PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi: Tàu vỏ sắt phải kết hợp sản xuất với bảo vệ chủ quyền!
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 19:44, 16/06/2014
Thủ tướng Chính Phủ đã quyết định chủ trương hoán đổi tàu cá vỏ sắt thay thế tàu vỏ gỗ cho 3.000 tàu cá đầu tiên (với tổng vốn khoảng 10.000 tỉ đồng) trong tổng số hơn 130.000 tàu cả nước. Thưa, quan điểm của ông về việc chuyển đổi sang tàu cá vỏ thép?
Qua ba phương án tàu mẫu đánh bắt cá vỏ thép dùng lưới rê, lưới vây và lưới kéo được trình bày tại tọa đàm khoa học về tàu cá vỏ thép vừa được các nhà khoa học tổ chức vừa qua, ông đánh giá như thế nào về chất lượng tàu đánh cá vỏ thép đã và đang được sản xuất hiện nay?
Tôi không am hiểu sâu về kỹ thuật đóng tàu biển, nên không dám mạo muội đánh giá chất lượng tàu đánh cá vỏ thép đã và đang được sản xuất hiện nay.
Chúng ta đều biết, vừa qua tổng công ty Công nghiệp Đóng tàu Việt Nam (SBIC) đã “đóng thử” tàu đánh cá vỏ thép và bàn giao cho ngư dân một số tỉnh "dùng thử”. Kết quả nhà sản xuất được phản ánh là: bên cạnh ưu điểm như khả năng đi biển dài ngày, có tính năng vận hành ổn định và an toàn nhờ được trang bị các thiết bị hàng hải hiện đại giúp ngư dân tự tin bám biển, thì vẫn còn có những khiếm khuyết kỹ thuật mà đơn vị đóng tàu phải tiếp thu để cải tiến chất lượng tốt hơn.
Hơn nữa, một ngư hộ đăng ký đóng tàu với giá đắt vậy thì không dễ và để trả nợ dần thì phải có hiệu quả kinh tế, trong khi chi phí tiêu thụ xăng dầu cao hơn, gặp rủi ro trục vớt khó khăn hơn, thêm chi phí chống hà bám vỏ tàu cản tốc độ chạy tàu, ngư dân không tự sửa chữa được, v.v.
Cho nên, từ 2 mục tiêu nói trên, tôi quan tâm trước hết là chủ trương đã đúng, nhưng tổ chức thực hiện không tốt sẽ vẫn “đổ vỡ”. Người dân đang lo mưu sinh trước mắt, còn Chính phủ hướng vào mục tiêu dài hạn, cho nên cần phải xác định bước đi đồng bộ và thận trọng để bảo đảm hiệu quả đồng vốn đầu tư và đạt được mục tiêu cơ bản. Chúng ta đã có bài học Nhà nước đầu tư giúp ngư dân cải hoán và đóng mới tàu đánh bắt cá bờ rồi 15 năm về trước rồi!
Qua các ý kiến thảo luận, mọi người có vẻ tập trung nhiều vào những vấn đề kỹ thuật cụ thể của con tàu. Theo tôi, nên bắt đầu từ cả 2 mục tiêu nói trên, trên cơ sở đó xác định các bước đi và “lộ trình” để giải quyết đồng bộ từng việc, và phải bàn cho kỹ trước khi giải ngân.
Con tàu chỉ là phương tiện và công cụ, quy mô của một con tàu và tổ chức như thế nào để đạt được mục tiêu có vẻ chưa được làm rõ và cụ thể hóa. Trong bối cảnh hiện nay, ngư dân ra biển cần thực hiện tốt phương châm: liên kết sản xuất, liên hoàn khi đánh cá trên biển, liên thông thông tin và liên tục bám biển. Làm được như vậy mới “tái cơ cấu” đội hình ra biển với “tâm thức mới, tư thế mới”, kết hợp đánh bắt hải sản hiệu quả và cùng nhau bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
Có những con tàu đánh cá vỏ thép tốt nhưng ra biển vẫn “đơn lẻ”, không phối hợp tập thể khi cần thiết thì không những sẽ không có hiệu quả kinh tế mà rủi ro vẫn cao, cả hai mục tiêu chung đề ra sẽ không thực hiện được.
Theo ông, việc sản xuất tàu cá vỏ thép cần có nhiều công ty tham gia?
Với tổng vốn dự kiến 10.000 tỷ VNĐ để đóng 3.000 con tàu đánh cá vỏ thép/sắt là một cố gắng lớn của Chính phủ, vì vậy phải sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư này. Đầu tư đóng tàu đánh cá vỏ thép chỉ ưu tiên hỗ trợ cho hoạt động đánh bắt xa bờ (nghề cá “công nghiệp”), ngư dân làm nghề đánh cá ven bờ (nghề cá nhỏ) không phải là đối tượng hưởng gói kinh phí này.
Tàu thép đóng nhỏ như tàu gỗ hiện nay sẽ không hiệu quả, và cho cá nhân ngư dân vay thì kinh phí lại quá lớn với thực lực của họ. Vì vậy, nên thành lập các tập đoàn đánh cá do ngư dân tự nguyện “nhập cuộc làm ăn với nhau”, trên cơ sở đó đầu tư tàu đánh cá vỏ thép cỡ lớn, với cơ cấu đội tàu gồm cả tàu đánh bắt, tàu dịch vụ hậu cần, tàu kiểm ngư,… Làm được như vậy, nguồn vốn đầu tư không bị phân tán, lại giảm chi phí sản xuất và an toàn hơn, hiệu quả kinh tế hơn và mới đủ sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Không thể nói có bao nhiêu công ty tham gia đóng tàu là vừa, điều quan trọng là nên mời các công ty trong và ngoài nước, các trường, viện liên quan và các liên doanh đóng tàu ở Việt Nam, thậm chí mời cơ quan đóng tàu cá có uy tín trên thế giới vào trao đổi học thuật.
Trên cơ sở đó thi vẽ thiết kế, tranh luận mở, rồi chọn ra một vài mẫu bảo đảm tiết kiệm nhất, an toàn nhất, vận hành hiệu quả nhất,… Sau đó mới chọn nhà sản xuất, cần thiết phải đấu thầu để có giá tốt nhất, trong số đó có Tổng công ty đóng tàu Sông Thu ở Đà Nẵng do Hà Lan giúp trực tiếp. Đặc biệt, không nên thiết kế tàu đánh cá sử dụng ngư lưới cụ đánh bắt hải sản hủy diệt.
Lê Quỳnh (thực hiện)