Thị trường xa xỉ Việt Nam: Tiềm năng và... bí hiểm
Du lịch - Ngày đăng : 06:30, 29/06/2015
Người đàn ông nước ngoài to cao trong bộ trang phục khá thoải mái đang ngắm nghía chiếc đồng hồ Omega tại một cửa hàng ở phố Hàng Đào. Nhìn thoáng qua, anh không khác là bao so với những vị khách du lịch nước ngoài vẫn nườm nượp trên con phố này. Nhưng với Francois Candolfi, thăm thú Hà Nội chỉ là một phần của chuyến ghé thăm Việt Nam chớp nhoáng 3 ngày. Đây đang là thị trường khiến vị CEO của hãng đồng hồ cao cấp MCT đặc biệt quan tâm…
Ngay sau sự kiện lớn nhất của giới kinh doanh đồng hồ toàn cầu, triển lãm Baselworld 2014 tổ chức tại Thuỵ Sĩ, rất nhiều nhân vật cao cấp của các thương hiệu đồng hồ đã lặng lẽ “vi hành” tới Việt Nam. “Tại Basel, chúng tôi đã tiếp xúc với một số đối tác Việt Nam. Sự quan tâm và những trao đổi của họ đã khiến tôi quyết định lên ngay kế hoạch tới đây,” ông Francois Candolfi cho biết.
Câu hỏi đặt ra là thị trường xa xỉ Việt Nam có điều gì khiến các thương hiệu cao cấp quan tâm? “Thứ nhất, Việt Nam đang có một thị trường xa xỉ tiềm năng dù còn khiêm tốn về doanh thu nếu so sánh trên phạm vi toàn cầu. Thứ hai, dân số trẻ và tỉ lệ người giàu, người sử dụng hàng cao cấp trẻ ngày càng tăng là điều rất thu hút với các thương hiệu cao cấp.” ông Francois lý giải.
Cũng đã có chuyến tìm hiểu thị trường Việt Nam hồi đầu năm nay, ông Emmanuel Bitton, Giám đốc Kinh doanh toàn cầu của thương hiệu đồng hồ Graham lại có cách lý giải khác. Theo ông, thế mạnh quan trọng của thị trường này so với rất nhiều thị trường khác ở châu Á thậm chí kể cả Trung Quốc đó là tỉ lệ khách hàng bản địa cao hơn tỉ lệ khách hàng du lịch. “Khách hàng nam giới sử dụng đồng hồ cao cấp, đối tượng chính của Graham, chiếm tỉ lệ rất cao ở Việt Nam. Chúng tôi có những báo cáo cụ thể nhưng chỉ cần đi ngoài phố và quan sát một chút thì bạn cũng có thể thấy ngay điều đó,” ông Emmanuel, người từng có có 10 năm làm việc cùng TAG Heuer, 4 năm với Porsche Design Watch và 5 năm ở Graham cho biết.
Không thể phủ nhận, ngoài thời trang, đồng hồ là loại hình sản phẩm xa xỉ thứ hai thể hiện sự phát triển rõ nét của thị trường cao cấp Việt Nam. Theo một điều tra không chính thức tại 2 thành phố là Hà Nội và tp.HCM với câu hỏi “Bạn đang sử dụng đồng hồ hãng nào?”, chỉ trong vòng 3 năm từ 2011 tới 2013, số lượng các thương hiệu được người Việt sử dụng đã tăng từ 1 chữ số lên 2 chữ số! Từ những cái tên rất quen thuộc như Rolex, Omega, Longines hay Seiko, Citizen... nhiều “tay chơi” Việt đã bắt đầu sở hữu những chiếc đồng hồ Patek Phillipe, TAG Heuer, Vacheron Constantin hay Speake Marin, IWC… với mức giá có thể tới cả trăm ngàn USD.
Một phương diện khác của nhu cầu thị trường là các nhóm quy tụ hàng ngàn người chơi đồng hồ trong nước hoạt động sôi nổi trên các mạng xã hội như Facebook. Không khó để cập nhận xu hướng cả về thương hiệu, phong cách cũng như mức giá những chiếc đồng hồ đang được các “tay chơi” trong nước ưa chuộng.
