5 bước cần chú ý khi cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 07:35, 18/01/2016

Căn cứ vào dự báo nguồn nhân lực trung hạn và dài hạn để xác định cơ cấu hệ thống các trường Đại học, Cao đẳng về quy mô, ngành nghề đào tạo,...
Tiến sĩ Dương Xuân Thành, thành viên Ban Nghiên cứu và Phát triển Chính sách, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chỉ ra 5 bước cần chú ý và mạnh dạn đưa ra một số đề xuất trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành công việc quan trọng cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học.
Cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học cần được xem là ưu tiên trong chiến lược đổi mới toàn diện nền giáo dục Việt Nam mà hai bậc học quan trọng nhất là Tiểu học và Đại học.
Trong khi giáo dục tiểu học tập trung vào việc hình thành nhân cách công dân tương lai gồm các tiêu chí như sức khỏe, đạo đức, làm việc tập thể… thì giáo dục đại học nhằm mục đích cung cấp cho đất nước nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng khả năng nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của cải vật chất, tăng cường hàm lượng chất xám trong sản phẩm công nghệ tiến tới xóa bỏ cơ chế làm thuê, gia công sản phẩm cho nước ngoài…
Bài viết này tập trung ý kiến vào cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học.
Cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học không nên hiểu đơn giản là việc chia, tách, sáp nhập, giải thể các cơ sở giáo dục đại học yếu kém. Đây là mắt xích quan trọng bắt buộc phải tiến hành trong tiến trình “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” theo tinh thần nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng ban hành ngày 4.11.2013.
co cau, he thong giao duc, dai hoc, TS. Duong Xuan Thanh, Bo Giao duc va Dao tao, 5 buoc
Sơ đồ hệ thống giáo dục quốc gia do Hội Khuyến học Việt Nam, Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cùng Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người kiến nghị (Ảnh: tuoitre.vn)
Mặc dù tồn tại khá nhiều Luật và văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Giáo dục song có thể nói cho đến nay Bộ GD&ĐT chưa có công cụ pháp lý đủ mạnh để thực thi đổi mới - trong đó có việc cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học - ngoài Quyết định số 64/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 64).
Theo các quy định tại điều 11, 13 Quyết định 64, trong các trường hợp cần sáp nhập, chia, tách, giải thể cơ sở giáo dục đại học, điều kiện bắt buộc là chính các cơ sở này phải tự nguyện đề đạt nguyện vọng qua việc gửi tờ trình về Bộ GD&ĐT.
Tờ trình đó phải có ý kiến của cơ quan chủ quản (nếu là trường trường công lập) hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của trường (đối với trường tư thục), trừ trường hợp các cơ sở giáo dục đại học vi phạm các điểm a, b, c khoản 1 điều 13.
Nói công cụ pháp lý chưa đủ mạnh bởi Bộ GD&ĐT chỉ đóng vai trò trung gian, là nơi tiếp nhận hồ sơ báo cáo Thủ tướng quyết định.
Rõ ràng dù muốn “cơ cấu” thế nào đi chăng nữa thì Bộ GD&ĐT vẫn phải phụ thuộc vào hai phía: nguyện vọng của cơ sở giáo dục đại học và ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Có lẽ chính vì thế nên Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng đã phải trả lời báo chí: “Bộ GD&ĐT không thể can thiệp vào việc cho các trường ngoài công lập giải thể, sáp nhập vào các trường khác”. [1]
Được biết Luật Trưng cầu ý dân có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2016, theo đó “Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân đối với: Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước hoặc vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước”.
Cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học không chỉ là “vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước”, mà còn ảnh hưởng đến hàng chục triệu phụ huynh, sinh viên, cán bộ, giáo viên và các tầng lớp xã hội khác nên cần được minh bạch để nhân dân giám sát.
Để có thể cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học, một số bước nên được chú ý là:
1. Tổng điều tra nguồn lực giáo dục đại học theo các nội dung:
a. Cơ sở vật chất
Về cơ sở vật chất, cần có số liệu chính xác không chỉ về quỹ đất, diện tích sàn xây dựng mà còn về phòng thí nghiệm, thư viện, các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên, cơ sở phục vụ giáo dục thể chất, hạ tầng Công nghệ thông tin, nguồn vốn huy động (với trường tư thục)…
b. Nguồn lực con người
Riêng nguồn lực con người, để tránh tình trạng báo cáo không trung thực, danh sách cán bộ, giảng viên cần quy định “mã nhận diện” (giống như quy định mã trường trong tuyển sinh Đại học – Cao đẳng).
