Vì sao đồng hồ Tourbillon được định giá bởi 'hàm lượng con người' (P.3)
Du lịch - Ngày đăng : 14:52, 08/12/2015
Khởi thủy, để định giá một chiếc đồng hồ Tourbillon, người ta dựa vào sự “hiếm có khó làm” của nó. Theo Martin Wehrli – người giữ cương vị Giám đốc Bảo tàng Audemars Piguet suốt 20 năm qua – trong quãng thời gian từ năm 1800 đến 1945, với lực lượng khoảng 250 nghệ nhân đồng hồ, chỉ có khoảng 600 đến 850 cỗ máy tourbillon được sản xuất. Đồng nghĩa với việc trung bình mỗi năm, chỉ có 6 chiếc đồng hồ trên thế giới ra đời sở hữu cỗ máy phức tạp này. Trong khoảng từ năm 1985 đến 1997, chỉ có khoảng hơn 1.000 chiếc đồng hồ đeo tay Tourbillon được xuất xưởng, tính ra trung bình hơn 100 chiếc một năm. Những thuơng hiệu như Audemars Piguet hay Girard-Perregaux tự hào là các nhà sản xuất có khả năng làm ra nhiều bộ Tourbillon nhất.
Ngày nay với trợ giúp thiết kế của hệ thống máy tính cùng với sự phát triển của công nghệ chế tác hiện đại (các máy CNC hay công nghệ LIGA, DRIE… có thể dễ dàng tạo ra những chi tiết siêu nhỏ), việc thiết kế và chế tạo các chi tiết Tourbillon không còn là một thách thức như trước đây. Theo ước tính hiện nay có khoảng hơn 140 thương hiệu đồng hồ đang chào bán những cỗ máy Tourbillon.
Nhưng vẫn còn đó những yếu tố mà công nghệ không thể thay thế con người. Đó chính là công đoạn hoàn thiện các chi tiết bằng tay và lắp ráp hiệu chỉnh. Nếu công nghệ giúp cho giá thành sản xuất ngày càng rẻ thì bù lại nhân công trình độ cao ngày càng hiếm. Do vậy, các đồng hồ Tourbillon vẫn có giá trị rất cao. Chiếc đồng hồ Tourbillon nào có hàm lượng “con người” – tức độ thủ công cao hơn thì sẽ có giá trị cao hơn.
Nghệ nhân Peter Speake-Marin được giới chuyên môn đánh giá là bậc thầy Tourbillon trên thế giới hiện nay |
Wehrli giải thích “Chế tạo Tourbillon là rất khó, nhưng lắp ráp và hiệu chỉnh nó còn khó hơn rất nhiều”. Bởi lẽ không có một máy móc phức tạp hiện đại nào có thể đánh bóng tỉ mỉ, hoàn thiện tinh xảo và lắp ráp chính xác những chi tiết siêu nhỏ có trọng lượng chỉ khoảng 0,04 gram. Chỉ một cái thở mạnh hay một nhịp hắt hơi cũng có thể làm tiêu tan mọi công sức, chỉ một số ít những nghệ nhân thủ công hay những bậc thầy cơ khí phức tạp mới có đủ kiên nhẫn và khả năng làm được điều này.
Hiệu chỉnh cơ chế Tourbillon trên đồng hồ H. Moser & Cie |
Chi tiết siêu nhỏ |
Đánh bóng những vạt cạnh và những chi tiết siêu nhỏ, điều mà không một loại máy móc tinh vi nào có thể làm được |
Nếu nhìn vào đồng hồ Tourbillon truyền thống của những hãng danh tiếng như Breguet, Patek Philippe, Speake-Marin, A.Lange & Sohne, H.Moser & Cie…, bạn sẽ thấy rõ những đường nét, vạt cạnh của những chi tiết siêu nhỏ, hay bánh lắc được đánh bóng thủ công tỉ mỉ, điều này chỉ có thể thực hiện được bởi những nghệ nhân với bề dày kinh nghiệm lâu năm. Trong khi đó những cơ chế Tourbillon trên đồng hồ Jaeger-LeCoultre, Blancpain, Arnold & Son, Cartier hay Piaget, v.v… các chi tiết lại khá thô, thiếu đi sự trau chuốt, bắt mắt. Đây là lý do vì sao đồng hồ Tourbillon của những hãng này không được đánh giá cao.
Cơ chế Tourbillon truyền thống được hoàn thiện chi tiết của Breguet |
Đồng hồ Speake-Marin Renaissance giới hạn 6 chiếc, mỗi chiếc có giá bán khoảng 8 tỉ đồng |
Đồng hồ Tourbillon A. Lange & Sohne 1815 có giá 165.000 USD (tương đương 3,5 tỉ đồng) |
Nhìn rộng ra, để lắp ráp và hiệu chỉnh một chiếc đồng hồ Tourbillon truyền thống (balance wheel và escapment lắp đồng trục) không còn là kỹ thuật mà chính là nghệ thuật. Việc lắp ráp này có thể kéo dài từ vài ngày cho đến hàng tuần. Hàng chục chi tiết có thể phải lắp đi lắp lại nhiều lần nếu chưa hiệu chỉnh chuẩn. Một cái xiết ốc chặt tay hay lỏng tay đều có thể mang tính quyết định. Ở đây, sự cảm nhận và kinh nghiệm của nghệ nhân là yếu tố then chốt. Đó chính là lý do đồng hồ Tourbillon mang tên tuổi các bậc thầy như Peter Speake-Marin, Laurent Ferrier hay Kari Voutilainen luôn tạo được sự tin tưởng cho các nhà sưu tập.