Trường Sa có giống, loài san hô giàu nhất biển Đông

Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 14:10, 22/10/2014

Trao đổi với Một Thế Giới về sự đa dạng sinh thái biển Đông, PGS.TS Đỗ Công Thung, viện Tài nguyên và môi trường biển cho biết: Trường Sa có số giống, loài san hô giàu nhất Biển Đông. Đây là một trong những cơ sở cho việc thiết lập các khu bảo tồn thiên nhiên tại quần đảo Trường Sa.

Cụ thể, Trường Sa nằm trong giới hạn vùng có số giống, loài san hô giàu nhất ở Biển Đông, với 84 giống, 382 loài, gồm vỉa trung tâm phát tán san hô và sinh vật biển nhiệt đới ven bờ Philippin - Indonesia vùng phía tây Thái Bình Dương.

Ngoài ra, các đảo san hô vòng vùng khơi quần đảo Trường Sa với các kiểu rạn vòng hở như đảo Sinh Tồn, Song Tử, hoặc rạn vòng kín như đảo Đá Lát, Thuyền Chài, đa dạng về cấu trúc, thực sự là những thành tạo sinh thái đặc sắc của vùng biển nước ta và thế giới. 
 >> Xây dựng hồ sơ PSSA – một biện pháp bảo vệ chủ quyền lãnh hải
-Ông có thể cho biết thêm những tiềm năng ở quần đảo Trường Sa hiện nay trong việc thiết lập các khu bảo tồn thiên nhiên tại đây?

PGS.TS Đỗ Công Thung: Quần đảo Trường Sa là một cụm đảo san hô đặc sắc, nằm giữa biển khơi cách bờ tới trên 250 hải lý. Có thể coi đây là những đảo vùng khơi (oceanic islands) tồn tại song song với các đảo ven bờ (continental-islands) của nước ta, với những đặc điểm về vị trí,  địa mạo - địa chất - địa vật lý làm cho quần đảo Trường Sa trở thành khu vực có vị thế đặc biệt tầm cỡ quốc gia và thế giới. 

Các kết quả điều tra khảo sát vùng biển đảo Trường Sa từ những năm 80 tới nay đã  xác định được 2.927 loài sinh vật đã biết ở Trường Sa. Trong đó đặc biệt có hệ sinh thái san hô phân bố trên diện tích rộng khoảng 163.000 km2 có thể ngang với khu bảo tồn san hô lớn nổi tiếng Great Barrier của Australia (rộng khoảng 183.000 km2).

Rạn san hô là nơi sinh sống của cá rạn san hô, thân mềm, giáp xác, da gai, rùa biển, chim và thú biển. Đây không chỉ nơi dự kiến thiết lập các khu bảo tồn biển, mà còn là nơi lưu trữ bãi giống của toàn khu vực Biển Đông.  

Các giá trị bảo tồn san hô, cỏ biển và các loài sinh vật trên rạn san hô là vô cùng to lớn. Rạn san hô là nơi sinh sống của cá rạn san hô, thân mềm, giáp xác, da gai, rùa biển, chim và thú biển. Đây không chỉ nơi dự kiến thiết lập các khu bảo tồn biển, mà còn là nơi lưu trữ bãi giống của toàn khu vực Biển Đông. 

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, chúng tôi đã tìm thấy 55 loài thuỷ sinh vật biển là các loài quý hiếm của Việt Nam và nhiều loài quý hiếm của thế giới như Cá heo, Trai tai tượng, ốc Anh Vũ, rùa biển,… ở quần đảo Trường Sa.

Và hiện nay, 2 khu bảo tồn đảo Nam Yết và Thuyền Chài được tập thể tác giả đề xuất là Công viên biển, hội tụ đầy đủ các tiêu chí bảo tồn do Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) đề xuất. Điều này cũng phù hợp với luật pháp Việt Nam và thông lệ Quốc tế.
rua bien truong sa hinh anh
Rùa da khổng lồ (Dermochelys coriacea) ở Trường Sa - ảnh: Kiến Thức

Hiện Việt Nam đã thành lập được 9 khu bảo tồn biển (Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Hòn Cau, Côn Đảo, Phú Quốc.) Điều này không chỉ có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, khoa học nghiên cứu,… mà còn có ý nghĩa quan trọng góp thêm cơ sở pháp lý và cung cấp các công cụ hành chính cho việc đấu tranh bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia. Còn với quần đảo Trường Sa, việc thiết lập các khu bảo tồn thiên nhiên tại đây sẽ có những khó khăn gì?

Khó khăn lớn nhất hiện nay là tình hình tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở vùng biển này cho tới nay còn rất phức tạp, nặng nề. Tham vọng của tất cả các nước hiện còn đang rất lớn chưa có dấu hiệu giảm bớt hoặc sớm có giải pháp hữu hiệu. 

Khó khăn thứ hai không kém phần quan trọng là cơ sở hạ tầng, dân sự xã hội ở vùng này còn đang rất thiếu thốn. Giao thông đi lại dân sự, đời sống dân sự, điều kiện cung cấp sinh hoạt, xây dựng …đều gần như chưa được hình thành. Vì vậy, một hoạt động mang tính dân sự ở vùng này hiện nay rất dễ trở thành cô lập, không có được sự hỗ trợ cần thiết để hoạt động bình thường.

Một khó khăn khác về điều kiện tự nhiên, thì đây là vùng biển ở xa bờ, thời tiết chỉ yên tĩnh thuận tiện đi lại trong thời gian ngắn (tháng 3 - tháng 5) trong năm, là trở ngại lớn cho mọi hoạt động ở đây. Trong tình hình hiện nay cơ sở hạ tầng trên các đảo còn chưa được xây dựng, thì yêu cầu vốn đầu tư để có những điều kiện cần cho hoạt động văn hoá khoa học có lợi ích kinh tế sẽ là rất lớn. 

Còn với việc xây dựng vùng biển đặc biệt nhạy cảm thì sao, thưa ông? Bởi theo đánh giá của UNESCO đối với giá trị di sản thiên nhiên thế giới cho vùng biển, bờ và các đảo nhiệt đới, thì vùng Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam nằm trong danh sách ứng cử viên hàng đầu là vùng biển nhạy cảm đặc biệt (PSSA). Và điều này cũng đặc biệt giúp bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo…

Để có thể xác định các vùng biển nhạy cảm thì cần phải nghiên cứu kỹ các tác động kinh tế, xã hội, môi trường ảnh hưởng đến đa dạng sinh học từng cụm đảo thuộc Quần đảo trường Sa. Đây là công việc còn dài và cần nhiều nỗ lực, quan tâm hơn nữa của nhà nước lẫn các nhà khoa học… 

Cám ơn ông!

trai tai tuong truong sa hinh anh
 Trai tai tượng lớn (Tridacna maxima) ở Trường Sa - ảnh: Kiến Thức
 
san ho truong sa hinh anh
San hô lỗ đỉnh no-bi (Acropora nobilis) ở Trường Sa - ảnh: Kiến Thức
 
ca bang chai truong sa hinh anh
Cá Bằng chài axin (Bodianus axillaris) ở Trường Sa - ảnh: Kiến Thức

Lê Quỳnh (thực hiện)                      


Một Thế Giới