Mỗi giảng viên chỉ có một mã duy nhất và không trùng lặp, “mã nhận diện” sẽ được coi là “trường khóa” trong các cơ sở dữ liệu.
Làm được việc này khi cần có thể sử dụng các công cụ Công nghệ thông tin để biết một giảng viên “cơ hữu” tại bao nhiêu trường.
Nguồn lực con người không chỉ bó hẹp trong phạm vi giảng viên đang làm việc mà còn cả các giảng viên đã nghỉ hưu làm việc dưới hình thức thỉnh giảng.
c. Mạng lưới phân bố các cơ sở giáo dục đại học (theo dân cư, địa phương, cơ quan chủ quản)
Đối với các trường tư thục, cần có thêm dữ liệu về các nhà đầu tư (trình độ, nguồn vốn…).
Số liệu điều tra cần thống nhất lưu trữ trong một Cơ sở dữ liệu (Data base) và được công khai để các nhà nghiên cứu, phản biện có thể dễ dàng truy cập.
2. Thành lập cơ quan chỉ đạo chung
Chính phủ nên thành lập ủy ban liên ngành chỉ đạo việc cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học, có thể gồm các bộ chủ quản (trường công lập), các địa phương quản lý (trường tư thục), đại diện Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam và một số tổ chức xã hội chuyên ngành khác.
Nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban là phối hợp hoạt động của các đơn vị quản lý các cơ sở giáo dục đại học, thống nhất quan điểm cơ cấu, tránh tình trạng đơn vị nào cũng muốn giành ưu tiên cho mình.
Việc quan trọng không kém là rà soát lại Luật, các văn bản dưới luật liên quan đến Giáo dục, cần thiết thì kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, bảo đảm tính thống nhất của luật pháp trong hệ thống giáo dục quốc gia.
Không nên để tình trạng một luật ban hành khi chỉ được hơn 50% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành như Luật Giáo dục nghề nghiệp.
3. Điều kiện tiên quyết
Việc cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học chỉ nên tiến hành sau khi Chính phủ có dự báo “Chiến lược phát triển khoa học - kỹ thuật, kinh tế - xã hội” trung hạn (ví dụ đến 2030) và dài hạn (đến 2050 hoặc xa hơn).
Chỉ khi có dự báo chiến lược này thì mới xác định được nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao mà đất nước cần, từ đó hoạch định cơ cấu hệ thống giáo dục phù hợp.
4. Điều kiện cần
Căn cứ vào dự báo nguồn nhân lực trung hạn và dài hạn để xác định cơ cấu hệ thống các trường Đại học, Cao đẳng về quy mô (số lượng sinh viên), ngành nghề đào tạo, ưu tiên định hướng phân luồng ứng dụng – thực hành (đại học) và đào tạo nghề trình độ cao (cao đẳng – đại học).
5. Điều kiện đủ
Trước khi tiến hành cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT (hoặc Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục) nên ban hành quy chế làm việc của các Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục và quy định bắt buộc các trường phải có “Chứng chỉ kiểm định”, thời gian giữa các lần kiểm định có thể là 05 năm.
Chứng chỉ kiểm định được dùng để phân loại cơ sở giáo dục đại học, từ đó xác định những cơ sở thuộc diện phải chia, tách, sáp nhập, giải thể.
Cần có cơ chế cho phép các Trung tâm kiểm định chất lượng có thể chủ động thực hiện nhiệm vụ kiểm định mà không phải chờ cơ sở mới.
6. Một số đề xuất trong tiến trình cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học
a. Ưu tiên khối trường đào tạo các ngành phục vụ mục đích sản xuất của cải vật chất (cơ khí, xây dựng, giao thông, nông nghiệp…), các trường khối sức khỏe (y, dược, thiết bị y tế…), giảm bớt các trường, ngành đào tạo hiện đã dư thừa cử nhân (sư phạm, kinh tế, kế toán,…).
