Thăm quê hương Shakespeare
Du lịch - Ngày đăng : 06:44, 26/10/2013
Tôi ra ga tàu điện khởi hành từ bến Merylebone để làm một chuyến về quê của Shakespeare ở Stratford Upon Avon, một thị trấn nhỏ bình yên nằm ven dòng Avon, nơi không có khu thương mại sầm uất, không có những con đường dày đặc quán bar nhộn nhịp… Bởi thế, không gì ngạc nhiên khi dân Anh gọi địa danh này là “nhà quê”, và nếu đó không phải là quê của Shakespeare thì chưa chắc đã hấp dẫn khách du lịch đến thế. Bằng chứng là từ sau khi Shakespeare qua đời (23.4.1616), Stratford Upon Avon vẫn là tên gọi xa lạ mãi cho đến 6.9.1769, khi David Garrick tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh Shakespeare, với nhiều hoạt động nghệ thuật diễn ra trong ba ngày liên tiếp, đã trở thành một hiện tượng và khiến vùng “nhà quê” này hấp dẫn lữ khách. Và mỗi năm có khoảng 3 triệu du khách đến đây.
Cổ kính Stratford Upon Avon
Rời khỏi ga Stratford Upon Avon trong một ngày nắng đẹp hiếm có của xứ sương mù, tôi thẳng tiến về quê Shakespeare. Chưa đầy 10 phút cuốc bộ, tôi đã đứng ngay tháp đồng hồ – trung tâm Stratford Upon Avon, ấn tượng đầu tiên về thị trấn nhỏ xinh này là các ngôi nhà mái rơm cổ kính, người bản địa gọi là Thatch house.
Loại nhà mái rơm đang mai một dần không chỉ ở Anh mà cả châu Âu, bởi loại vật liệu để làm mái nhà ngày càng hiếm dần, cộng thêm việc thi công và chi phí sẽ tốn kém ít nhất là gấp 5 lần so với việc làm một mái nhà thông thường, do vậy nhiều lữ khách khi thấy nhà mái rơm thường dừng lại chiêm ngưỡng, phần bởi dáng hình lạ mắt, phần bởi tương lai những kiểu nhà ấy sẽ không còn.
Gác chuyện nhà cổ mái rơm sang một bên, ở Stratford Upon Avon không gì nổi bật hơn là tên gọi Shakespeare, cảm giác rằng mọi thứ ở đây đều gắn với tên tuổi của đại thi hào này, từ cái ngõ nhỏ xíu dẫn ra một khoảnh sân, ngay biển đề bên ngoài cũng thấy ghi là Shakespeare courtyard (dù thực tình nó chẳng có gì đặc biệt), rồi đến tất cả các địa danh khác như nhà thờ, nơi diễn ra lễ rửa tội Shakespeare, nơi sinh, nhà con gái, nhà gia đình vợ, nhà ở những năm cuối đời… tất thảy các địa danh gắn với Shakespeare đấy đều là điểm tham quan nổi bật mà du khách khi đến thị trấn này đều muốn ghé qua để hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp thơ ca, và lối sống của một ông “nhà quê” khiến cả thế giới nghiêng mình ngưỡng mộ.
“Thánh địa” Shakespeare
Điểm đầu tiên trong chuỗi địa danh gắn với Shakespeare mà mọi người thường tìm đến chính là nơi sinh của ông, một ngôi nhà gỗ cổ, tường gạch trên đường Henley, có niên đại từ thế kỷ 16, nơi mà ông thợ làm găng tay và buôn len John Shakespeare kết hôn với nữ quý tộc Mary Arden và sau đó hạ sinh thiên tài William Shakespeare vào 26.4.1564. Ngôi nhà tuy không gì nổi bật so với các kiến trúc cổ khác trên đường Henley, nhưng điểm đến này được mệnh danh là “thánh địa” của những người yêu văn chương trên toàn thế giới.
