Nơi 'thây ma đội mồ tìm về làng cũ'
Du lịch - Ngày đăng : 10:48, 03/05/2014
Tana Toraja (Indonesia), miền đất cổ tích gây nhiều tranh cãi như việc thây ma đội mồ dò dẫm tìm về làng cũ, nổi tiếng với những tang lễ hoành tráng, vui như hội tiễn đưa người chia xa cõi tạm về cõi trời hạnh phúc… là điểm du lịch nổi tiếng xứ vạn đảo Nam Dương. Nên tôi cũng lần mò tìm đến. Ôi thôi ngỡ ngàng!
Thiệt tình mà nói, đường đi đến phố núi Rantepao – thủ phủ văn hoá miền Tana Toraja, huyện Bắc Toraja, tỉnh Nam Sulawesi, quần đảo Sulawesi, Indonesia rất nhiêu khê với những du khách muốn đi nhiều nhưng túi mỏng.
Việc lênh đênh mấy ngày trên phà, dập dềnh xe đêm… đã khiến khá nhiều khách du chùn bước. Khách có tiền cũng không nhiều, vì máy bay nhỏ, ít chuyến… Nhưng có lẽ nhờ vậy, miền đất này vẫn giữ được nhiều nếp cũ hay ho, từ cuộc sống hàng ngày đến những lễ lạt hội hè.
Rực rỡ sắc màu, sôi động âm thanh nơi miền “cõi tạm”
Tôi đến đây những ngày tháng 9, vừa qua mùa tang lễ (tomate) chính vào tháng 8 hàng năm. May mắn vẫn được tham dự những lễ tang sôi động lớn nhỏ. Coi rằng hồng trần là cõi tạm, những lễ tang tiễn đưa người quá cố về xứ trời của người Tana Toraja là lễ hội hoành tráng nhất mà mỗi phận đời sẽ nhận được, khi họ không còn nữa.
Nhỏ nhất cũng phải 8, trung trung thì 24 chú trâu phải “lên đường” để tống tiễn người quá cố về miền an lạc. Những trường gà nhộn nhịp, sân chọi trâu ồn ã phấn khích, tiếng khèn da diết, nhịp trống rạo rực, những điệu múa rộn ràng chân vui trai khoẻ gái xinh Tana Toraja… làm du khách cũng liêu xiêu hoà chung niềm vui. Quên mau những dòng máu đỏ lòm lòm ngoài kia của các chú trâu tội nghiệp, chẳng nhớ mấy những tiếng thảm thiết eng éc rống gào của mấy chú heo đang chờ hoá kiếp...
Theo những vòng xe tự mình một mình, tôi tiếp tục sửng sốt, rồi sợ sệt nhưng vẫn tò mò ghé thăm những ngôi mộ đá, mộ treo, mộ cây lạ lẫm độc đáo. Ớn nhất là khi đơn độc lò dò ngó nghiêng mộ treo trong hang động mà những sọ, xương… vun đống khắp nơi, giăng giăng treo trên đầu… cứ như đang lạc bước vào bảo tàng Cánh đồng chết ngày nào xứ Cam.
Rồi ngỡ ngàng trước những tau-tau, hình nhân thế mạng hay người canh gác mộ, theo nhiều phong cách đặt trước những hang mộ này. Dù là tạc giống y người thật giờ chỉ còn xương cốt bên trong, hay chỉ là những bức tượng mô phỏng sơ sài… ánh mắt của những tau-tau cứ làm tôi ớn rợn, cảm tưởng lúc nào sau gáy cũng nong nóng, không chỉ khi lang thang hầm mộ mà cả khi đã dọt chạy thiệt xa.
Đúng là lang thang xứ này cũng giống như lạc vào một bộ phim tài liệu xưa cũ còn sót – như một cuốn sách du lịch nổi tiếng đã nói.
