Bí mật Bến Nhà Rồng, có thể bạn chưa biết?
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:07, 13/07/2015
Hầu như ai trong chúng ta cũng biết đến Bến Nhà Rồng ở Tp.HCM nhưng câu chuyện anh dũng về cột cờ bên cạnh di tích này thì ích ai biết đến. Bài viết sau xin giới thiệu đôi nét cho quý độc giả.
Bến Nhà Rồng được xây dựng vào năm 1862 bằng gạch ngói đỏ. Ban đầu, công ty hàng hải Messangeries Maritimes xây dựng với mục đích làm thương cảng và kho chứa hàng hóa. Cảng chỉ cách cửa biển 83km, lại nằm ngay khu vực trung tâm tài chính (Ngân hàng Đông Dương, Ngân hàng Pháp - Hoa, Ngân hàng Hong Kong và Thượng Hải). Và điều thú vị là bến cảng này xuất hiện trong bộ phim "Người tình" của Jean-Jacques Annaud dựa trên quyển tiểu thuyết cùng tên.
Viễn Đông là một điểm đến thường xuyên của hãng Messageries Maritimes. Sài Gòn là điểm đến có mật độ chỉ sau Marseille. Từ đây, tàu của hãng chở hàng hóa đi khắp xứ thuộc địa: Hải Phòng ở phía Bắc, Côn Lôn ở phía Nam (nhất là từ sau khi nhà tù tại đây được xây dựng vào năm 1880 phỏng theo mô hình nhà tù Cayenne nay là xứ Guyane thuộc Pháp)
Cột cờ Thủ Ngữ và câu chuyện anh dũng
Ba năm sau khi xây dựng Bến Nhà Rồng, Pháp cho xây dựng cột cờ Thủ Ngữ (có nghĩa là điểm giữ cửa cảng) tháng 10 năm 1865 để treo cờ hiệu đón tàu thuyền ra vào cảng. Có thể nói, cột cờ là nhân chứng lặng lẽ nhìn ngắm những đổi thay của vùng đất Sài Gòn đầy hoa lệ song cũng lắm những gian nan vất vả.
Ngày 23 tháng 09 năm 1945, một tiểu đội tự vệ của ta với trang bị vũ khí thô sơ đã chiến đấu với một đại đội quân Anh được trang bị đầy đủ. Tiểu đội đã anh dũng hy sinh ngay dưới chân cột cờ Thủ Ngữ. Cảm khái trước những người anh hùng, viên chỉ huy quân Anh đã ra lệnh cho đại đội bồng súng chào những chiến sĩ bên kia chiến tuyến trước khi treo cờ Anh lên.
Cột cờ thủ ngữ ngày nay (Ảnh: Sưu tầm)
Ngày nay, Bến Nhà Rồng không còn là một thương cảng sầm uất, một nơi trung chuyển hàng hóa như xưa. Nơi đây chỉ còn lưu giữ những di vật của vị anh hùng dân tộc, Hồ Chí Minh và thi thoảng tiếp đón những đoàn tàu khách của nước ngoài. Cột cờ Thủ Ngữ cũng không còn chứng kiến những thương đau của chiến tranh hay ngắm những chiếc thuyền đủ màu cờ trên mọi miền thế giới. Cả hai giờ đã trở nên trầm mặc soi bóng xuống dòng sông Sài Gòn uốn lượn rồi đổ thẳng ra biển và bỏ mặc thời gian và chìm vào quên lãng như quên những tháng ngày sôi động của trăm năm về trước.
Hoàng Việt
Một Thế Giới