ĐH Quốc tế TP.HCM nói gì về bài báo của giảng viên trường bị rút khỏi tạp chí SpringerPlus?

Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 15:42, 15/10/2014

Trao đổi với chúng tôi về việc bài báo khoa học của TS Nguyễn Văn Toàn và Trần Thị Hạnh vừa bị rút khỏi tạp chí khoa học SpringerPlus, PGS.TS Hồ Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) cho biết: đây thực sự là một “tai nạn” đúng nghĩa.
>> Một bài báo của 2 tác giả Việt Nam vừa bị rút khỏi tạp chí quốc tế

TS Nguyễn Văn Toán hiện đang là giảng viên khoa Công nghệ sinh học, ĐH Quốc tế TP.HCM (ĐH Quốc gia TP.HCM). Trần Thị Hạnh là đồng tác giả của bài báo, không công tác ở ĐH Quốc tế.

Bài báo vừa bị SrpingerPlus rút có nội dung về điều trị hen suyễn bằng các chất chống oxy hóa có nguồn gốc tự nhiên.  

Theo PGS.TS Phong, nói là một “tai nạn” vì bài báo là làm thực, có cơ sở dữ liệu, tuy  nhiên, TS Toàn lại không hiểu được những quy chuẩn khắt khe của ngành y nên thành ra vi phạm quy định của WHO.

Trao đổi về việc có mạo danh không, PGS Phong cho biết: GS Steven Neill (ĐH West of England, được ghi là cố vấn khoa học trong nghiên cứu, nhưng theo xác minh của SpringerPlus thì ông không liên quan đến nghiên cứu này - PV) trước đây là thầy hướng dẫn nghiên cứu sinh cho TS Toàn, trong thời gian anh lấy bằng TS tại trường West of England.  

“Sâu xa vấn đề có mạo danh không, chúng tôi đang tìm hiểu. Nhưng tôi có biết được là, khi viết bài báo này, TS Toàn có đưa cho GS Steven xem và hỏi ý GS, và GS đã nói đừng để tên của trường vô vì GS cũng không có làm nghiên cứu này”, PGS Phong nói.

Theo PGS.TS Phong, hiện trường đang tập hợp thông tin, tổ chức điều trần, trong từng mục sẽ có hội đồng chuyên sâu riêng đánh giá, ví dụ: việc có vi phạm y đức không, sẽ có một hội đồng đánh giá; Có mạo danh không, sẽ có một hội đồng đánh giá; Nội dung khoa học cũng sẽ có một hội đồng đánh giá... Sau đó, trường sẽ có một buổi họp báo thông tin với báo chí.

Như Một Thế Giới đã thông tin, phiên bản gốc của bài báo (Van Toan và Thi Hanh 2013) đã bị rút lại do các vấn đề liên quan đến đạo đức: thử nghiệm lâm sàng đã không được chấp thuận bởi một ủy ban đạo đức, và các tác giả đã không cung cấp các bằng chứng cho thấy họ được đồng ý bởi các bệnh nhân.

Đồng thời, cố vấn khoa học của thử nghiệm lâm sàng này (ANZCTR 2012) là GS Steven Neill thuộc ĐH West of England (Anh) phát biểu rằng: ông không hề biết gì về nghiên cứu này và rằng trường West of England cũng không liên quan đến.

Một điều bắt buộc đối với các nghiên cứu thực nghiệm đăng trên SpringerPlus phải được thực hiện với sự chấp thuận của một ủy ban đạo đức phù hợp, và nghiên cứu được tiến hành trên người phải thống nhất với các hướng dẫn của Tổ Chức Y tế Thế Giới (WHO).  

Tác giả bài báo nói gì về việc bài báo của mình vừa bị rút? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin với bạn đọc, đồng thời cũng như những vấn đề khác xung quanh câu chuyện này!
Có thể bạn quan tâm:
TS Nguyễn Thành Sơn: Sạt lở đê hồ thải quặng bô xít Tân Rai cho thấy TKV rất chủ quan
Đã đến lúc cần đánh giá độc lập lại toàn bộ dự án bô xít

Lê Quỳnh

Một Thế Giới