Kỳ cuối: Tình dục ngoài không gian

Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 03:51, 18/02/2015

Khám phá không gian là ước mơ bao đời nay của con người, và những nghiên cứu để đưa con người vào không gian hay đặt chân đến các hành tinh khác vẫn đang được thực hiện. Mới đây nhất, các nhà nghiên cứu đã đưa ra mẫu hình chiếc ly nhựa có hình thù phù hợp để các nhà du hành vũ trụ có thể uống cà phê trong không gian. Nhưng đấy không phải là nghiên cứu gây nhiều xôn xao và chấn động nhất trong ngành, mà là thử nghiệm “ghép đôi ngoài không gian”.

Giả thuyết đặt ra là “nếu con người tìm được hành tinh khác có sự sống, thì việc sinh sản để duy trì nòi giống ở đó liệu có là chuyện dễ dàng”. Hơn thế nữa, nhiều chuyến du hành vũ trụ có thể kéo dài hàng năm, vậy làm sao để giải quyết nhu cầu tình dục của các phi hành gia. Thực tế thì các nghiên cứu về ảnh hưởng của môi trường ngoài không gian đến khả năng sinh sản của con người đã có từ những chuyến bay đầu tiên ra vũ trụ.

Trong cuốn sách “Sứ mệnh cuối cùng” xuất bản năm 2000, nhà thiên văn học Pháp Pierre Kohler tiết lộ Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) đã nghiên cứu khả năng áp dụng 10 tư thế “yêu” trong môi trường không trọng lực trên tàu con thoi vào năm 1996. Những tư thế “yêu” này được tiến hành theo mô phỏng trên máy tính ở các góc khác nhau của tàu con thoi. Và NASA từng thừa nhận họ cũng thấy ngại ngùng và nhiều nhà nghiên cứu phải đỏ mặt khi xem những đoạn video mô phỏng này.

Trong khi đó, các nhà khoa học Nga lại đặc biệt chú ý đến chuyện nữ phi hành gia Valentina Tereshkova mang thai vào năm 1964 sau khi trở về từ quỹ đạo. Tereshkova đã cưới đồng nghiệp là Andreyan Nikolayev rồi không lâu sau mang thai em bé đầu tiên của thế giới có bố mẹ từng bay vào không gian. Cô con gái của cặp đôi phi hành gia này rất khỏe mạnh. Người Nga không vô lý khi chú ý đến trường hợp này. Bởi lẽ kết quả nghiên cứu liên quan đến tình dục ngoài không gian kết luận số lượng lớn bức xạ vũ trụ trong không gian sẽ phá hủy cơ thể con người, tác động của bức xạ có thể giết chết tế bào trứng ở thai nhi. Em bé sẽ được sinh ra nhưng bị vô sinh. Thai nhi được hình thành sẽ không phát triển hoàn chỉnh được trong môi trường ngoài không gian. Khi em bé chào đời, tỉ lệ bị khuyết tật vĩnh viễn do bức xạ là rất cao.

Đến cuối tháng 7.2006, hội nghị Newspace chuyên về không gian, tập trung những nhà nghiên cứu không gian lớn trên thế giới, đã dành hẳn một ngày để thảo luận về chuyện “ghép đôi” trong không gian. Một tháng sau đó, cuốn sách “Tình dục trong không gian” của Laura Woodmansee xuất bản, còn công ty Bigelow Aerospace mong muốn xây dựng một khu liên hợp khách sạn trên quỹ đạo trái đất để con người nghỉ ngơi và “làm tình”. Ở trong khách sạn đó, người ta sẽ vẩy ít nước lạnh và dầu thơm vào trong phi thuyền để làm giảm nhiệt và mùi mồ hôi, tăng ham muốn “yêu” của phi hành đoàn.

Dư luận và báo chí các nước vẫn cho đây là nghiên cứu không đem lại lợi ích gì cho xã hội, “ném tiền qua cửa sổ tàu vũ trụ” bởi dù chuyện “kết đôi” có thực sự diễn ra thì cũng chẳng lãng mạn và thoải mái như trên trái đất. Trong môi trường không trọng lực, con người thoát nhiều mồ hôi hơn bình thường, huyết áp giảm nhanh, các “cậu nhỏ” không thể cương cứng một cách hoàn chỉnh, các nhà du hành vũ trụ thường phải bám vào tường tàu con thoi để không trôi bồng bềnh nói gì đến chuyện “bám” vào nhau, chưa kể đến chuyện vướng víu vì trang phục bắt buộc của các phi hành đoàn hiện rất cồng kềnh.

Khánh Nguyên (Theo Livescience, The Guardian, Wikipedia)

Một Thế Giới