như thế.
PV: Chị có cho rằng, các nam diễn viên nhiệt tình với cảnh hôn hơn các nữ diễn viên hay không?
Lan Phượng: Tùy người, nhưng hình như là thế. Nữ diễn viên vẫn là những người con gái Á Đông, trừ khi trong cảnh quay, bạn diễn nam là những người mà họ có tình cảm chẳng hạn thì cảnh hôn sẽ dễ hơn, đấy là tôi dẫn ví dụ chứ không phải là bản thân tôi (cười).
Cũng không tránh khỏi những trường hợp, đóng chung phim với nhau, sau đó cặp đôi nam nữ diễn viên yêu nhau chẳng hạn, nụ hôn sẽ thật hơn.
Với vài người tôi từng đóng chung, chỉ vài người thôi nhé, vì tôi chưa đóng chung với tất cả (cười), họ hay lợi dụng những cảnh đóng này một chút, tôi cho rằng không nên như vậy, vì nó thiếu tính chuyên nghiệp.
PV: Với chị, khi người ta hơi lợi dụng, chị có cảm nhận được ngay hay không?
Lan Phương: Thấy ngay, bởi họ chả cần giấu diếm, họ nói thẳng toạc ra luôn. Chẳng hạn, họ sẽ nói: Ôi hay quá, đến cảnh nọ, cảnh kia, rồi sẽ… Nhìn đôi mắt của họ là thấy tất cả, tôi cho rằng những cảnh đó là họ chứ không phải nhân vật (cười).
PV: Khi còn học trong trường, các nữ diễn viên có được dạy kỹ về những cảnh hôn hay không? Có coi đó như một vấn đề đặc biệt cần nhấn mạnh để các nữ diễn viên phải lưu ý hay không?
Lan Phương: Khi tôi học là giáo trình của sân khấu, mà sân khấu thì mang tính ước lệ. Tụi tôi có được học hôn, nhưng bằng hình thể, ước lệ. Ngày xưa chúng tôi được dạy cách áp mặt vào bạn diễn nam, đặt ngón tay cái lên môi họ, rồi hôn lên chính ngón tay đó.
Hoặc là có những lúc, tụi tôi tự nghĩ ra sẽ hôn chệch sang mép môi chẳng hạn. Với tôi, tôi thích được diễn theo kiểu, khi chưa phải thể hiện yêu đương cần thiết phải cử động như thật thì có thể sẽ áp vào môi hoặc mép môi, rồi dùng cơ thể thể hiện sẽ khiến cho khán giả tưởng như hai người đang hôn nhau nồng cháy.
PV: Nhận xét chung của chị về những nụ hôn trên phim Việt Nam ra sao?
Lan Phương: Như tôi đã chia sẻ, đặc biệt là với phim truyền hình, phim điện ảnh thì tôi không bàn tới bởi số lượng phim điện ảnh rất ít so với phim truyền hình, mà phim truyền hình thì đối tượng đến vẫn nhiều hơn, Thế nên, tôi cảm thấy đôi khi có những nụ hôn thực sự không cần thiết tới mức phải trần trụi, phải thật như thật trên phim truyền hình. Ngay bản thân tôi khi xem, tôi cũng cảm thấy nó không đưa lên cảm xúc gì cho tôi cả, chỉ gợi lên hai người đang trần trụi thể hiện một nụ hôn để chứng tỏ tôi đang hôn rất thật.
Tôi chỉ cảm thấy họ đang chứng tỏ và hôn như phim Mỹ. Nó không gợi lên cảm xúc đẹp cho tôi, nó cũng không cần thiết đến kết nối của bộ phim và lúc đó mà có con, tôi cũng không muốn con tôi xem những cảnh này.
Theo Quyên Ly (Đất Việt)