Chốn nghỉ dưỡng 'thiên đường' của nhà văn Nguyễn Quí Đức
Phong cách - lối sống - Ngày đăng : 15:15, 07/05/2015
Bối cảnh bộ phim Đập cánh giữa không trung có một căn nhà khiến khán giả xuýt xoa vì vị trí đẹp cheo leo giữa sườn đồi và nội thất độc đáo ở bên trong. Đó chính là căn biệt thự nghỉ dưỡng của nhà văn Nguyễn Quí Đức tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Tất nhiên, không đợi đến khi xuất hiện trong bộ phim đình đám trong năm 2014 thì căn nhà này mới nổi tiếng. Từ khi xây dựng cách đây nhiều năm, nơi đây đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông nước ngoài và trở thành một trong những biểu tượng du lịch của Tam Đảo.
Tôi đến căn nhà được bao phủ bởi mây trời, núi biếc và sương này vào một ngày nhiều nắng. Ngôi nhà nằm ngay đầu dốc lối vào thị trấn Tam Đảo nhưng nép mình khiêm tốn vào sườn đồi. Nhìn từ trên đường, cổng của căn nhà trông khá giản dị. Bước qua cánh cổng gỗ ấy, đi xuống vài bậc thang, tôi cảm thấy choáng ngợp trước cảnh sắc mây vờn núi và ôm trọn lấy căn nhà có trần trải đầy sỏi trắng. Lối vào của căn nhà khá đặc biệt, thông qua cửa kính được thiết kế như một kim tự tháp thu nhỏ. Chủ nhà đón tôi trong trang phục giản dị nhưng lịch lãm.
Kim tự tháp là một ý tưởng vui để vào nhà. khác với ở ai cập, kim tự tháp này không phải để giấu kín các báu vật. khi mở ra, bạn sẽ thấy được bể bơi, núi và thung lũng.
Mở mắt ra là thấy trời xanh, mây núi bao quanh
Nhà văn, dịch giả Nguyễn Quí Đức đã xây dựng căn nhà này với ý tưởng xuyên suốt là tạo ra một tầm nhìn ra mây núi, nhìn xuống thung lũng xanh. Ông muốn rằng dù ngồi trên mái hay ở trong nhà cũng dễ thấy trời đất núi xanh, cùng lúc không chắn tầm nhìn của người khác. Phong cách thiết kế căn nhà kết hợp một số chi tiết của Nhật (vườn, nước), và của Morocco (đá, tính mộc và thô). Khi thi công, ông đã sử dụng một số phương thức của người dân địa phương, dùng đá, gỗ mà họ đã quen sử dụng để tạo nên tổng thể hài hòa với thiên nhiên xung quanh và văn hóa bản địa.
Nguyễn Quí Đức sinh ra ở Đà Lạt, trưởng thành và làm báo tại Mỹ nhiều năm trước khi về Việt Nam. Ông là nhà báo chuyên về khu vực châu Á, từng làm nhiều chương trình truyền hình về các nước trong khu vực. Ông đã đi rất nhiều nước trên thế giới, tiếp xúc với nhiều môi trường văn hóa trước khi quyết định chọn trở về Hà Nội sinh sống. Lần đầu tiên lên Tam Đảo, ông thấy con đường đi lên núi rất giống con đường từ sân bay Liên Khương vào Đà Lạt với những khúc quanh, tường đá, cây thông, cây bạc hà. Không khí cũng mát lạnh, và trên hết là vẻ yên bình tương tự như thời gian ông từng sống ở Đà Lạt. Mong muốn tìm lại một phần quá khứ và xây dựng cho mẹ một nơi yên bình sau những năm bôn ba xứ người, ông đã mua khu đất và xây dựng căn nhà nghỉ dưỡng độc đáo này.
Nơi chiêm nghiệm ký ức và sáng tạo văn chương
Nhà văn chia sẻ rằng căn nhà này phản ánh phần nội tâm của ông nhiều nhất. Cuộc sống tại Hà Nội của ông khá sôi động với việc kinh doanh, các cuộc triển lãm tác phẩm, gặp gỡ bạn bè… Nhưng bản tính của ông thích ở lặng lẽ một mình, làm việc của mình như viết lách, vẽ tranh, đọc sách, tức là những việc làm đơn độc. Hầu hết đồ đạc trong nhà đều mang âm hưởng và ký ức thời trẻ, những nơi ông đã đi qua, các công việc đã làm, và những người ông từng hâm mộ, yêu thích. Đó có thể là một chiếc lọ cũ mua của một người lang thang trên đường phố London, hay vật lưu niệm tại một thành phố nhỏ ở Mexico.
Căn nhà này là không gian sáng tạo yêu thích của chủ nhân quán Tadioto. Ông thích viết lách ở trên nhà gỗ vào mùa lạnh. Căn nhà đá với bể bơi lộ thiên hướng ra thung lũng là nơi ông thư giãn, tiếp bạn bè. Phần sân lộ thiên ở giữa hai căn nhà là nơi yêu thích của ông trong các buổi chiều, để ngồi đọc sách, uống trà hoặc rượu vang. Căn nhà 500m2 được chia thành nhiều không gian tách biệt, khiến ông vừa có thể đón tiếp bạn bè vừa có những góc riêng. Đây cũng là nơi mang đến nhiều hạnh ngộ cho chủ nhân. Có khi là bạn từ xa đến, có khi các sinh viên đến học hỏi về lịch sử, văn hóa Việt Nam. “Tôi nhớ mãi một người không quen biết, từ ở bên Đức, xin đến ở nhà tôi trong một tuần sau khi con gái 9 tuổi bị bệnh và qua đời”, ông Đức chia sẻ.
Sự yên tĩnh và gợi cảm hứng sáng tạo là cảm giác mà căn nhà này mang lại. Nội thất trong nhà cũng thể hiện phần nào cá tính của nhà văn Nguyễn Quí Đức. Mọi thứ được thiết kế thanh nhã tối giản, ít phô trương, đúng và đủ nhu cầu sử dụng. Ông tự nhận là bị ảnh hưởng nhiều từ sự hiếu học, cần cù của người Việt. Sự sáng tạo và tinh thần độc lập của người Anh, người Mỹ. Sự kỷ luật và nhạy bén của người Nhật. Tinh thần cộng đồng, tính hài hòa của người Ma rốc. Mỗi khi về Tam Đảo, những sự vật nhỏ như chim chóc, sự nhẫn nại của dòng nước… đều khiến ông suy nghĩ. Đây là không gian để ông ngẫm lại các trải nghiệm, ký ức về gia đình, bạn bè ở xa và những năm tháng không thể nào có lại được.
“Tôi muốn sống trong một không gian mà mình có thể tìm thấy được điều nhã nhặn nhất trong con người mình”