Tạo đòn bẩy cho du lịch miền Trung
Du lịch - Ngày đăng : 20:18, 25/11/2013
Không ai phủ nhận về tiềm năng của du lịch miền Trung nhưng nếu không tạo ra được sản phẩm du lịch đặc trưng và thay đổi cách tiếp cận, tiềm năng đó sẽ giống như “viên ngọc không được mài giũa”. Vậy làm gì để du lịch trở thành một ngành một công nghiệp mũi nhọn theo định hướng của Chính phủ, đóng góp lớn vào GDP cả nước?
Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia và nhà đầu tư trong lĩnh vực lưu trú đã bày tỏ quan điểm.
Bà Lê Thị Thu Hà, Chủ tịch HĐTV Câu lạc bộ Kỳ nghỉ Ninh Vân Bay (Ninh Van Bay Holiday Club): Xác định rõ phân khúc và khách hàng cốt lõi.
Ngành du lịch Việt Nam tuy đã phát triển mạnh, nhưng thực tế cho thấy còn quá nhiều vấn đề nan giải như: chỉ chú trọng khai thác thiên nhiên và vẫn chưa có được một sân khấu, nhà hát biểu diễn nghệ thuật dân tộc nào hoành tráng để giới thiệu đến du khách quốc tế. Thêm vào đó là tệ nạn xã hội, ý thức vệ sinh môi trường, văn hóa giao tiếp kém, các dịch vụ du lịch còn quá đắt đỏ; trong khi chất lượng còn kém xa so với các nước khác… Để cải thiện tình hình này, ý thức ở mỗi người dân là điều quan trọng hơn hết.
|
Bà Lê Thị Thu Hà, Chủ tịch HĐTV Câu lạc bộ Kỳ nghỉ Ninh Vân Bay |
Ngoài ra, vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng khác như: ô nhiễm môi trường tại các điểm du lịch, nhiều di tích không được bảo quản đúng mức gây hư hỏng nghiêm trọng hay bị sửa lại khác xa mẫu cổ, tình trạng chèo kéo, bắt chẹt khách, tăng giá phòng tùy tiện, chất lượng cơ sở hạ tầng và giao thông thấp, dịch vụ còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, chính việc “xã hội hóa” các danh thắng (cho phép các công ty đầu tư khai thác và bán vé vào cửa) dẫn đến việc hầu hết các nơi danh thắng đều thu tiền vào tham quan khá đắt. Các công ty này lại không quan tâm bảo trì đúng mức, do đó cảnh quan đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Do đó, để biến du lịch thành ngành có doanh thu cao cần chú ý đến các vấn đề như: phân tích, đánh giá thị trường khách để biết đối là ai, tập trung vào phân khúc, nhóm khách cốt lõi có khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày. Du lịch là một ngành kinh doanh cung cấp các dịch vụ cho nhu cầu vui chơi thưởng ngoạn của du khách nên mục tiêu đặc ta là phải tạo mọi điều kiện để du khách thỏa mãn, cần cung cấp các sản phẩm, hàng hóa đa dạng, hấp dẫn, bán hàng theo sở thích và nhu cầu của du khách…
Ông Zulki Othman, Tổng giám đốc Hyatt Regency Danang Regency Resort & Spa: Cải thiện từ con người đến sản phẩm du lịch
Việt Nam có tiềm năng du lịch rất lớn nhờ vào cảnh đẹp thiên nhiên và tính cách niềm nở của con người Việt Nam. Để khai thác tiềm năng này có một số điểm cần được quan tâm. Trước hết, phải nói đến nguồn nhân lực, cần phải được đào tạo bài bản cả về kiến thức trong ngành lẫn ngôn ngữ và ý thức. Người Việt vốn sẵn có lòng hiếu khách, họ cần biết phát huy một cách chuyên nghiệp và cần được đào tạo bài bản. Ngoài ra, ngôn ngữ vẫn còn hạn chế. Để có đủ lực lượng nhân viên thông thạo tiếng Anh không dễ, đó là chưa nói đến những ngôn ngữ khác. Tiếp đến, nếu các sân bay quốc tế được quản lý tốt hơn, các dịch vụ hỗ trợ như ẩm thực, mua sắm, giải trí cần được tổ chức tốt hơn để tạo cảm giác thỏa mái cho du khách trong thời gian chờ đợi tại sân bay. Đây cũng là nguồn thu nhập không nhỏ cho ngành du lịch.
|
Ông Zulki Othman, Tổng giám đốc Hyatt Regency Danang Regency Resort & Spa |
Riêng ở khu vực miền Trung, cảnh quan thiên nhiên rất đẹp, du khách luôn cảm thấy đặc biệt khi đến đây, tuy nhiên, tương tự ở đây cũng cần phát triển các dịch vụ bổ trợ cho ngành du lịch. Giao thông phục vụ khách du lịch ở đây chủ yếu là taxi nhưng rất ít tài xế taxi thông thạo giao tiếp bằng tiếng Anh. Điều này khiến cho du khách không cảm thấy thỏa mái và an toàn. Hơn nữa, giao thông công cộng chưa đạt chất lượng để phục vụ du lịch.