“Thú chơi đồng hồ của người Việt Nam thì đã có từ lâu nhưng phong cách chơi giờ đây cũng thay đổi nhiều. Vẫn có những nhóm chơi đồng hồ cổ nhưng ngày càng nhiều người trẻ có điều kiện hướng tới phong cách chơi đồng hồ hiện đại,” một thành viên muốn giấu tên của nhóm “Hôm nay bạn đeo đồng hồ gì?”, một trong những nhóm tập trung đông và uy tín những tay chơi đồng hồ trong nước, chia sẻ.
Tuy nhiên, giống như nhiều sản phẩm xa xỉ khác, rào cản lớn của thị trường đồng hồ nói riêng và xa xỉ nói chung ở Việt Nam là hàng giả, hàng nhái tràn lan. Ảnh hưởng tiêu cực nhất của vấn đề này là một bộ phận không nhỏ khách hàng có điều kiện tài chính và muốn sở hữu những chiếc đồng hồ cao cấp không thể có lựa chọn nào khác ngoài trực tiếp mua hàng từ nước ngoài. Với các thương hiệu, họ có lo lắng điều này?
Hình ảnh mẫu đồng hồ Speake-Marin Đông Sơn Tourbillon sẽ ra thị trường với số lượng sản xuất giới hạn |
“Khi tiếp cận thị trường Trung Quốc và một số thị trường châu Á khác, chúng tôi cũng vấp phải vấn đề này. Nhất là sự bùng nổ của các kênh bán hàng trực tuyến khó kiểm soát, càng tạo nên một dạng “chợ đen” ảnh hưởng không hề nhỏ tới các thương hiệu cao cấp,” ông Emmanuel Bitton nhận định. Vì thế, theo ông việc có các nhà phân phối trực tiếp tại bản địa có uy tín và kinh nghiệm là một trong những giải pháp mà các thương hiệu hướng tới.
Thị trường cao cấp Việt vẫn là một ẩn số thú vị với các thương hiệu |
Một nhà phân phối hiện đang chính thức phân phối các thương hiệu như Speake-Marin, Sarpaneva… tại Việt Nam cho biết thực tế người sưu tầm và sở hữu đồng hồ cao cấp trong nước hiện nay có nền tảng hiểu biết và văn hoá sử dụng rất cao, vì thế chỉ cần có những kênh phân phối chính thức và uy tín, khách hàng sẽ tin tưởng và lựa chọn.
Giới mộ điệu vẫn nhớ sự kiện năm 2012 khi hãng Speake-Marin bất ngờ ra mắt sản phẩm giới hạn Speake-Marin Đông Sơn với 18 chiếc duy nhất được sản xuất. Giá bán của sản phẩm ở Việt Nam là 43.000 USD (gần 1 tỉ đồng) và theo nhà phân phối, có không ít người Việt đã sở hữu chiếc đồng hồ này. Tại sự kiện Baselworld 2014 vừa qua, hãng đồng hồ độc lập tiếp tục hé lộ hình ảnh về sản phẩm Speake-Marin Đông Sơn Tourbillon với thiết kế ấn tượng và hẳn giá thành cũng không hề thấp khi sử dụng cơ chế tourbillon. Cảm hứng sáng tạo của nghệ nhân Peter Speake-Marin không phải bàn. Nhưng trên một phương diện nào đó, hẳn sức hút thị trường cũng là lý do để hãng tiếp tục theo đuổi dòng sản phẩm này.
Chia tay chúng tôi sau cuộc gặp gỡ ngắn, ông Francois Candolfi ngập ngừng một chút rồi quay lại: “Thị trường xa xỉ luôn tiềm ẩn những điều bất ngờ, đó chính là điểm thú vị. Ở Việt Nam, thị trường này còn nhiều ẩn số lắm. Nhưng cũng bởi vậy, các thương hiệu càng muốn sớm “bén rễ” ở đây.” Hẳn vị CEO này muốn nói tới tầng lớp người giàu “thoắt ẩn thoắt hiện” trong xã hội Việt. Ví như con số 20 triệu phú USD người Việt (theo tiêu chuẩn có khối tài sản trên 30 triệu USD) được ghi nhận năm 2014 bởi Wealth-X và UBS. Không ai có thể trả lời chính xác họ là những ai…
H.V/ Luxesvn