Đàn ông không thể thiếu chanh?

Ẩm thực và dinh dưỡng - Ngày đăng : 15:01, 22/08/2014

Dù ở tuổi thất thập, GS.TS Võ Tòng Xuân - nhà khoa học về nông nghiệp hàng đầu Việt Nam vẫn vừa giảng dạy tại các trường đại học, vừa tiếp tục thực hiện mô hình phát triển nông nghiệp nâng lợi tức nông dân. Bí quyết của để có sức khỏe cường tráng và tinh thần minh mẫn của ông là: chanh.
Dan ong khong the thieu chanh?
 
Năm 1954, lúc học lớp 6 ông mua quyển “Kim chỉ nam của học sinh” do ông Nguyễn Hiến Lê viết. Ông làm theo lời dạy của tác giả không sai sót chút nào, từ việc thể dục hàng ngày, cách vệ sinh cá nhân, cách ăn uống đủ dinh dưỡng, đúng giờ khắc. Đặc biệt, thuốc lá và rượu mạnh là hai thứ ông tránh xa.
Sáng, trái cây
Vitamin C có chức năng ngăn cản nhiều chất độc hại cho cơ thể và là chất ngăn ngừa ung thư hữu hiệu nên mỗi buổi sáng, trước khi ăn sáng, ông tập uống nước chanh nguyên chất không pha đường, thay vào đó là một ít mật ong. Đến nay đã hơn 30 năm ông uống nước chanh đều đều, mỗi sáng 2 trái trước khi ăn sáng. Có lẽ tổng cộng hiện giờ vị giáo sư 72 tuổi này đã uống hết hơn 21.900 trái chanh. Trong số 3 bữa ăn mỗi ngày, ông luôn luôn coi bữa ăn sáng là quan trọng nhất, phải có trứng gà và trái cây. Loại trái cây mà ông ăn thường xuyên nhất vì dinh dưỡng của nó là chuối và đu đủ.  
Dan ong khong the thieu chanh?
 Chuối và đu đủ là món ăn nhuận tràng, giàu dinh dưỡng - Ảnh: Internet
Ăn trái cây vào buổi sáng nghe có vẻ không… ngon lành, không đúng gu ăn uống của người Việt, đặc biệt là nam giới. Lý do là người Việt vẫn sợ bữa sáng nếu không có thịt và tinh bột thì không no, đã vậy lại còn ăn nhiều trái cây, uống thêm chanh thì sẽ dễ xót ruột, dễ bị thiếu máu. Quan niệm này có lẽ có từ ngàn xưa do dân ta quen làm lụng với nghề nông, lao động vất vả khiến họ nghĩ bữa sáng cần “chắc dạ”. Tuy nhiên, ít ai biết đây lại là một trong các lý do quan trọng khiến thể lực và chiều cao của thanh niên Việt Nam còn nhỏ bé so các nước bạn. Và trên thực tế, “bữa ăn” thế này được phương Tây bình chọn là “bữa ăn vàng” của dinh dưỡng.

Trưa và chiều: Gạo lứt

Không ai hiểu rõ giá trị dinh dưỡng của loại gạo nào là tốt cho sức khỏe con người hơn một chuyên gia về lúa gạo. Thế nên, đừng ngạc nhiên khi biết GS Võ Tòng Xuân thường xuyên dùng bữa với gạo lứt hơn gạo đã xay xát trắng. Gạo lứt có lớp cám bao kín hạt gạo trắng bên trong. Cám rất bổ nhờ có chứa lượng dầu cám đáng kể, và chất xơ, cácbohydrat, đường, protein, Vit. E, Vit. B6, Canxi, Kali. Do đó gạo lứt là món ăn bổ dưỡng, chữa được nhiều bệnh như: bệnh phù thũng, bệnh về da, chứng béo phì, hạ mức cholesterol xấu... Nếu cần một loại thực dưỡng có thể chữa nhiều loại bệnh, tốt cho sức khỏe thì không có gì tốt hơn gạo lứt.
Dan ong khong the thieu chanh?
 Gạo lứt, dùng để ăn kiêng và chữa bệnh

Và, ăn gì bạn thấy ngon miệng

Là người nghiên cứu sâu về nông nghiệp và các giá trị của thực, động vật với đời sống con người, ông đã góp phần không nhỏ để bảo vệ và tạo nên những giống cây con có ích lợi nhất cho con người nên các tài liệu nghiên cứu đúc kết về dinh dưỡng đông tây kim cổ không xa lạ với ông. Ông rất đồng tình với các bác sĩ chuyên dinh dưỡng khi họ chứng minh trên thực tiễn có nhiều thức ăn giảm stress, giúp cho tinh thần phấn chấn lên, như sữa, gạo lứt, lúa mì nguyên cám, cá có nhiều mỡ (omega-3), thịt gà, chuối, tỏi,...
Kinh nghiệm của ông có thể xác nhận những niềm tin về lời khuyên trên đây. “Bạn thèm món ăn gì thì hãy ăn món ấy, ăn ngon miệng sẽ tác động lên não bộ, tiết ra chất kích thích tinh thần sảng khoái và dĩ nhiên bạn sẽ có cảm hứng sáng tạo”.
Thùy Vân (Duyên Dáng Việt Nam) 

Một Thế Giới