“Thiệt là quá ghê nhưng lạ lẫm, ấn tượng. Ban đầu cũng sợ chút nhưng rồi rất rất thích!” – là câu trả lời chung của hầu hết đám khách giang hồ những tối lê la bia bọt Rantepao. Cũng nghĩ y chang vậy, tôi đã dời tới dời lui ngày dự định ra đi đến mấy lần!
|
Một ngôi làng ở Tana Toraja với những mái nhà sàn tongkonan cong vút như sừng trâu. |
Bình yên những mái nhà cong soi bóng bên “mắt” ruộng
Không chỉ những tang lễ sôi động, cuộc sống thường nhật người Tana Toraja cũng còn bao điều thú vị, trong bình yên.
Trong đó, đặc trưng là những căn nhà sàn tongkonan với chiếc mái cong vút như sừng trâu, con vật rất được người dân yêu quý. Bằng tre nứa hay vài nơi đã bị thay bằng tôn lá, phía trước những ngôi nhà dáng sừng trâu này luôn có chiếc cột gắn sừng trâu.
Nhiều, ít tuỳ nhà cũ mới, vị thế của vị chủ nhà, nhưng không thể thiếu. Tôi mê mẩn những căn nhà, những xóm làng có nhiều tongkonan, nên thường rong xe tìm những xóm làng cũ có nhiều nhà cong để ngắm.
Rồi một sáng lang thang đến Ke’te Kesu’, tôi chợt “phát hiện” một nét đẹp mới, những chái nhà cong soi duyên bên đồng xanh với những “mắt” ruộng ngộ nghĩnh.
Như ở nhiều miền núi khác, ruộng ở Rantepao cũng là bậc thang nhưng khá rộng vì triền đồi thoải. Điều lạ là giữa những nương lúa xanh rì chợt có “con mắt” tròn ngộ nghĩnh. Hỏi, bạn trẻ địa phương cho biết đó những giếng nước, rất cần thiết và thường phải được tìm thấy trước khi người dân miệt này khai quang triền đồi hay mảnh đất nào.
Những mảnh đất, nương đồng có “mắt” ruộng luôn tốt tươi hơn những cánh đồng khác. Do vậy, dù trên đồng xanh lúa hay đang lấp lánh nước phơi ải, dễ nhìn thấy đó đây những “mắt” ruộng Tana Toraja – điều mà tôi ít thấy ở những miền đất khác, dù rất gần Rantepao hay trên đất nước Indonesia.
Lặng lẽ, những “mắt” ruộng nho nhỏ đã giúp tưới tiêu không chỉ cho cánh đồng đó, mà còn chia sẻ cho cả vạt nương đồi trên dưới mạch ngầm này. Nhìn những “mắt” ruộng ăm ắp nước giữa đồng xanh mượt, chợt nhớ thương làm sao những cánh đồng khô nẻ, những nương đồi xác xơ… mùa hạn quê mình.
Những chiều Tana Toraja còn lại, sau khi choáng ngợp với những màu sắc âm thanh tang lễ hội hè, tôi thường tìm các góc núi, triền đồi ngồi ngắm những chái nhà tongkonan soi bóng bên đồng xanh ngộ nghĩnh “mắt” ruộng. Mới hiểu rằng những lời hứa hẹn sẽ về lại miền đất này của các lãng tử, ghi đầy trong “lưu bút” ở các lữ quán, không hề là quá huyễn hoặc. Và tôi cũng mơ một ngày…
Bài và ảnh Thái Trần - TGTT
Cửa ngõ chính đến Rantepao là thành phố Makassar, thủ phủ quần đảo Sulawesi. Ngoài việc bay đến, lênh đênh vài ba ngày (tuỳ điểm xuất phát) trên các chuyến tàu của hãng Pelni Ship là một lựa chọn tiết kiệm khác. Từ Makassar, hàng tuần có 3 chuyến bay đến Rantepao, hoặc đi xe đêm đi mất mười giờ. Các nhà nghỉ đơn giản giá từ 150.000 đồng/phòng trở lên (đã có kèm bữa sáng khá thú vị). Thuê xe máy 120.000-200.000 đồng/ngày. Phố núi nên thời tiết mát mẻ dễ chịu. Thức ăn không phong phú, cầu kỳ nhưng dễ ăn và rẻ. Dân cư thân thiện, nhiệt tình.
Một Thế Giới