Sách giáo khoa sẽ do hội đồng chuyên môn nhà trường tuyển chọn
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:18, 19/02/2016
Quốc hội đã thông qua chủ trương “Một chương trình, nhiều bộ SGK”, nhằm phát huy trí tuệ, sáng tạo của các tổ chức, cá nhân, tạo “sân chơi bình đẳng” để các nhà xuất bản thi đua, nâng cao chất lượng sách giáo khoa.
Báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trò chuyện với GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội để tìm hiểu rõ hơn về chủ trương này.
Chào ông, ông có thể phân tích rõ hơn về chủ trương "Một chương trình, nhiều bộ SGK" mà Quốc hội đã thông qua?
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng đã đồng ý cho các hội đồng chuyên môn, tổ chuyên môn tại các trường quyết định trường nào phù hợp với bộ SGK nào thì sẽ lựa chọn bộ sách đó, hoặc tổ chuyên môn nào sẽ lựa chọn từng cuốn sách cho bộ môn đó để rồi tập hợp tất cả sách của các môn học áp dụng cho toàn trường. Suy ra là chỉ có một bộ SGK thôi nhưng các giáo viên, học sinh sẽ được lựa chọn từng cuốn sách mà mình cảm thấy phù hợp nhất.
Việc này là hoàn toàn đúng đắn vì nếu giao quyền lựa chọn cho một cá nhân như ông giám đốc Sở hay ông bà hiệu trưởng trường nào đó thì cũng không tránh khỏi chủ quan, hoặc bị điều chuyển công tác thì cũng không tránh khỏi sự thay thế. Nhất là khi không phải ai cũng tránh được "cám dỗ" từ phần trăm trích lại của các nhà xuất bản.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
Vậy việc lựa chọn bộ SGK nào hoàn toàn là do chính nhà trường và tổ chuyên môn quyết định, thưa ông?
Các tổ chuyên môn, hội đồng chuyên môn của trường sẽ phải bàn bạc tập thể để lựa chọn từng cuốn sách hoặc bộ sách mà mình cảm thấy phù hợp chứ không phải từng cá nhân. Nếu để cho từng cá nhân lựa chọn thì rất khó vì ở nước ngoài họ cũng đang sử dụng hình thức này. Nhưng ở các nước đó, giáo viên và học sinh mua rất nhiều bộ SGK khác nhau. Giáo viên sẽ căn cứ theo trình độ học sinh của từng lớp để lựa chọn bài ở SGK phù hợp, tức là mỗi lớp sẽ học theo một bộ SGK riêng.
Đó là họ có điều kiện để tham khảo toàn bộ kiến thức trong từng bộ SGK. Còn ở nước ta không phải học sinh, giáo viên nào cũng đủ sức mua toàn bộ SGK của các nhà xuất bản. Thêm nữa, các giáo viên của nước ta không phải ai cũng đủ trình độ để lựa chọn cho học sinh đúng bài giảng mà học sinh cần để giúp nâng cao năng lực cho học sinh. Nước ta sẽ áp dụng mỗi trường sẽ lựa chọn một bộ SGK nào đó so với từng môn để cung cấp cho học sinh.
Vậy có chắc là tổ chuyên môn, hội đồng chuyên môn của các trường sẽ lựa chọn đúng bài học, đúng năng lực học sinh hơn hay không?
Nếu là một cá nhân thì tôi cho rằng khó đảm bảo và mang tính chủ quan, nhưng với một tổ chuyên môn bao gồm nhiều giáo viên bàn bạc thì tôi tin họ sẽ biết cách lựa chọn hơn. Vì mỗi giáo viên tiếp xúc trực tiếp với học sinh sẽ biết năng lực thật sự của các học sinh và sẽ đưa ý kiến và chọn lựa được cuốn sách thật sự phù hợp.
Lựa chọn được một bộ SGK cho chính học sinh của mình không phải điều dễ dàng đối với các giáo viên và tổ chuyên môn
Vậy những đơn vị nào sẽ được Bộ GD&ĐT đồng ý để viết SGK, thưa ông?
Hiện nay, mình cần phải tính đến thực tế là nhiều cơ quan quản lý nhà nước là các Sở GD&ĐT tại các địa phương cũng có thể làm các bộ SGK. Nhưng nếu các cơ quan quản lý nhà nước mà làm một bộ SGK thì địa phương đó sẽ phải mua sách của cơ quan đó. Nếu để cho tự do các đơn vị ai cũng có quyền viết SGK thì chẳng khác gì để cho địa phương đó "cắt cứ" cho từng trường. Nghĩa là sách của người nào, đơn vị nào viết ra thì địa phương và những người liên quan sẽ phải dùng bộ sách đó, không cần biết phù hợp hay không.
Chính vì thế nên phải quy định các bộ SGK này phải do các nhà xuất bản đứng ra viết và chịu trách nhiệm. Bộ sách của các nhà xuất bản phải phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu giáo dục mới được phát hành, tức là phải có Hội đồng thẩm định chuyên môn cho từng bộ sách đó.
Vậy phương pháp thi tốt nghiệp và thi Đại học sẽ được tổ chức như thế nào, có đảm bảo hoàn thành tốt một kỳ thi quốc gia không, thưa ông?
Với mục tiêu đảm bảo được mặt bằng về kiến thức, kỹ năng thì trước hết hội đồng thẩm định phải lựa chọn được cuốn sách đạt yêu cầu về mặt chuyên môn của môn học. Về đề thi, mình phải ra một cách khái quát nhất chứ không phải dựa vào một hay hai cuốn SGK cụ thể. Căn cứ cả vào chuẩn đầu ra để đưa ra đề thi phù hợp.
Ví dụ như môn Văn, SGK này lựa chọn tác phẩm văn học này, SGK khác lựa chọn tác phẩm văn học khác. Khi ra đề thi, người ra đề phải lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu. Thậm chí có thể chọn một tác phẩm nằm ngoài SGK, gắn liền với xã hội hơn.
Tôi thấy lâu nay mọi người kêu nhiều về việc quá tải, nào là bài được lựa chọn không nâng cao năng lực học sinh, không có đầu SGK mới... nên Bộ GD&ĐT chỉ hạn chế ra đề thi có trong SGK. Như thế là không đúng, bởi lẽ viết một nhưng phải ứng dụng được vào thực tế mới quan trọng. Học trong trường chỉ là một nhưng khi ứng dụng vào thực tế phải năng động hơn, rèn luyện được kỹ năng của mình thông qua kiến thức nền tảng chứ không phải đào tạo ra những con người hoàn toàn giống nhau.
Tôi cũng chỉ mong báo chí, các đồng nghiệp, người dân cùng ủng hộ cho chủ trương này phát triển và được ứng dụng trong thực tế, trong nền giáo dục nước nhà.
Cảm ơn ông!
Minh Khuê