Bồ câu, ăn là ghiền...

Ẩm thực và dinh dưỡng - Ngày đăng : 11:50, 29/07/2015

Để thưởng thức món bồ câu đúng điệu, hãy vén nhẹ “xiêm y” xôi ra, mùi thơm thanh không ngớt lan tỏa. “Thân” xôi trắng mịn, lấm tấm những sớ thịt nạt chim câu màu nâu nhạt được xé nhuyễn. Hương thơm đặc trưng của loại nếp ngon quyện vào chất nồng dịu của nước cốt tiêu xanh, âm thầm “vây hãm” khứu giác người ăn.
Dù không biết viết luận án tiến sĩ, song ông bà ta thật tinh tế khi dặn dò: “Thịt gà, cơm nếp, đàn bà. Cả ba thứ ấy đều là dùng tay” (tục ngữ Việt Nam). Phải xé vụn thì lượng mỡ dưới da của gà hoặc chim trời mới tươm ra, “tắm” đều lên các sớ thịt. Phải vò nhừ cơm nếp hay xôi thì ăn vào mới dễ tiêu được. Đó là cách thưởng thức món thịt gà, thịt chim trời đúng điệu.
Ngày trước, giới thượng lưu Sài Gòn thường rủ nhau đi ăn xôi le le, giá không dưới 1 triệu/món, vừa lạ miệng vừa thể hiện đẳng cấp (vật chất cùng bản lĩnh đàn ông). Họ quên rằng, giống sâm cầm này chỉ mập theo mùa, khoảng tháng 10 đến tháng Chạp  âm lịch. Có vậy, thì xưa vua chúa mới màng đến.

Và nếu đúng mùa, chim không mập thì ức chim cũng sẽ không nở căng thì xem như “xôi hỏng bỏng không”. Các bà vợ son đừng mong “bóc lột” chồng về khoản “bồng lai” - phòng the.
Với lại, ăn riết (miết) đến nỗi chim trời vắng hoe! Thêm nhịp sóng tài chính vẫn trầm lắng, khiến nhiều “thượng đế” bỗng dưng... nghèo tả tơi. Vậy là, những đôi “uyên ương” bồ câu, phải gánh luôn “sứ mạng” cao cả của loài chim “tiến” vừa kể.

Tuy giá chúng không rẻ lắm song khả năng bổ dưỡng lẫn giúp giữ vững “phong độ” phòng the, theo quan niệm của đông y và y thực Việt.
Và, nhờ có bếp trưởng Hong Kong của Ming Dynasty dạy cách làm và sẵn khiếu nấu ăn ngon, nên những người trợ lý chế biến món này rất đạt.
thuong thuc mon bo cau dung dieu-hinh-anh-1
Để thưởng thức món bồ câu đúng điệu, hãy vén nhẹ “xiêm y” xôi ra, mùi thơm thanh không ngớt lan tỏa.
Phần “áo” xôi vàng ươm, thơm phức. Bẻ ra, vừa thổi vừa nhai, nghe giòn rào rạo. Chợt nhớ “bóng dáng” miếng cơm cháy nếp sáp của Mẹ cho xưa, rưới chút mỡ heo cỏ, lấp lánh lá hành hương xắt nhuyễn xanh mát. Nó dẻo quẹo, béo ngọt mê say!
Vén nhẹ “xiêm y” xôi ra, mùi thơm thanh không ngớt lan tỏa. “Thân” xôi trắng mịn, lấm tấm những sớ thịt nạt chim câu màu nâu nhạt được xé nhuyễn. Hương thơm đặc trưng của loại nếp ngon quyện vào chất nồng dịu của nước cốt tiêu xanh, âm thầm “vây hãm” khứu giác người ăn.
Buộc họ không kiềm nén nổi một tiếng đánh ực, để vòm họng thêm trơn tru - sẵn sàng chuyển tải thực phẩm.
Dù vội cách mấy cũng phải bốc xôi, dày... vò thành viên cỡ ngón chân cái. Đến khi xôi hơi nhão ra, dính chặt lại. Chuẩn của xôi ngon là, càng vò càng dẻo mịn nhưng không hề dính tay. Rồi cắn mạnh, nhai chậm, không nuốt vội, để nghe bao hương vị giao hòa thật thướt tha. Xôi thì béo ngọt. Thịt chim ngọt bùi, chắc dẻo. Cùng chút cay cay lẫn hăng nồng của tiêu, hành... mới tuyệt làm sao!
Cao thâm hơn, y thực triều Nguyễn có bài thuốc gia vị giúp khắc chế “tật xấu” gây khó tiêu, ợ hơi của nếp. Bài này được phối chế từ nhựa măng tre gai (trúc nhự) trộn với nước cốt của lá + đọt non cây chùm ngây và rau bù ngót. Không chỉ thế, chúng còn giúp nâng cao lượng đạm thực vật; bổ ích hệ tiêu hóa cũng như cơ chế giải độc, tuần hoàn máu. Còn độc đáo ở chổ, mũi người ăn nghe béo thanh thoát, riêng miệng lưỡi lại không cảm thấy béo. Thử hỏi có “chết”... mê không?!
Tất nhiên, trời sinh ra bồ câu không chỉ để con dân sành ăn mang hấp xôi, còn vô số món “mất nửa linh hồn” khác như: quay lu, Giang Nam dã hạc... “nóng lòng” chờ đợi.

Hoàng Khải (Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk)

Một Thế Giới