Câu chuyện ly kỳ về cái tên huyện 'Nhà Bè'

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 05:43, 24/07/2015

Huyện Nhà Bè ngay sát khu trung tâm quận 7 của thành phố Hồ Chí Minh chứa đựng những câu chuyện dân gian ly kỳ về nguồn gốc cái tên của khu vực này.
Trong quyển Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức có nhắc tới việc lý giải địa danh Nhà Bè.
Chuyện đại khái là do vùng sông nước đi lại khó khăn nên có một tên nhà giàu tên là Thủ Huồng (tên thật là Võ Hữu Hoằng nhưng do phạm húy hay theo Đại Nam nhất thống chí thì tên bị dân đọc trại ra thành Thủ Huồng) kết tre thành bè, che chắn an toàn, chuẩn bị củi gạo, thổi cơm cho những người lỡ chuyến đò từ Trấn Biên (Biên Hòa) đến Gia Định. Sau này, người dân kết bè lại lên đến 20, 30 chiếc nhóm thành chợ trên sông. Nên xứ ấy sau này gọi là Nhà Bè. Nhưng vốn nơi đó là một vùng hoang vu nhiều kinh rạch chằng chịt. Hà cớ gì một tay giàu có lại phát tâm từ bi mà giúp đỡ người dân đi lại như vậy. 
Câu chuyện về sự tích Nhà Bè này mang một màu sắc huyền bí và cũng có thể là một bài học về nhân quả báo ứng mà người xưa muốn kể để răn dạy con cháu.

Thủ Huồng vốn là người sinh ra ở châu Đại Phố (tức Cù lao Phố, Biên Hòa, Đồng Nai), trong sách Ngàn năm bia miệng của Huỳnh Ngọc Trảng thì ông là người Gia Định. Gã vốn làm nghề thơ lại, lợi dụng chức quyền vơ vét tiền của trong dân, gây ra không biết bao nhiêu án oan. Vợ gã không may mất sớm, con cái lại không có, tiền của lại nhiều, gã từ quan sớm.

Ngày đêm thương nhớ vợ thấm thoát đã hơn 10 năm, nên khi có người mách rằng tại chợ Mãnh Ma (Quảng Yên) là nơi người ở hai cõi âm dương có thể gặp nhau vào ngày mồng một tháng sáu hằng năm, gã giao hết tài sản cho người nhà canh giúp, khăn gói một mình đến đó tìm vợ.

Đến nơi, gã gặp vợ nhưng không dám hỏi vì thấy vợ ăn mặc rất đài các. Một lúc sau, vợ nhận ra gã và gã kéo tay vợ ra một góc rồi tâm sự chuyện của gã khi hai người âm dương cách biệt. Đoạn, gã hỏi: "Mình lâu nay làm gì?". Vợ đáp: "Tôi làm vú nuôi trong cung vua"

Thủ Huồng muốn đi theo vợ xuống âm phủ chơi. Vợ đồng ý. Qua biết bao dặm đường tối mịt, lọt qua không biết bao cửa có quỷ đứng gác, gã cũng tới nơi nhờ vợ mình dẫn qua. Đến gian bếp thì vợ gã không cho đi nữa và dặn: "Đây là nhà bếp, đằng kia là nhà ngục, trước mặt là cung hoàng hậu, chỗ tôi túc trực hàng ngày. Qua khỏi chỗ này là cung vua. Cứ ẩn tạm trong buồng vắng này vì không thể lên trên kia được." Chiều hôm đó, vợ gã sau khi hầu hoàng hậu về trao cho gã một tờ lệnh được phép đi xem khắp nơi trừ cung vua và hoàng hậu.

Gã dạo đây đó; khi đến nhà ngục, tiếng la hét thảm thiết khiến gã bồn chồn. Đi qua những nơi quỷ sứ móc mắt, mổ bụng, cắt tay chân, hắn thấy nơi đây đúng như lời đồn của mọi người ở trên trần thế. Hắn tiến đến một kho gông.