Giảm dần tiến tới xóa bỏ hình thức đào tạo tại chức, kể cả trường khối lý luận chính trị (hiện đang áp dụng hình thức này). Quản lý nghiêm túc chất lượng học viên các hình thức đào tạo liên thông, từ xa, đào tạo mở,…
b. Bộ GD&ĐT nên là cơ quan chủ quản duy nhất khối trường sư phạm, kể cả các trường sư phạm kỹ thuật, các trường sư phạm do địa phương quản lý.
c. Về liên kết đào tạo
Theo một quan chức Bộ GD&ĐT, để cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học, Bộ đã yêu cầu các trường có uy tín, thương hiệu, chất lượng tốt phải có trách nhiệm liên kết hỗ trợ đào tạo các trường thành viên.
Vị quan chức này cho biết: “Đại học Sư phạm Hà Nội đã thừa nhận trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam là một cơ sở của mình nên đã có nhiều hoạt động hỗ trợ về giảng viên, chương trình giảng dạy, cơ sở vật chất, đảm bảo chất lượng đào tạo cho sinh viên sau khi tốt nghiệp để làm cơ sở cho việc cấp văn bằng, tuyển sinh”.
Về điều này, cần chú ý đến khả năng có thể sẽ bị lạm dụng, thừa nhận trường cao đẳng là thành viên của trường đại học có thể bị biến tướng, vi phạm quyết định 32/2015/TT-BGDĐT bởi khi đó trường đại học lại vẫn đào tạo trình độ cao đẳng.
Đây có thể là biện pháp cho thuê thương hiệu nhằm mục đích “dịch chuyển sinh viên” khi số lượng sinh viên của đại học vượt quá quy mô 15.000 người.
d. Cổ phần hóa các trường công lập không thuộc khối nghiên cứu (hàn lâm), biện pháp này có thể tiến hành ngay. Nhà nước chỉ nên tập trung nguồn lực vào các trường định hướng nghiên cứu (các đại học quốc gia, trọng điểm), các trường khối sư phạm và khối sức khỏe.
e. Việc chia, tách, giải thể các trường.
Đối với các trường đào tạo nguồn nhân lực định hướng thực hành - ứng dụng, nên có chính sách khuyến khích di dời về các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa nhằm thu hút thí sinh người địa phương, giảm thiểu sự tập trung vào các thành phố lớn.
Không chờ đợi việc các trường, đặc biệt là trường tư thục tự đề xuất nguyện vọng chia, tách, giải thể. Bộ nên chủ động kiểm tra hoạt động của các cơ sở giáo dục có tình trạng mâu thuẫn giữa các cổ đông về chất lượng đào tạo, quy mô sinh viên, tư cách đội ngũ lãnh đạo… đề xuất Thủ tướng hướng giải quyết.
Được biết cho đến nay có trường Đại học tư thục bốn năm liền không đại hội cổ đông, những người nắm cổ phần chi phối đã cấm không cho số cổ đông còn lại vào trường nhưng chính quyền cấp tỉnh và Bộ vẫn không có biện pháp giải quyết mặc dù đơn thư tố cáo đã gửi đến những cấp rất cao.
f. Mô hình đào tạo kiểu “Kim tự tháp”
Kiên quyết thực hiện mô hình đào tạo kiểu Kim tự tháp, theo đó bất kể học sinh nào tốt nghiệp kỳ thi quốc gia bậc THPT hoặc tương đương đều có thể theo học đại học. Quản lý quá trình đào tạo sao cho những người yếu kém phải bị loại bỏ, tỷ lệ tốt nghiệp ra trường có thể khống chế ở mức 50-70%.
7. Lộ trình thực hiện
Bộ GD&ĐT nên dự kiến lộ trình thực hiện, hạn cuối cùng để cơ cấu xong hệ thống có thể là năm 2020. Từ nay đến đó tạm dừng không thành lập, nâng cấp các trường mới.
Các ý kiến nêu trên chỉ là suy nghĩ cá nhân và còn nhiều điều chưa đề cập đến, hy vọng đây những gợi ý để cơ quan chức năng tham khảo.
TS. Dương Xuân Thành - Giáo dục Việt Nam

Một Thế Giới