Để học trò chán môn sử, lỗi đầu tiên thuộc về giáo viên

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:00, 13/03/2016

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sẽ xem xét đưa các cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, phía Tây Nam, Hải chiến Hoàng Sa… vào sách giáo khoa mới với dung lượng phù hợp nhất.
Trước khi vấn đề này được thực hiện, phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trò chuyện với thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy môn lịch sử của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), một người thầy rất tâm huyết với môn lịch sử và đã dẫn dắt các học sinh đạt được những thành tích cao trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia.
Là giáo viên dạy lịch sử, ông có suy nghĩ gì khi nội dung về cuộc chiến tranh biên giới 1979 trong SGK hiện hành chỉ gói gọn trong 11 dòng, thậm chí có những cuộc chiến trên biển đảo còn không được nhắc tới?
Trước tiên, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, SGK lịch sử phổ thông hiện hành có nhiều bất cập về cả hình thức trình bày, cấu trúc nội dung và kiến thức lịch sử. Do nhiều nguyên nhân mang tính lịch sử, dù các chuyên gia biên soạn đã cố gắng nhưng vẫn không tránh được những thiếu sót mà ngay chính họ cũng không muốn như thế.
Sự thật lịch sử mãi là sự thật và dù có không muốn thì nó vẫn đã xảy ra. Đừng vì những lý do theo kiểu “tế nhị”, “nhạy cảm” khi nhắc đến quan hệ Việt - Trung mà khiến SGK môn lịch sử phản ánh chưa đúng, chưa đủ, chưa khách quan. Chúng ta cần nên phân biệt rạch ròi rằng nhắc lại quá khứ dù bi thương hay oai hùng, không phải là khơi dậy tư tưởng thù hằn dân tộc, đào sâu vết thương lòng cho thế hệ trẻ.
Bản thân ông khi dạy đến kiến thức này có né tránh hoặc chỉ dạy lướt qua cho đủ nội dung, chương trình mà SGK đã cung cấp hay không?
Hơn 20 năm công tác, tôi đã từng được dạy qua 2 bộ chương trình và SGK.  Dù có những bổ sung, chỉnh sửa trong những lần tái bản, nhưng chương trình và SGK hiện hành vẫn luôn né tránh nhiều sự kiện liên quan đến việc Trung Quốc xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam (Hải chiến Hoàng Sa ngày 19.1.1974 hay chiến tranh biên giới Tây Nam 1975 - 1978, chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 – 1989, sự kiện Gạc Ma ngày 14.3.1988...).
Nhắc đến các sự kiện như thế, tôi không hề né tránh mà cần nói rõ bản chất các sự kiện đó cho học trò của mình. Tôi cho rằng nếu né tránh những sự thật đó tức là mình đã không hoàn thành trách nhiệm của một giáo viên lịch sử và cảm thấy mình có tội trước lịch sử, trước các bậc tiền nhân và hậu thế.

Thầy đã truyền tải cho học sinh các kiến thức đó bằng phương pháp nào?

Khi nói về chiến tranh biên giới phía Bắc, thực chất nó không nằm vỏn vẹn trong thời gian 1 tháng năm 1979. Sau khi quân đội xâm lược Trung Quốc rút về nước, diễn biến của cuộc chiến tranh này còn kéo dài dai dẳng đến hết năm 1989. Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận đó là một cuộc chiến tranh xâm lược với mưu đồ bành trướng của Trung Quốc. Song hành với các hành động xạm lược, tàn phá, chúng còn gây nên nhiều vụ thảm sát bộ đội và đồng bào ta ở nhiều tỉnh biên giới Việt - Trung. Chúng ta cần nhìn nhận, đánh giá lại sự kiện đó một cách khách quan, trung thực và tôn trọng sự thật lịch sử.

Sự đón nhận của học sinh với các phương pháp đó của người thầy ra sao, thưa ông?

Tôi xin khẳng định rằng học sinh bây giờ không chán học lịch sử. Có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau mà học sinh không chọn sử là môn thi nhưng không có nghĩa là các em không thích tìm hiểu những bí ẩn của lịch sử. Để học sinh chán sử, không tập trung chú ý nghe giảng, lỗi và trách nhiệm đầu tiên thuộc về giáo viên.

Tran Trung Hieu, lich su, SGK, chien tranh bien gioi, hai chien Hoang Sa
Thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên dạy môn lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An)
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết sẽ xem xét đưa nội dung chiến tranh biên giới, hải đảo vào chương trình và SGK mới. Theo ông, cần phải đưa những nội dung này vào sách như thế nào cho hợp lý? 
Trong SGK lịch sử phổ thông hiện hành, vấn đề chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam thì nói quá sơ sài, còn vấn đề về chủ quyền và bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa, Gạc Ma... lại không hề được nhắc đến.

Thứ nhất, tôi chỉ được biết Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển trả lời với báo chí rằng Bộ sẽ xem xét đưa nội dung đó vào SGK mới. Còn đưa như thế nào, mức độ nào thì có lẽ chúng ta phải chờ Bộ trả lời bằng văn bản. Nói thì đã nói rồi, còn làm thì phải chờ.

Đây là một công việc hết sức nghiêm túc và khoa học. Bộ cần có sự phối hợp và tham vấn rộng rãi từ các chuyên gia hàng đầu của Hội khoa học lịch sử Việt Nam cùng các giáo viên sử cốt cán để triển khai bổ sung, chỉnh sửa một cách cầu thị và cẩn trọng

Thứ hai, phần kiến thức về lịch sử Việt Nam sau năm 1975 phải cấu trúc lại chương, bài, tiểu mục, bỏ bớt nhiều kiến thức, sự kiện, số liệu tỉ mỉ, vụn vặt không cần thiết. Còn việc thay đổi cấu trúc, nội dung SGK lịch sử về những vấn đề trên, cụ thể như thế nào thì bây giờ vẫn là quá sớm vì Bộ GD-ĐT chưa công bố lại (sau khi đã có “trục trặc” bởi môn sử cuối năm 2015).

Theo ý kiến của tôi, những kiến thức về đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Gạc Ma... và các cuộc chiến tranh biên giới phải được cấu trúc thành một chương chứ không phải chỉ dừng lại 1 tiểu mục chỉ có 11 dòng, hoặc không hề nói như SGK hiện hành. 

Nếu đưa những kiến thức này vào SGK mới, có sợ “quá tải” cho học sinh không, thưa ông?

Tôi nhắc lại, đây là công việc thật sự nghiêm túc và khoa học. Để có một cuốn SGK ra đời và đưa vào sử dụng cần cả một quá trình biên soạn và thẩm định của nhiều hội đồng khoa học trong thời gian dài. Vì vậy, việc bổ sung kiến thức này vào chương trình sẽ được tính toán một cách hợp lý. Thêm những kiến thức cơ bản, trọng tâm và bỏ những kiến thức vụn vặt để học sinh thấy hứng thú học, thầy cũng hứng thú dạy thì việc đó có gì là “quá tải”.

Làm được như thế, đó sẽ là một trong những giải pháp căn cơ để từng bước nâng cao chất lượng dạy học môn lịch sử, làm cho lịch sử được truyền tải đến học sinh khách quan hơn, trung thực hơn.
Cảm ơn ông về những chia sẻ.
Dạ Thảo

Một Thế Giới