Gã thấy một cái gông vừa to vừa dài bèn lân la hỏi cai ngục thứ gông đó để làm gì. Cai ngục bèn trả lời để chờ một thằng ác nghiệt từ trần gian xuống đền tội. Gã hỏi tên thằng ác nghiệt; ngay khi nghe cai ngục nhắc đến tên của mình thì mặt mày xám ngoét, tay chân bủn rủn. Bao nhiêu tội lớn nhỏ của gã đều được ghi chép đầy đủ cả. Không cách chi trốn thoát. Gã mới hỏi tiếp có cách chi để đền tội không. Tay cai ngục bảo rằng: “Đã vay thì phải trả. Nếu hắn muốn thì phải đem những thứ của cải đã cướp được bố thí cho hết đi.”

Gã nằng nặc với vợ đòi về để trả nợ, và hẹn ba năm sau sẽ đến thăm vợ lần nữa. Về tới nhà, Thủ Huồng ra tay bố thí. Gã tập hợp người nghèo khó trong vùng để phát tiền, bố thí gạo, lại đem ruộng đất của mình hiến cho làng, cho chùa, chia cho họ hàng thôn xóm, mời sư tăng quanh vùng về nhà cúng cơm tốn kém đến hàng vạn. Cứ như thế, sau ba năm gã đã làm từ thiện hết ba phần tư gia sản của mình.

Đến hẹn, Thủ Huồng thu xếp hành lý đi thăm vợ, nhưng cốt là để xem cái gông của mình như thế nào. Gã đi đến kho gông thì thấy thay đổi ít nhiều: có cái mất đi, có cái thì to lên, đặc biệt cái của gã đã bé đi rất nhiều. Gã hỏi cai ngục “Cái gông để nơi đây, trước kia tôi nhớ hình như to lắm thì phải?” Đáp: “Đúng đấy! Có lẽ gần đây trên dương thế, thằng cha ấy biết chuộc lỗi, nên nó nhỏ lại. Nếu hắn cố gắng nữa thì rồi sẽ có phúc lớn.”

Gã từ biệt vợ, trở về nhà tiếp tục làm từ thiện. Gã bán hết nhà cửa ruộng vườn còn sót lại rồi đến Biên Hòa dựng một ngôi chùa lớn để cúng Phật. Rồi gã xuôi về sông Đồng Nai đến chỗ bây giờ gọi là Nhà Bè. Đoạn đường này, thuở ấy còn hoang vu không có quán xá chợ búa, do vậy, thuyền ghe qua lại mà lỡ con nước thì bất tiện vô cùng. Thủ Huồng quyết định ở lại đây, kết một cái bè lớn, trên bè dựng nhà, đủ chỗ nghỉ lại còn có củi gạo mắm muối để tiếp những người lỡ đường. Gã làm tại đây mãi tới lúc chết.

huyen Nha Be, Huynh Ngoc Trang,Trinh Hoai Duc, chua Thu Huong, lich su thanh pho Ho Chi Minh
Một ngôi nhà cổ ở Nhà Bè (Ảnh:Sài Gòn Giải Phóng)

Ngày nay, dấu tích của Thủ Huồng còn ở cù lao Phố ấy là chùa Thủ Huồng, ở trên đường Tân Vạn là rạch Thủ Huồng và cây cầu đá đi qua Tân Vạn bắc qua sông Đồng Nai cũng là cầu Thủ Huồng. Nhà Bè là dấu tích năm xưa Thủ Huồng đã làm nhà bè giúp người dân sang sông.

Ngày nay, Nhà Bè đã trở thành một khu dân cư sầm uất nằm cạnh khu nhà ở biệt thự Phú Mỹ Hưng với con đường huyết mạch nối liền Cần Giờ với các quận nội thành. Nhà Bè ngày nay đang phát triển thành một khu đô thị mới, không còn là lau sậy đầm lầy cách trở khó khăn. Dẫu vậy, lòng người Sài Gòn vẫn luôn nhớ về Nhà Bè là một đầu mối giao thông huyết mạch của Sài Gòn Gia Định xưa:

Nhà Bè nước chảy chia hai

Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.

Hoàng Việt

Một Thế Giới