Những điểm đến khác trong “thánh địa” Shakespeare còn có Hall’s Croft- nhà của Susanna Hall, con gái Shakespeare và bác sĩ John Hall, với phần nội thất cùng bộ sưu tập tranh có niên đại từ thế kỷ 16, 17. Kế đến là ngôi nhà của Thomas Nash – chồng của Elizabeth, cháu gái Shakespeare, hay còn gọi là Nash’s house và New Place nằm trên đường Chapel mà ngày xa xưa Shakespeare đã sống những năm cuối đời tại đó. Giờ đây, Nash’s house trở thành một bảo tàng trưng bày lịch sử phát triển của Stratford Upon Avon từ những cư dân đầu tiên xuất hiện trong vùng cho đến thời đại Shakespeare. Ở thị trấn này còn có ngôi nhà cổ Anne Hathaway, một trong những dinh thự gia đình bên vợ của Shakespeare, cũng là một điểm đến khác mà lữ khách thường ghé qua tham quan.
Đi qua từng địa danh này, có cảm giác như đang ngược dòng thời gian về thế kỷ 17, bởi những hiện vật, những câu chuyện, không gian ở các ngôi nhà cổ đều được bảo tồn nguyên vẹn, khiến mọi người có thể cảm được sự cổ kính, trầm mặc, bằng tất cả các giác quan, để hiểu thêm những câu chuyện và sự nghiệp đầy huyền thoại mà Shakespeare để lại cho quê hương mình.
Bên dòng Avon
Nhiều người chẳng mấy hứng thú lắm với Stratford Upon Avon, bởi nhịp sống ở thị trấn nhỏ bé này diễn ra rất chậm rãi. Thế nên với lữ khách khi đã quyết định đến địa danh này, họ đã có hẳn một quỹ thời gian dành cho việc khám phá, chiêm nghiệm, nhìn ngắm cuộc sống bình yên chậm như dòng chảy của sông Avon giữa mùa hè.
Đi quanh thị trấn gần một ngày trời, hình ảnh quen thuộc mà tôi gặp nhiều nhất là từng đoàn, từng nhóm, hoặc từng cặp các cụ già, người chậm rãi đi lững thững, người ngồi xe lăn, người chống gậy, đang nhàn du trên từng phiến đá lót đường ở Stratford Upon Avon, khiến tôi có cảm tưởng như mình đang lạc vào một trại dưỡng lão hoặc một đô thị già cỗi chứ không phải đang trên đường chu du nơi quê hương Shakespeare.
Từ trung tâm thị trấn, tôi dạo bước ra dòng Avon để chiêm ngưỡng ngôi nhà của bầy thiên nga trắng muốt đang nô đùa, ngay cả giống loài tự nhiên này sống ở đây cũng nhàn hạ, rất dạn người, cả ngày bơi lượn lờ đờ đợi du khách phát cho những mẩu bánh mì và chụp vài kiểu ảnh kỷ niệm.
Đi ngược theo con nước Avon, băng qua nhà hát Shakespeare, tôi đến được một di tích khác gắn với Shakespeare, đó chính là nơi yên nghỉ mãi mãi của ông tại thánh đường Chúa ba ngôi (Holy Trinity Church) hơn 800 năm tuổi bên dòng sông Avon. Mộ phần của đại thi hào tọa lạc ở một vị trí trang trọng trên gian cung thánh để hằng ngày, người mộ đạo và cả những lữ khách tìm đến diện kiến, tham quan, nguyện cầu, hay chiêm nghiệm những nét đẹp trải qua từng thế kỷ tồn tại từ các nét kiến trúc, điêu khắc, các mảng tranh kiếng của thánh đường trong sự tĩnh tại, bình an nơi quê nhà của Shakespeare.
Kết thúc một hành trình khám phá Stratford Upon Avon, trước khi đón chuyến tàu cuối ngày về lại London, tôi tìm đến không gian quán bia đặc trưng kiểu Anh là The Garrick ở số 25 trên đường High, đây là quán bia cổ nhất ở quê hương Shakespeare, để tự thưởng cho mình một pint (568ml) bia Cask Ale đã được phục vụ ở quán từ năm 1594. Món bia đen này được lên men theo kiểu truyền thống, ít bọt, vị đậm, nặng độ và thơm nồng mùi đại mạch. Nhấm nháp vị bia tươi đặc sản trong không gian cổ kính của Garrick, cảm giác như thời gian đang trôi chậm lại, và ở xứ sương mù, tìm được những nơi để tận hưởng nhịp sống chậm như thế hẳn là “xa xỉ”. Chẳng thế mà hơn 3 triệu lượt du khách tìm đến Stratford Upon Avon mỗi năm, vì Shakespeare và vì sự “xa xỉ” dễ thương như thế.
Theo Duyên Dáng Việt Nam – Bài và ảnh: Lam Phong