Ông John Augustin, Giám đốc điều hành Tập đoàn quản lý The Everly Group: Việt Nam cần có thời gian và chiến lược rõ ràng
Việt Nam là một quốc gia trẻ, giống như Malaysia cách đây 25 năm. Việt Nam cũng không nên quá nôn nóng mà phải chọn chiến lược phù hợp. Tôi cho rằng, Việt Nam đã có lợi thế trong việc quảng bá hình ảnh đất nước và con người nên chúng ta cũng không cần phải “làm giống” ở những điểm du lịch nổi tiếng khác. Trải qua hai cuộc khách chiến chống Mỹ và Pháp, thế giới biết đến Việt Nam. Hơn nữa, lực lượng kiều bào cũng là những người quảng bá cho hình ảnh đất nước.
|
Ông John Augustin, Giám đốc điều hành Tập đoàn quản lý The Everly Group |
Còn với câu chuyện của những điểm đến cụ thể hơn như Hội An hay Đà Nẵng, theo quan điểm của tôi, nếu ở đây có khoảng 25 khách sạn hạng sang thì “ngại” gì khách du lịch quốc tế không biết. Trước đây, chỉ trong vòng 10 năm, từ 1999 - 2000, Bali của Indonesia đã mọc lên nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng lớn. Thế giới cũng bắt đầu biết đến họ, từ nền tảng này, họ tiếp tục phát triển (kết hợp với các sản phẩm du lịch đặc trưng). Do đó, Việt Nam cũng cần có thời gian và lộ trình; ngay như Malaysia, để thu hút được 25 triệu lượt khách quốc tế năm 2012 (gấp hơn 3 lần Việt Nam), họ cũng đã bắt đầu những bước đi đầu tiên từ những năm 1980 (trung bình khi đó Malaysia đón 4 triệu lượt khách quốc tế/năm).
Kenneth Atkinson, Tổng giám đốc Công ty Grant Thorton Việt Nam: Cần đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng
Tất nhiên là Việt Nam có nhiều năm phát triển du lịch nhưng chưa thể sánh kịp với Phukhet hay Bali vì những điểm du lịch nổi tiếng này có thời gian phát triển sớm hơn, cụ thể là từ cuối những năm 1970 đến đầu những năm 1980. Hơn nữa, điều quan trọng hơn hết để họ tiếp tục thu hút du khách là hạ tầng du lịch phát triển, phục vụ cho tất cả các đối tượng nên phần lớn trong số họ đầu quay lại Thái Lan. Trong khi đó, rất ít du khách đến Việt Nam quay trở lại cho đến khi Việt Nam có hạ tầng phát triển và cho phép người nước ngoài sở hữu ngôi nhà thứ hai (Việt Nam rất khó cạnh tranh với Bali hay Phukhet ở điểm này), do đó, rất nhiều khách quốc tế đã mua biệt thự nghỉ dưỡng ở đây để phục vụ cho nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn của họ. Theo quan điểm của tôi, phát triển biệt thự nghỉ dưỡng không phải là điều xấu vì đây là xu hướng của nhiều gia đình khi chọn lựa cho các chuyến nghỉ dưỡng; quan trọng là vấn đề quy hoạch và quản lý của các cơ quan chức năng.
|
Kenneth Atkinson, Tổng giám đốc Công ty Grant Thorton Việt Nam |
Ngoài ra, tôi cũng cho rằng, đối với các dự án bất động sản nghỉ dưỡng bị đình trệ hiện nay, một phần cũng do khủng hoảng kinh tế thế giới và điều kiện của nền kinh tế Việt Nam khiến nhiều nhà đầu tư bị “giam vốn” vào khu vực bất động sản nói chung và lĩnh vực khách sạn, nghỉ dưỡng nói riêng. Ngoài ra, một bộ phận nhà đầu tư không triển khai dự án còn phụ thuộc vào mức độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng kết nối với dự án và lưu lượng khách đến khu vực phát triển dự án chưa đủ lớn. Điều này sẽ tác động đến bài toán thu hồi vốn của họ. Thêm nữa, quá trình cấp phép cũng như giải phóng mặt bằng mất khá nhiều thời gian; trong khi tại khu vực Đông Nam Á vẫn còn nhiều điểm khác thu hút nhà đầu tư hơn vì những điều kiện tiếp cận dự án khá dễ dàng.
Theo Tạp chí Duyên Dáng Việt Nam - Bài: Tuệ Minh
Một Thế Giới